Bác sĩ lỗi lạc họ Đỗ tên Ngọc, khi thấy lá vàng rơi trong gió heo may, mà nhạc sĩ tài ba họ Trịnh gợi lên lúc thu về, bèn liên tưởng tới cái lẽ tất yếu gần đất xa trời của bất cứ ai trong chúng ta. Ông đã ngoáy bút, vài ba quyển sách theo nhau lên quầy! Tôi xin lấy ý tưởng của vị bác sĩ (người đã biến thơ thành thực) để cũng nói về gió heo may, khi mà mỗi chúng ta vào lúc này đều tự nhủ: “Thế là lại thêm một tuổi!”.
Nỗi buồn bàng bạc
Ngày nay dấu hiệu của tuổi già không còn là cái kính; vì trẻ con lên ba, cũng đã đeo kiếng! Lấy cặp mục kỉnh để suy ra tuổi già thì… trật lất! Thực sự, tuổi già có vẻ bắt đầu bằng việc ngại ngùng khi sử dụng các món đồ gia dụng mà con cháu mua về rồi kháo nhau rằng hiện đại… cực kỳ. Nút bấm chi chít, chữ in thì nhỏ; nội cái chuyện đọc ra chữ đã vất vả rồi, xem sách chỉ dẫn thì: “Ôi thôi… vứt mẹ nó đi, gì mà rắc rối thế!”. Hại điện!
Chuyên viên ở Mỹ chia tuổi già thành ba giai đoạn: từ 65 – 74, 75 – 84 và từ 85 trở lên. Riêng ở ta, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 60,2 tuổi. Các quan chức phụ trách về dân số và kế hoạch hóa gia đình cho biết cơ cấu dân số Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn “cơ cấu dân số già” sớm hơn dự tính. Thời gian sớm hơn là khoảng 6 – 7 năm.
- Xem thêm: Câu chuyện từ Mỹ
Từ năm 2008, dân số già với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,5% dân số; còn người từ 60 trở lên chiếm đến 9,9% dân số. Dân số già thường là “bức tranh” của các nước giàu. Còn nước ta đã già trước khi giàu! Theo kinh nghiệm của các nước, nếu chi phí nuôi dưỡng chăm sóc cho trẻ em tốn 1$ thì chi phí cho người già phải là 8$.
Về già các cụ nghiệm ra cái gì? Ông Chu Dung Cơ, cựu Thủ tướng Trung Quốc, đã viết: “Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn!
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhìn một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi! Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ! Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải nhà cha mẹ! Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu. Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi!…”.
Niềm vui đích thực
Trong nỗi buồn bàng bạc và đôi khi còn xa xôi kia, các cụ có một niềm vui cụ thể và đích thực. Ngần ngại với đồ dùng “hại điện”; nhưng các cụ nao nức với một thực thể cổ điển và hiện đại. Ấy là cháu nội trong nhà, hay cháu ngoại mà mẹ nó bế về cuối tuần. “Ôi sao mãi mà mẹ nó chẳng thấy đến!”. Vâng các cụ, ông lẫn bà, đều rất thích các cháu, thích đến thành… thương nhớ.
Ngày xưa tủ sách của cụ ông để trong phòng, cấm đứa con nào sờ được; vì chúng là cái mỏ lớn để cụ bới đào kiến thức, hay cái bồ tre để xúc thóc về nuôi cả nhà. Bây giờ có đứa cháu nào – không phân biệt giới tính, giai cấp, tôn giáo, màu da – rút sách trong tủ ra quăng đi; cụ chỉ… cười trừ! Con cháu thì phải thế, quý giá hơn cái bồ tre, và quý giá hơn bất cứ cái mỏ nào chứ! Cụ tìm thấy nơi các cháu của mình một giá trị nhân sinh.
Các cháu là một giá trị nhân sinh; bởi vì chỉ khi chơi với cháu, các cụ mới hưởng sự tự do tuyệt đối và đích thực; mà nó đã rời các cụ từ vài chục năm trước; khi là cậu hay cô bé có trí khôn.
Thật vậy, khi có trí khôn, em bé nào cũng có tự ái. Tính ấy buộc em phải xua đuổi các sự chê bai; vậy em phải tự kìm hãm mình lại. Thèm ăn, bốc một cục xôi thật to ở trên đĩa; bà chị la lên ngay: “Tham thế! Bỏ xuống”. Vậy là phải bỏ và thấy xấu hổ. Tự ái, tự trọng, xấu hổ đã ngăn cản mỗi người có trí khôn làm điều mình muốn. Tự do trọn vẹn… biệt ly!
Lớn lên, có bạn gái lại càng phải kìm hãm, nhiều khi phải giấu kỹ nữa! Con người thật của mình phải khác đi để nàng còn bị “sét đánh”. Được người đẹp – mất tự do! Dẫu có là vợ chồng, khi mà cả hai chưa vượt qua được tự ái, thì cũng ít thấy tự do! Sợ vợ cười, ngại chồng chê.
- Xem thêm: Con tàu đắm
Vậy đấy, sự tự do mà lòng mình khao khát luôn luôn bị kiềm chế. Nó thực sự chỉ xuất hiện khi mình thấy không có ai hay không sợ ai chê cười. Và đấy là lúc đùa với các cháu! Này nhé, thấy nó bụ bẫm như củ khoai luộc, cụ ôm nó lên và siết chặt; nhìn má nó hồng, cụ hôn một cái chụt và thật kêu! Bảo đảm cường độ của nụ hôn ấy mạnh mẽ hơn nhiều, so với bất cứ nụ hôn tình tứ của bất kỳ đôi trai gái nào trên trái đất này, hôn nhau giữa trời xanh, mây trắng, như… Tây!
Bà vuốt mũi cháu; nó vuốt lại, làm giống bà thôi, chẳng kiêng nể gì! Đôi khi nó vuốt cũng mạnh lắm. “Ôi cha! Mẹ mày!”. Cụ kêu lên! Vô cùng hồn nhiên! Cháu nó chẳng cười mình. Cụ đạt đến sự tự do tuyệt đối, một sự đòi hỏi sâu xa nằm tận đáy lòng.
Nếu Hermann Hesse đã có cái tự do này, chắc ông không phải ra tìm ở… sông! Đạt đến cái tự do tuyệt đối, các cụ muốn giữ nó mãi; thành ra ông và bà đều thương các cháu. Thế còn lúc nó hư ư? “Mẹ nó ơi, trả lại này!”. Chơi với cháu nội, ông tự do. Đùa với cháu ngoại, bà không có nghĩa vụ gì! Nghe nó khóc hả? Mẹ nó rối rít. “Con quấy ông quá! Cho con xin lại ạ”. Gớm, được lời như cởi tấm lòng!
Ở ta “kính lão đắc thọ” nên ít có chuyện cười về các cụ, ở các nước Tây phương có nhiều lắm. Thí dụ câu chuyện sau, xin kể ở đây, thay cho quà tết biếu các cụ.
Một cụ bị lãng tai nặng cả chục năm nay. Cụ đi bác sĩ và được ông này chỉ mua một dụng cụ trợ thính, rất nhạy, nghe rõ 100%. Một tháng sau cụ đến bác sĩ lại, ông ta hỏi: “Cụ nghe rõ rồi nhỉ? Hẳn cả nhà rất vui khi thấy cụ khác trước!”. Cụ đáp lại: “Ô! Tôi chưa cho nhà biết đâu. Tôi cứ ngồi yên, hay đi vòng vòng, nghe họ nói chuyện. Và tôi đã sửa lại cái di chúc ba lần rồi!”.