Vào đầu những năm 2000 số giờ lao động hàng năm tại Đức đã hạ xuống đến mức thấp nhất là 1.467 giờ, ở Mỹ là 1.821, Anh 1.711 và Pháp 1.532 giờ. Thêm vào đó chi phí bảo hiểm xã hội khá cao (khoảng 20% tiền lương) đã làm cho nhiều công ty Đức chuyển một phần sản xuất sang các nước có đồng lương thấp.
Phòng Công nghệ và thương mại Đức ước tính, trong mấy năm qua đầu tư trực tiếp (FDI) đã tạo ra hơn 2,5 triệu công ăn việc làm ngoài nước Đức và mỗi năm khoảng 45.000 chỗ làm được dời ra nước ngoài, trong khi đó số lao động tại bản xứ ngày càng ít đi. Năm 2004 khối EU tăng thêm 10 nước phía Đông với chi phí sản xuất chỉ bằng từ 14-24% của Đức, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư ở nước ngoài.
Khuynh hướng này phát triển với mức độ mà các nhà kinh tế lo ngại về tình hình lao động ở Ðức nói riêng và ở các nước kỹ nghệ nói chung. Nhiều chuyên gia còn cho rằng mức độ di dời, lâu dài gây ra hiểm họa là các công ty này sẽ đưa toàn bộ sản xuất ra nước ngoài, gây ra tình trạng mất cân bằng lao động tại các nước mẹ. Nạn thất nghiệp sẽ gia tăng. Một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc… hưởng lợi từ sự bùng nổ của đầu tư trực tiếp, bắt đầu tự sản xuất và cạnh tranh trở lại với các nước kỹ nghệ.
Mặc dù vậy cuộc khủng hoảng thế giới về tài chính năm 2007-2009 đã không làm khó khăn cho Đức, như phần lớn tại các nước công nghiệp. Trái lại kinh tế Đức vững vàng và phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Cán cân thương mại dư thừa, số người thất nghiệp giảm, gần giống như tình trạng của Đức vào những năm 1960 thiếu lao động, chỉ khác là hiện nay Đức cần lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ nước Đức thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua là nhờ Đức có một hạ tầng cơ sở kỹ thuật phát triển và một nền công nghiệp vững chắc. Tỷ lệ giá trị thu nhập từ sản phẩm kỹ nghệ trên tổng giá trị thu nhập của Đức rất cao, cho năm 2012 là 26%, cao hơn Mỹ (17%) và Anh (16%).
Công nghiệp 4.0, dự án tương lai
Để giữ vững và tăng cường khả năng nền công nghiệp của mình, nhất là để giữ chân các công ty muốn đầu tư sản xuất ra nước ngoài, Chính phủ Đức ban hành vào cuối năm 2011 dự án tương lai Công nghiệp 4.0 trong Chương trình Chiến lược công nghệ cao 2020. Dự án này được nhóm Liên minh Nghiên cứu kinh tế và khoa học của chính phủ liên bang khởi xướng trước đó và công bố vào đầu tháng 4-2011 tại hội chợ Hannover, Đức. Nhóm này có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình phát triển các xu hướng công nghệ thông tin và truyền thông trên thế giới liên quan đến công nghiệp và đề ra các giải pháp tương ứng. Kết quả cuộc điều tra được trình cho chính phủ liên bang và sẽ làm cơ sở phát triển cho Nền tảng Công nghiệp 4.0 với mục tiêu là tạo ra một mô hình mẫu mực mới cho nền công nghiệp Đức.
Trong bối cảnh này công nghiệp 4.0 thường được xem như là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nối tiếp với quá trình của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước. Cách mạng công nghiệp đầu tiên khởi sự vào cuối thế kỷ 18 với quá trình cơ khí hóa bằng cách sử dụng năng lượng nước và hơi nước. Người ta còn nhớ đến hình ảnh của chiếc xe lửa với động cơ chạy bằng hơi nước, đánh dấu cho một cuộc cách mạng khoa học đã làm thay đổi mạnh đến đời sống và xã hội của con người. Lần thứ hai xuất hiện khoảng vào cuối thế kỷ 19 qua việc thay đổi lối sản xuất riêng lẻ bằng quá trình sản xuất hàng loạt với sự trợ giúp của sức điện. Và chưa đầy một thế kỷ sau cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba xuất hiện khoảng vào năm 1970, được đánh dấu chủ yếu do sử dụng điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn đang ở giai đoạn đầu, nhưng phát triển rất mãnh liệt. Nhóm Liên minh Nghiên cứu kinh tế và khoa học đưa ra bốn nguyên tắc tổ chức thiết kế làm nền tảng cho việc xây dựng công nghiệp 4.0.
Nguyên tắc thứ nhất là kết nối: Máy, thiết bị cảm ứng và con người kết nối phối hợp với nhau trong mạng lưới Internet vạn vật (Internet of Things).
Để gia nhập vào trào lưu công nghiệp 4.0 Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng, từ kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở đến con người.
Nguyên tắc kế tiếp là minh bạch thông tin: Dữ liệu cung ứng từ các thiết bị cảm biến làm giàu hệ thống thông tin, từ đó có thể tạo ra một bản sao của thế giới thực.
Nguyên tắc thứ ba là hỗ trợ kỹ thuật: Hệ thống hỗ trợ giúp con người bằng các thông tin tổng hợp, trực quan và dễ hiểu. Điều này cho phép đưa đến các quyết định vững chắc và giải quyết nhanh.
Và nguyên tắc sau cùng là quyết định phân cấp: Hệ thống không gian mạng thực-ảo (cyber-physical system) nối kết các thành phần thông tin và công nghệ phần mềm với các bộ phận điện tử. Chúng có khả năng quyết định độc lập và thực hiện các nhiệm vụ một cách tự chủ. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, ví dụ do gián đoạn hoặc mâu thuẫn mục tiêu, sẽ được chuyển đến nơi có thẩm quyền cao hơn.
Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos, cho rằng “Hàng tỉ người sẽ kết nối với các máy di động, bằng tốc độ xử lý chưa từng có. Dung lượng lưu trữ và tiếp cận tri thức không giới hạn”. Và “những khả năng này sẽ được nhân lên với những bước đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như thông minh nhân tạo, robot, xe tự lái…”.
Tóm lại công nghiệp 4.0 là một thuật ngữ được dùng để chỉ dự án tương lai do Chính phủ Đức đề ra. Theo đó sản xuất kỹ nghệ được nối kết chặt chẽ với công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Với sự hỗ trợ của mạng lưới thông minh máy móc, thiết bị, các quy trình trong kỹ nghệ, nhà máy và con người có thể giao tiếp và hợp tác trực tiếp với nhau.
Nông nghiệp 4.0, con đường ít chông gai
Sự phát triển công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay rất rầm rộ, chắc hẳn Việt Nam cũng bị lôi cuốn vào quỹ đạo này. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội để chúng ta có thể vươn lên, bằng cách “đi tắt đón đầu” “phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn (VietNamNet)”, một số khác khẳng định, công nghiệp 4.0 mang đến nhiều rủi ro và bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo 86% lao động hiện nay của Việt Nam thuộc các ngành may mặc, sản xuất giày dép sẽ mất việc và khoảng 66 triệu chỗ làm tại các nước công nghiệp sẽ biến mất trong vòng 15 năm tới.
Đối với Việt Nam dù công nghiệp 4.0 có mang đến lợi hay hại, nhưng nếu muốn “nhảy vọt” liệu Việt Nam hiện tại có đủ sức hay không? Hay chỉ bị lôi cuốn theo xu hướng này? Hay là phải chọn đi theo một con đường khác, vững chắc hơn?
Đối với Việt Nam dù công nghiệp 4.0 có mang đến lợi hay hại, nhưng nếu muốn “nhảy vọt” liệu Việt Nam hiện tại có đủ sức hay không? Hay chỉ bị lôi cuốn theo xu hướng này? Hay là phải chọn đi theo một con đường khác, vững chắc hơn?
So với kinh tế Đức là một nền kinh tế sản xuất công nghiệp, đã có từ hàng trăm năm, thì kinh tế Việt Nam chỉ mới chập chững từ vài thập niên trở lại. Với kinh nghiệm sản xuất kỹ nghệ, người Đức đã và đang xây dựng một hạ tầng cơ sở kỹ thuật vững chắc và hiện đại hơn. Trong khi đó, Việt Nam đến hôm nay vẫn đi theo con đường cũ, lấy sản xuất gia công làm chính, chưa có đủ kinh nghiệm và sức lực để tạo nền tảng kỹ nghệ chuyên nghiệp. Về mặt giáo dục và đào tạo, Đức có một nền giáo dục thực tế, bình đẳng cho mọi người còn giáo dục Việt Nam đào tạo con người lý thuyết, phân cấp, vì vậy đưa đến kết quả là công nhân viên, chuyên gia của Việt Nam tuy đông nhưng chất lượng thấp “và hiện nay số công nhân có trình độ tay nghề cao có thể đáp ứng trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn và tham gia hội nhập, đứng vững trong thời đại công nghiệp 4.0 còn thấp…”. Như tờ SGGP Online số ra ngày 22-10-2018 nhận định.
Tóm lại để gia nhập vào trào lưu công nghiệp 4.0 Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng, từ kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở đến con người. Điều này cũng dễ hiểu vì Việt Nam là một nước nông nghiệp, 80% người dân sống trực tiếp hay gián tiếp bằng nghề nông. Chỉ riêng châu thổ sông Cửu Long với dân số gần 20 triệu người là vựa lúa của cả nước, xuất khẩu 95% lúa gạo vậy mà nông dân ở đây “tay làm, hàm không nhai”, số người mù chữ ở vùng này thuộc loại cao nhất nước, số người có trình độ trung học phổ thông thấp nhất nước, chậm hơn so với mức trung bình cả nước là 42 năm. (Thanh Niên, 8-5-2018).
Như vậy tại sao Việt Nam phải chạy theo công nghiệp 4.0 mà không đặt trọng tâm đầu tư phát triển chỗ mạnh của mình là nông nghiệp, nghiên cứu, chuyển đổi đất nước từ nền nông nghiệp cổ truyền thành nông nghiệp 4.0, hiện đại, giúp nông dân vừa có công ăn việc làm vừa nâng cao trình độ giáo dục, chuẩn bị đối phó với nạn thất nghiệp do công nghiệp 4.0 gây ra và nhất là với hậu quả của biến đổi khí hậu… đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên đất nước.
(TBKTSG Xuân AL)