Nạn nhân mới đây của chiến dịch công kích vai diễn là diễn viên xuất thân từ thế giới đô vật Dwayne Johnson khi vai diễn của anh trong bộ phim bom tấn Skyscraper bị tố là xúc phạm người tàn tật. Các nạn nhân trước đó là nữ diễn viên Scarlett Johansson, bị tố giành vai của người chuyển giới và một số diễn viên bị tố giành vai diễn của các nhân vật thiểu số.
Áp lực về tính chính danh của nhân vật
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao bắt nhân vật giả tưởng phải được đóng bởi những người giống như họ ngoài đời thực? Nhất là khi số diễn viên xuất thân tương tự với nhân vật không nhiều và đóng hay thì càng ít hơn nữa tại Hollywood. Rồi khán giả đến để xem diễn viên mình hâm mộ đóng hay đến để xem nhân vật trong phim? Sức hút của diễn viên lớn hơn hay của nhân vật lớn hơn?
Đây là những câu hỏi khó cho các nhà sản xuất điện ảnh Hollywood, vốn đang bị áp lực rất lớn về doanh thu tiền vé đang có chiếu hướng suy giảm. May mắn là đã có những ngoại lệ, như Wonder Woman và Black Panther dù không có những diễn viên nổi tiếng vẫn đạt doanh thu cao.
Quay lại trường hợp diễn viên Dwayne “The Rock” Johnson, người vừa bị tố ăn cắp vai của người tàn tật khi anh được giao vai chính Will Sawyer, một nhân viên FBI có một chân giả trong bộ phim mới Skyscraper. Trong tình hình, các phong trào nữ quyền và tôn vinh các cộng đồng thiểu số (cả về xuất thân lẫn giới tính và người tàn tật) đang đạt đến cao trào tại Hollywood thì bất cứ những gì bị các phong trào này lên án đều “gây bão” trên mạng và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu phim và số khán giả xem truyền hình có trả tiền, điều mà không có nhà sản xuất nào muốn, nhất là những bộ phim kinh phí cao và những chương trình truyền hình ăn khách.
Không còn cởi mở như trước kia, hiện nay có nhiều người tin rằng các nhân vật thuộc những cộng đồng thiểu số, da mầu hay tật nguyền nên được giao cho diễn viên của họ. Ý tưởng này cũng giống như đòi hỏi phải có nhiều phụ nữ hơn nhận vai chính trong phim hoặc đứng sau máy quay (người châu Á chưa được quan tâm lắm). Các hãng phim chịu áp lực rất lớn trước các yêu cầu của đám đông nên kịch bản cũng được họ quan tâm hơn để không phải giao vai cho các diễn viên thiểu số nhưng khả năng thể hiện vai diễn không cao.
Người ủng hộ, kẻ có ý kiến trung dung
Đứng trên quan điểm này, nhà báo Daniella Greenbaum đã viết bình luận trên tờ Business Insider để bảo vệ “quyền đóng người chuyển giới” của Johansson; vì theo bà, điện ảnh là “sân chơi của trí tưởng tượng” nên không thể đưa ra một khuôn mẫu cứng ngắc nào như trong đời thực, kể cả việc phân vai. Tuy nhiên, bài viết của đã gây công phẫn, tờ báo phải rút xuống và Greenbaum bị buộc từ nhiệm dù chưa biết ảnh hưởng của nó với doanh thu tờ báo lớn đến đâu.
Trong thư từ nhiệm của mình đưa lên Twitter, bà tiếp tục bảo vệ quan điểm “quyền tự do diễn xuất của diễn viên” và cảnh cáo về hiểm hoạ “đám đông bị kích động làm tổn thương đến quyền biểu hiện. Bà nhấn mạnh: “Tôi tin là các diễn viên nữ cũng có quyền đóng vai đàn ông và người chuyển giới thành nam. Nhưng tiếc rằng, trước áp lực của đám đông, Business Insider đã không bảo vệ quan điểm này của tôi mà tìm biện pháp an toàn nhất”.
Nhiều người cũng đồng ý với Greenbaum. Một người hỏi: “Tại sao không cho phép các diễn viên nổi tiếng và chuyên nghiệp như Johnson đóng nhân vật khác họ ngoài đời thực với một ít điều chỉnh bằng kỹ xảo điện ảnh? Tại sao lại cứ phải giao nhân vật cho kẻ giống họ ngoài đời mà khán giả không hề biết đến? Trong điện ảnh, hình ảnh diễn viên ngoài đời thực và nhân vật hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau. Đa dạng hóa vai diễn không có vai trò gì trong trường hợp này!”.
Là một cựu thần tượng đô vật thắng danh hiệu WWE và là một trong các diễn viên có thể kiếm nhiều tiền nhất cho Hollywood vào thời điểm hiện nay, phản ứng của Johnson là hứa đóng góp cho Ruderman Family Foundation, hội thiện nguyện vận động ủng hộ các diễn viên tàn tật. Theo thống kê riêng của hội này, có khoảng 20% dân số Mỹ bị tật nguyền ở một dạng nào đó nhưng chỉ có 2% loại tàn tật được thể hiện trên phim ảnh, truyền hình và tệ hơn nữa là 95% vai diễn người tàn tật là do diễn viên không tàn tật đóng. Trong một đoạn băng video ngắn, Johnson còn đưa ra đề nghị “kỹ nghệ giải trí hãy dùng nhiều hơn diễn viên tàn tật để đóng cả những vai tàn tật và vai bình thường”.
“Sử dụng diễn viên tàn tật cũng là một phần của sự đa dạng. Cả trong vai diễn lẫn diễn viên được mời tham gia” – anh nói. Tuy nhiên, Johnson khẳng định việc anh đóng vai người tàn tật không phải là “đi đôi giày dành cho người khác” mà “tôi rất vinh dự được đóng vai người mang chân giả, đồng thời khẳng định mình có quyền làm như thế!”.
Danh hài, diễn viên kiêm nhà vận động cho người tàn tật Maysoon Zayid phản bác quan điểm này của Johnson là “không đúng mà nên dứt khoát giao vai tàn tật cho người tàn tật đóng”.
Các diễn viên tàn tật thường bị chê là đóng không hay, nhưng không hay là vì họ không được trao cho nhiều cơ hội mài sắc kỹ năng và thể hiện mình. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều là các diễn viên lành lặn đã đánh cắp cơ hội của các diễn viên tàn tật. Họ tự lăng nhục mình và Johnson đã biện bạch thiếu thuyết phục cho hành động này. Tôi là người hâm mộ anh ấy, nhưng rất thất vọng khi thấy The Rock bày tỏ quan điểm của mình. Skyscraper là dịp may rất lớn để một diễn viên tàn tật đóng vai anh hùng. Tiếc rằng, dịp may này đã bị lấy mất!”.
Bà cũng bác bỏ ý kiến là, nếu thay Johnson bằng người khác, doanh thu phim sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Bạn có thể để những ngôi sao tên tuổi khác đóng chung với diễn viên tàn tật, doanh thu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Ví dụ hãy để The Rock đóng vai chính thứ 2. Hãy hy sinh chút ít tiền bạc để cho người tàn tật, người giới tính khác và cộng đồng thiểu số thêm cơ hội” – bà nói.
Áp lực doanh thu của các hãng phim
Diễn viên Storme Toolis lại có quan điểm khác. “Sử dụng diễn viên tàn tật cũng như đa dạng hóa nhân vật là cả một quá trình, cần thông qua đào tạo và các chuẩn bị khác. Áp lực về doanh thu sẽ khiến các hãng phim luôn cần đến những ngôi sao đã được khẳng định để tránh gặp nguy cơ về tài chính. Ám ảnh người nổi tiếng sẽ không bao giờ mất tại Hollywood. Đây chính là một thách thức cho quá trình đa dạng hóa vai diễn. Đóng xuất sắc vai người tàn tật còn là một thách thức lớn hơn” – bà nhấn mạnh.
Có ba diễn viên lành lặn đoạt Oscar trong 10 năm qua – Colin Firth, Matthew McConaughey và Eddie Redmayne – đã được giao vai người tàn tật trong các bộ phim tiểu sử, trong khi bộ phim đoạt giải Oscar phim hay nhất năm nay The Shape of Water có nữ diễn viên lành lặn Sally Hawkins đóng vai nhân vật câm dù chị chẳng bị câm.
Toolis cho biết bà phải chia tay với Hollywood “Vì người ta không quan tâm đến khả năng diễn xuất của tôi mà chỉ xem tôi là diễn viên được đo ni đóng giày cho vai tàn tật! Bình đẳng và đa dạng không có nghĩa là chẳng cần đóng hay mà chỉ cần chọn đúng người cho vai diễn. Bạn tàn tật nhưng bạn cũng phải có tài nhập vai diễn của mình”.
Vai diễn của nhà vật lý Stephen Hawking của Eddie Redmayne trong bộ phim The Theory of Everything cũng gây ra tranh luận nhưng tôi đánh giá đây là vai diễn hay mà những người mắc bệnh như Hawking chưa chắc đã làm được”.
Cây bút tự do Kristen Lopez của trang phim SlashFilm, một người dùng xe lăn không đặt nặng đến việc chọn vai mà xem trọng những gì nhân vật chính Sawyer đã làm được cho người tàn tật trong Skyscraper.
“Vấn đề phân vai là của Hollywood chứ không phải của Johnson vì họ thiếu diễn viên tàn tật đóng tốt vai này. Khi người tàn tật thấy người tàn tật giống như họ làm được những thứ mà họ không thể làm ngoài đời, họ sẽ có thêm động lực để vươn lên, bất kể ai đóng vai đó. Nhưng nếu nống lên quá đáng về nghị lực của họ sẽ phản tác dụng” – bà nói. Lopez cũng muốn có các biên kịch, đạo diễn xuất thân từ cộng đồng tàn tật. Khi đó bộ phim họ đóng góp sẽ “thật hơn và phù hợp với sự hạn chế của diễn viên tàn tật hơn”.
Skyscraper được ưu ái tại Trung Quốc
Quay về với Skyscraper. Nhờ sự liên quan của Legendary Entertainment thuộc Tập đoàn Dalian Wanda Group của Trung Quốc, bộ phim hành động này mới có một chỗ trong mùa phim hè vì Trung Quốc thường dành mùa này cho phim nội địa. Ngoài ra, việc phim quay ở Hong Kong cũng là một điểm cộng.
Skyscraper ra rạp ngày 20-7 một ngoại lệ hiếm cho phim nhập khẩu của Hollywood. Những bộ phim chiếu hè khác của Hollywood như Ant–Man and the Wasp do Disney và Marvel hợp tác sản xuất dù đang chiếu ở Mỹ vẫn chưa ấn định ngày ra rạp tại Trung Quốc. Skyscraper chiếu trong thời gian giữa hai bộ phim Hidden Man do Jiang Wen đạo diễn, Warners là đồng sản xuất và Detective Dee: The Four Heavenly Kings do Tsui Hark đạo diễn.
Trong Skyscraper Johnson đóng vai lãnh đạo đội giải cứu con tin của FBI xuất thân từ cựu binh chiến tranh bị mất một chân nay được giao nhiệm vụ giữ an ninh cho những tòa nhà chọc trời. Được cử đến Trung Quốc, anh bị nghi là thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn tại một trong tòa nhà cao nhất và an toàn nhất thế giới. Trở thành người bị săn đuổi, anh phải tìm cho ra thủ phạm để minh oan và cứu gia đình mình bị kẹt trong tòa nhà. Skyscraper do Rawson Marshall Thurber đạo diễn (ông cũng là đạo diễn bộ phim tình báo hài Central Intelligence có Johnson tham gia) có sự góp mặt của hai diễn viên Neve Campbell và Pablo Schreiber. Điều mà hầu như chắc chắn, nhờ The Rock mà Skyscraper đạt doanh thu cao ở Trung Quốc, nơi Johnson có rất nhiều fan hâm mộ, cả trên sàn thi đấu lẫn trên màn bạc. Johnson đã từng lên Instagram cảm ơn khán giả Trung Quốc nhiều lần.
Trường hợp Scarlett Johansson
Scarlett Johansson, ngôi sao của bộ phim The Avengers được mời đóng một vai chuyển giới “nữ thành nam” trong một bộ phim mới Rub & Tug. Đó là trùm tội ác Dante “Tex” Gill của thành phố Pittsburgh vào những năm 1970, người sinh ra với tên Jean Gill, giới tính nữ.
Theo tờ báo địa phương Mỹ The Pittsburgh Post–Gazette, Dante chết năm 2003 luôn muốn được xem mình là nam giới và muốn được gọi là “Mr Gill”. Tờ báo viết: “Theo cảnh sát, suốt nhiều năm, bà Gill điều hành một chuỗi cơ sở massage, bình phong của hoạt động mại dâm. Bà cũng trải qua giai đoạn đầu của thay đổi giới tính khi cơ bắp bát đầu lộ rõ”. Cộng đồng các giới tính khác LGBT chỉ trích Scarlett đã “cướp” vai diễn của các đồng nghiệp chuyển giới. “Tại sao lại là Scarlett khi có quá nhiều diễn viên chuyển giới nhưng không nhận được vai này?” – một người viết trên Twitter.
Trước đó diễn viên 33 tuổi này từng bị chỉ trích là “trắng hoá” vai diễn lẽ ra phải dành cho người châu Á trong bộ phim Ghost In The Shell (2017). Rupert Sanders, đạo diễn của Ghost In The Shell, nay cũng là đạo diễn của bộ phim tiểu sử nhân vật mới.
Nhiều người xem đây là “sự cấu kết liên tục” giữa đạo diễn và diễn viên để “trắng hóa” các nhân vật không dành cho người da trắng. Tuy nhiên cũng có người không đồng tình vì họ cho rằng “bổn phận của diễn viên là nhận những vai diễn không giống với họ trong đời sống thật, không kể mầu da, sắc tộc, tôn giáo, giới tính. Nhưng mới đây, Scarlett Johansson thừa nhận là “sẽ rất nhạy cảm” nếu cô vẫn tiếp tục nhận vai diễn này. Cô quyết định không nhận vai diễn.
“Tôi đã lắng nghe những tiếng nói từ LGBT từ khi nhận được lời mời – Johansson tâm sự với tạp chí Out – Trong khi tôi muốn đưa cuộc sống của Dante lên màn bạc tôi cũng hiểu rằng “anh” ta nên được thể hiện bởi một người chuyển giới thì tốt hơn. Tôi cũng cảm ơn những chỉ trích đã làm dầy lên cuộc tranh luận mới về đa dạng hóa và nhân vật trong phim ảnh”. Trace Lysette, ngôi sao của loạt phim Transparent phát hành trên dịch vụ Amazon nói: “Việc làm sai lệch giới tính và mầu da của các nhân vật vẫn còn là vấn đề lớn của Hollywood”.
– Tổng hợp