Xã hội bây giờ bỗng có nhiều tiếng kêu cảnh báo, rằng giới trẻ không được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Nhà trường thì lệch hẳn về nhồi nhét kiến thức khiến nhiều người phải nhận xét: Không dạy làm người, chỉ dạy kiến thức thông minh.
Thế là giờ đây mọc lên như nấm các chương trình dạy kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ và các câu lạc bộ sinh hoạt nhóm, hướng đạo, các hoạt động xã hội. Thậm chí trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa, các loại hình du lịch rèn luyện, khám phá ra đời.
Dường như trước đây con người “ngủ yên” và bây giờ họ bừng tỉnh vì thấy mình chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống đang thay đổi đến chóng mặt.
Ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu còn đưa ra khái niệm “văn hóa thú nhồi bông – cotton – wool culture”, trẻ em thành búp bê trong tủ kính. Có nhiều đứa trẻ ở nhà biệt thự, đi học trường quốc tế được rèn luyện đủ thứ trò chơi, năng động, giao tiếp toàn diện, vậy mà chín tuổi rồi vẫn khóc thét khi không nhìn thấy bố.
Người ta thi nhau cảm nhận, liên hệ đến thời thơ ấu của mình và những gì khổ sở ngày xưa nay lại thành ưu điểm: lội ruộng, đuổi nhau, leo cây, ngụp lặn ao hồ, ăn đói nhưng hay tụ tập nướng cua nướng cá bắt được dưới mương. Vậy là phú quý giật lùi. Càng hiện đại càng khổ sao?
- Xem thêm: 5 cách dạy con cần học của người Nhật
Ở Anh, các nhà xã hội học nghiên cứu và đưa ra kết quả: Những năm 1970 hầu hết trẻ em đi bộ đến trường học thì đến những năm 1990 chỉ còn 9%. Ở Việt Nam trong các đô thị lớn thì có lẽ bao nhiêu đứa trẻ đi học thì có bấy nhiêu bậc cha mẹ chạy như con thoi trên đường để đưa rước. Những đứa trẻ giỏi về điện tử hơn cha mẹ chúng đã ra đời. IQ là chỉ số của trí tuệ duy lý và hiện nay đang ngự trị một cách tuyệt đối ở nhà trường.
Có nhiều học sinh ở trường thì luôn đứng đầu về điểm số, nhưng ra đời lại không mấy thành công, chậm thăng tiến. Còn có những học sinh học trung bình nhưng ra đời lại thành công hơn. Người ta giải thích rằng học giỏi, IQ cao là thuộc về trí lực thông minh, nhưng ở cuộc đời là những thử thách lớn lao hơn. Ai hiểu luật chơi của cuộc đời, thấu hiểu con người, thông tuệ về mặt xã hội, biết nắm bắt các cơ hội đến với mình, biết thỏa thuận với người khác, biết chịu đựng thất bại để đứng dậy, đó mới là điều quan trọng.
Nhiệm vụ to lớn của nhà trường bây giờ là thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh cả trí tuệ duy lý (IQ) và trí tuệ cảm xúc (EQ).
Các bậc cha mẹ ở gia đình cần hiểu trí tuệ cảm xúc có những gì, để tìm cách giáo dục con em mình. Các nhà nghiên cứu cho rằng trí tuệ cảm xúc thể hiện ở hai điều: Sự làm chủ cảm xúc của mình và năng lực thông cảm với người khác. Trẻ em bây giờ được chăm sóc, chiều chuộng, muốn gì được nấy cho nên rất kém năng lực kiềm chế ham muốn xung động, ham muốn hưởng lạc. Mà năng lực cưỡng lại bức xúc của ham muốn, trì hoãn ham muốn hưởng lạc là nguồn gốc của nghị lực.
Các nhà nghiên cứu còn gọi EQ – trí tuệ cảm xúc (emotion Q) là một siêu năng lực. Có nó thì những năng lực của trí tuệ duy lý IQ mới phát huy được. Người ta còn nói rằng, các triết gia Đông Tây kim cổ đã đề ra không biết bao nhiêu chuẩn mực cho đạo đức, “nhưng xét đến cùng thì đạo đức làm người chốt ở hai năng lực nói trên”.
Chúng ta dồn hết sức lao động và hy sinh cho thế hệ sau, nhưng nếu không cẩn thận, sẽ tạo nên những đứa trẻ đỏng đảnh và ít quan tâm đến người khác, thiếu lễ độ – ít coi trọng người xung quanh. Đó là lời cảnh báo của các nhà giáo dục.
Tuổi trẻ bây giờ ham hiểu biết, thông minh, họ đang tham gia nhiều sự kiện, kể cả việc thành lập các nhóm từ thiện. Ngay ở Mỹ, rất nhiều thanh niên đi đến các trại dưỡng lão giúp người già, trẻ em, đi sửa lại nhà cửa, tham gia bảo vệ môi trường… Đó là sự rèn luyện EQ tốt nhất. Nếu hiểu rõ sự giáo dục toàn diện cả trí tuệ và cảm xúc, các bậc cha mẹ sẽ có nhiều sáng kiến hơn trong tình yêu thương con cái.