Chuyên mục bình luận của Thời báo Tài chính (The Financial Times) trong một bài viết ngày 25-8 cho rằng những cường quốc có lãnh thổ rộng lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nga đều đang tháo gỡ những luật lệ quốc tế để phục vụ cho mục đích của riêng họ. Điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các quốc gia giàu mạnh lâu nay nhưng lãnh thổ chỉ ở mức trung bình hoặc nhỏ, chính vì vậy mà các quốc gia này cần sớm hình thành một liên minh với nhau.
Theo báo này, chính trị thế giới hiện nay ngày càng gia tăng hiện diện của rất nhiều sự thỏa thuận, những hình thái và luật lệ. Chẳng hạn như nước Mỹ lâu nay được xem là “chiếc neo” của trật tự thế giới lại đang tấn công vào hệ thống thương mại toàn cầu mà họ đã từng ra công xây dựng và đã rút lui khỏi những hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Trung Quốc, cường quốc đang xây dựng các khu căn cứ quân sự trên Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế và sự phản đối của các nước trong khu vực.
Cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi những điều khoản trong các hiệp định quốc tế mà họ cho là kiềm chế họ. Nước Nga thiếu sức mạnh kinh tế nhưng có lãnh thổ bao la và kho vũ khí hạt nhân lớn cũng đóng góp đáng kể vào bầu không khí quốc tế gia tăng tình trạng vô luật lệ.
Tất cả những điều này gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan đối với các nước như Đức, Pháp, Nhật Bản và Anh khi không thể “lên gân” như các nước vừa nói. Nhưng rõ ràng họ có sức mạnh ảnh hưởng khá mạnh với những mối quan tâm an ninh và kinh tế toàn cầu đang cần những luật lệ phục vụ cho phát triển chung.
Bình luận của Thời báo Tài chính cho rằng đã đến lúc cần hình thành một liên minh không chính thức giữa các quốc gia mạnh có lãnh thổ trung bình vì họ có cùng chung mối quan tâm ủng hộ một trật tự thế giới được duy trì theo pháp luật. Nếu đứng riêng lẻ, các quốc gia này không thể đảm bảo sẽ giữ được vai trò của các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay duy trì luật nhân quyền quốc tế hoặc các chuẩn mực về chất lượng môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên nếu các quốc gia này hành động tập thể, họ có cơ hội cùng nhau duy trì một trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế hơn là sức mạnh kinh tế và quân sự. Theo báo này, hãy bắt đầu từ nhóm các nước mà tỷ lệ dân số nhỏ so với tổng dân số thế giới, đó là sáu nước Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada và Úc. Đây là những nước có nền dân chủ mạnh, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng họ có những mối quan tâm và các giá trị tương tự nhau. Đây cũng là những nước có hoạt động giao dịch thương mại nhiều so với các nước khác trên thế giới. Họ cũng là các nước có khả năng quân sự và sẵn sàng điều quân ra nước ngoài (trừ Nhật Bản). Những nước này có chung mối quan tâm về luật lệ quốc tế không chỉ thuộc lĩnh vực thương mại, đầu tư mà còn cả những chuẩn mực bảo vệ nhân quyền.
Thời báo Tài chính viết: Thời đại của Donald Trump đã đảo ngược các giả thuyết. Một cách công khai, các nước EU, Úc, Nhật Bản, Canada đều nói rằng họ có lo ngại trước hướng đi hiện nay của Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các nước này.