Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm trong năm 2018
Năm 2018 đánh dấu không ít bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt mức 3,1%, tăng nhẹ so với mức 3% của năm 2017. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu, tiêu thụ nội địa gia tăng do tỷ lệ thất nghiệp được giảm xuống mức thấp nhất trong năm thập niên qua, chỉ còn 3,7%.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng phát với những ngón đòn thuế khóa nhắm vào nhau có tác dụng tiêu cực lên sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu, song trên bình diện quốc gia lại cho thấy phần nào sự thành công về mặt kinh tế – xã hội của chính quyền Donald Trump, khi công ăn việc làm của người dân Mỹ được tạo ra ngày càng nhiều, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh và đồng lương của công nhân viên chức Mỹ được tăng lên.
Trung Quốc (TQ), nền kinh tế thứ nhì thế giới, đã trải qua một năm đầy khó khăn khi chính quyền Mỹ áp đặt thuế suất 25% lên hơn 50% hàng nhập khẩu từ TQ trị giá hàng trăm tỉ USD. Một trong những biện pháp mà chính quyền Bắc Kinh phải chọn là phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) để hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh được với hàng hóa của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháng 4-2018, 1 USD đổi 6,3 NDT đến tháng 11-2018, 6,9 NDT mới đổi được 1 USD.
Năm 2018, các nước phát triển chia sẻ khá nhiều gánh nặng người nhập cư, ảnh hưởng, ít nhất là bước đầu, lên đà phát triển kinh tế của họ. Song về lâu về dài, một khi đời sống đã ổn định, người di cư và tị nạn sẽ có những đóng góp không nhỏ vào đời sống kinh tế – xã hội của nước dung chứa họ, nhất là những nước có dân số “già”, lực lượng lao động thiếu trầm trọng.
Giá vàng trong năm 2018 không biến chuyển nhiều, dao động trong khoảng 1.176 USD – 1.312 USD/troy ounce, bình quân cả năm ở mức 1.269 USD/troy ounce. Giá dầu thô đạt mức cao nhất vào ngày 3-10, với giá 84,95 USD/thùng. Ả Rập Saudi và các nước thuộc tổ chức OPEC đang có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ để giá dầu không tụt dốc dưới 60 USD/thùng, một ngưỡng báo động đối với các thành viên OPEC. Tuy nhiên, việc này không còn dễ dàng đối với họ nữa khi Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Kinh tế toàn cầu năm 2019 – chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới
Vào thời gian cuối năm 2018, hãng thông tấn Reuters, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) cùng một số cơ quan, tổ chức quốc tế đã tiến hành các cuộc khảo sát để có thể vẽ một bức tranh rõ nét về nền kinh tế toàn cầu năm 2019. Tùy theo mỗi cuộc khảo sát, tỷ lệ tăng trưởng GDP chung dự kiến cho năm 2019 dao động từ 2,8% đến 3,5%, bình quân khoảng 3,1%, không thay đổi so với tỷ lệ tăng trưởng của năm 2018.
Khuynh hướng chung trong nhận định của các nhà nghiên cứu là nền kinh tế toàn cầu năm 2019 bị chi phối bởi hai tác nhân chính, một là sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và hai là sự siết chặt các điều kiện tài chính tại nhiều nước – khu vực trên thế giới.
Năm 2019, nếu lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành hiện thực thì Mỹ sẽ đánh thuế 25% lên một khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ TQ trị giá 267 tỉ USD. Tất nhiên TQ sẽ trả đũa với một biện pháp tương tự là đánh thuế lên 110 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ và điều này sẽ tạo ra nguy cơ cho đầu tư toàn cầu, công ăn việc làm và mức sống ở nhiều nước trên thế giới.
Tất nhiên, các nền kinh tế có những khuynh hướng phát triển riêng, với những hệ quả còn tùy thuộc vào các yếu tố địa lý, chính trị hay xã hội.
- Kinh tế Mỹ và những bất ổn được báo trước
Bên cạnh căng thẳng thương mại với TQ, năm 2018 nước Mỹ còn trải qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với kết quả là quyền kiểm soát Hạ viện thuộc về đảng Dân chủ. Điều này báo trước một năm khó khăn của chính quyền Donald Trump trong điều hành nền kinh tế quốc gia.
Năm 2019, lần đầu tiên trong gần hai năm, đầu tư thương mại và đầu tư nhà ở sẽ sút giảm rõ rệt, trong khi mức tiêu thụ nội địa vẫn được giữ vững nhờ vào số công ăn việc làm tăng cao, tiền lương tăng và người tiêu dùng đặt nhiều niềm tin hơn vào các chính sách của đảng cầm quyền.
Một trong những tác động tích cực của ngành sản xuất dầu mỏ Mỹ trong năm 2019 là với khối lượng xếp hàng đầu, Mỹ có thể ngăn cản được phần lớn kế hoạch của Ả Rập Saudi và tổ chức OPEC muốn hạ giảm sản lượng dầu thô để nâng giá dầu trên thị trường thế giới.
Ước tính tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ trong năm 2019 đạt 2,5%, so với tỷ lệ 2,9% của năm 2018. Tỷ lệ lạm phát ở mức 1,9% cho cả hai năm 2018, 2019. Tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% là một trong những điểm son trong thành quả kinh tế của chính quyền Donald Trump (3,7% năm 2018, dự kiến 3,5% năm 2019).
- Kinh tế TQ chịu tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Một trong những hậu quả trước mắt là tỷ lệ tăng trưởng GDP của TQ trong năm 2019 sẽ chỉ ở mức 6,2% thay vì 6,5% theo dự kiến – một tỷ lệ rất thấp so với mức tăng trưởng nhiều năm trước. Dự kiến mức tăng trưởng về tiêu thụ và xuất khẩu sẽ hạ giảm, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải lấy đầu tư vào hạ tầng cơ sở làm động lực phát triển. Sự phá giá đồng NDT nhằm hỗ trợ xuất khẩu sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế, dự kiến lên đến 2,61%, gần bằng mức cao nhất những năm 2012-2013.
- Kinh tế Nhật Bản – đầu tư công và tiêu thụ nội địa giảm sút
Nền kinh tế thứ ba thế giới là Nhật Bản tăng trưởng khá trong nửa đầu năm 2018 với GDP tăng 3%, song theo nhận định của các nhà phân tích, chính phủ nước này có thói quen kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế bằng biện pháp tăng thuế. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2019 là 1,1%, không thay đổi so với con số dự báo. Triển vọng tạo đà phát triển của nền kinh tế Nhật Bản dựa vào sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa, do thị trường lao động thuận lợi, tạo điều kiện gia tăng tiền lương cho người lao động.
Năm 2019 cũng là năm chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại sẽ diễn ra tại Nhật vào năm sau đó: Thế vận hội Tokyo 2020. Các nhà kinh tế Nhật Bản đang trông chờ cơ hội này.
- Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) với những hệ quả của Brexit
Ngày 29-3-2019, nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU (Brexit) sau 46 năm chung sống. Với các nhà kinh tế học, đây là vấn đề trọng đại nhất của EU trong năm 2019. Tác động của Brexit lên nước Anh đã không được các nhà quản lý kinh tế nước này xem thường. Tháng 8-2018, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã yêu cầu các hãng dược phẩm gia tăng mức tồn kho để phòng trường hợp Brexit làm chậm lại quá trình nhập khẩu dược phẩm từ bên ngoài.
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ giảm từ 2,1% năm 2018 còn 1,9% trong năm 2019. Tương tự như thế, tỷ lệ tăng trưởng của EU 27 là 2,2% năm 2018 và 2% năm 2019. Cho dù môi trường phát triển không ổn định, các thành viên EU 27 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ vào sức mạnh của hai lĩnh vực đầu tư và tiêu thụ nội địa.
- Xem thêm: Trật tự kinh tế thế giới bị đe dọa
Mặt khác, các điều kiện của thị trường lao động cũng được cải thiện, công ăn việc làm được tạo thêm nhờ vào sự cải tổ cơ cấu ở một vài nước thành viên. Nạn thất nghiệp trong khu vực đồng euro sẽ giảm từ 8,4% trong năm 2018 còn 7,9% trong năm 2019. Ở EU 27, tỷ lệ này lần lượt là 7,4% và 7%.
Mức lạm phát trong khu vực đồng euro là 1,8% cho cả hai năm 2018-2019. Tỷ lệ khoản nợ tính trên GDP của khu vực đồng euro là 86,9% năm 2018 và 84,9% trong năm 2019. Tương tự, tỷ lệ này lần lượt là 80,6% và 78,6% ở EU 27.
- Kinh tế khu vực Đông Nam Á tăng trưởng từ 2% đến 6,9%
Tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất thuộc về hai nước giàu có nhất khu vực là Brunei (2%) và Singapore (2,7%). Brunei nhờ vào nguồn dầu hỏa xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nội địa, sự cải tiến của dòng vốn đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) và sự phát triển của khu vực tư. Singapore được dự kiến có sự gia tăng nguồn đầu tư cố định vào các dự án hạ tầng cơ sở và các sáng kiến cải tiến kỹ năng của lực lượng lao động.
Tăng trưởng GDP của Indonesia sẽ ở mức bình quân 5,3%, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức có thể kiểm soát được. Tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Malaysia đạt mức 4,6%, chậm hơn mức tăng trưởng những năm 2012-2016. Tiêu thụ của lĩnh vực tư mạnh mẽ hơn nhờ vào một thị trường lao động duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Trong khi đó, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Philippines sẽ ở mức 6,6% cho năm 2019 và những năm kế tiếp.
Ở nền kinh tế này, nguồn tiền và hàng từ nước ngoài gửi về là một thành phần quan trọng của tiêu thụ nội địa. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan là 3,7% vào năm 2019 và mấy năm tiếp theo. Lĩnh vực đầu tư được thuận lợi hơn nhờ vào sự thay đổi các đạo luật then chốt trong hai năm vừa qua.
Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% từ năm 2019, so với tỷ lệ 5,9% của những năm 2012-2016. Dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục là thành phần chính trong hoạt động kinh tế, với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI. Năm 2019 cũng đánh dấu nhu cầu cải tiến chất lượng lao động trong nền kinh tế Việt Nam. Với ba nước còn lại của ASEAN, nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6,9%, Lào 7% và Myanmar 7%.
Nét nổi bật trong kinh tế Campuchia sẽ là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, xuất khẩu và thị trường lao động; với Lào là các đặc khu kinh tế và các hệ thống thủy điện trong nước; với Myanmar sẽ là việc đầu tư vào khu vực vận chuyển, quản lý tình trạng lạm phát và giải quyết những bất ổn của hệ thống ngân hàng.
– Giá vàng trong năm 2019 sẽ không có những thay đổi quan trọng so với năm 2018, vẫn ở trong khoảng 1.200 USD – 1.300 USD/troy ounce, trong khi giá dầu bất định hơn do sự giằng co giữa OPEC và Mỹ.