Mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái nuôi dưỡng sự phát triển về thể chất, cảm xúc và xã hội của trẻ. Đó là mối liên kết duy nhất mà mỗi trẻ và cha mẹ chúng trải nghiệm, tận hưởng và nuôi dưỡng.
Theo chia sẻ của tiến sĩ Keith Crnic (Đại học Arizona), mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái có ảnh hưởng đến con trẻ và những chức năng gia đình. Theo thời gian mối quan hệ phát triển, chịu ảnh hưởng bởi những đặc điểm của trẻ và cha mẹ, cũng như mọi sinh hoạt của gia đình. Các yếu tố này kết hợp lại theo cách duy nhất để tạo ra sự đa dạng thú vị về phẩm chất của mối quan hệ. Cha mẹ yêu thương con cái sẽ có những đứa con đáng yêu. Hơn nữa, mối quan hệ của bạn với trẻ và cách bạn gắn bó với chúng sẽ định hình cuộc sống của trẻ trong tương lai, đem lại cho trẻ sức mạnh về mặt xã hội, thể chất lẫn tình cảm.
Các hình thức quan hệ giữa cha mẹ – con cái
Tùy vào cách nuôi dạy con cái có thể phân loại như sau:
Mối quan hệ an toàn: Con bạn cảm thấy an toàn khi ở bên cha mẹ và tin rằng chúng sẽ được cha mẹ chăm sóc tốt. Một mối quan hệ an toàn được hình thành khi bạn luôn đáp ứng những yêu cầu của trẻ. Những trẻ sở hữu mối quan hệ an toàn có khả năng độc lập và tự tin cao hơn khi lớn lên. Hơn nữa, trẻ có tương tác tốt về mặt xã hội và có khả năng điều chỉnh những cảm xúc tốt hơn.
Mối quan hệ tránh né: Trẻ thường cảm thấy bất an do cha mẹ không đáp ứng những nhu cầu của chúng. Trẻ buộc phải sống độc lập và tự chăm sóc bản thân. Mối quan hệ tránh né giữa cha mẹ – con cái thường dẫn đến những vấn đề về sự phát triển và điều chỉnh, cũng như về hành vi của trẻ như nóng nảy hoặc dễ cáu gắt. những trẻ trải nghiệm mối quan hệ này thường có kỹ năng xã hội kém như nhút nhát hay thích gây hấn, và có xu hướng không vâng lời cha mẹ, tính cách bốc đồng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trẻ sẽ gặp thất bại trong cuộc sống bởi chúng có thể thay đổi khi lớn lên.
Mối quan hệ vừa yêu vừa ghét: Đôi khi, những nhu cầu của trẻ được và không được cha mẹ đáp ứng. Chẳng hạn như, do bận rộn công việc cha mẹ không thể trả lời trẻ ngay lập tức khi trẻ đang đói bụng hay khóc lóc. Nhưng đôi khi sau đó, cha mẹ có thể đáp ứng những đòi hỏi của trẻ. Những trẻ trải nghiệm mối quan hệ này thường nhạy cảm và dễ xúc động khi lớn lên.
Mối quan hệ thiếu töí chức: Cha mẹ thường bỏ qua những nhu cầu của trẻ, nên trẻ phải học cách không nên mong đợi điều gì từ cha mẹ. Trong trường hợp này có khả năng là cha hoặc mẹ có vấn đề về tâm lý. Những trẻ thuộc mối quan hệ này thường tham gia các hoạt động vô bổ và có tính khí thất thường. Một số trẻ có xu hướng nói nhanh và gặp khó khăn khi nói hay thể hiện hành vi với mọi người xung quanh.
Củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái
Càng đầu tư nhiều thời gian và công sức cho mối quan hệ, sẽ càng tạo sự gắn bó mật thiết giữa cha mẹ – con cái. Cha mẹ vốn luôn yêu thương con cái nhưng cần có thời gian chất lượng và nỗ lực để thể hiện sự yêu thương ấy. Trẻ độ tuổi thiếu niên cần sự riêng tư, trong khi trẻ nhỏ cần sự can thiệp và tương tác với cha mẹ.
Hãy dành sự ưu tiên cho con bạn bằng hành động, như dành nhiều thời gian cho trẻ bất cứ lúc nào có thể, thay vì làm chiếu lệ. Khi trẻ nói chuyện, hãy ngưng bất cứ điều gì bạn đang làm để lắng nghe trẻ. Dành cho con trẻ sự quan tâm trọn vẹn, đặt những câu hỏi hay nhắc lại những gì trẻ đã nói, và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt trong lúc nói chuyện với trẻ.
Không ngừng động viên trẻ sẽ giúp xây dựng lòng tự tin và tự trọng cho trẻ. Nếu thường xuyên bị cha mẹ chỉ trích hay nhận xét không hợp lý, trẻ sẽ cảm thấy hành động hay ý kiến của chúng không được bạn đánh giá cao. Những bậc cha mẹ quan tâm cuộc sống của con cái thường có mối quan hệ cha mẹ – con cái mạnh mẽ hơn những người thiếu quan tâm đến con trẻ.
– Theo Psychology Today & Mom Junction