Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 11-6 nói rằng những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng khi các quốc gia công nghiệp phát triển chĩa những lời đe dọa chiến tranh thương mại vào nhau.
“Những đám mây ở đường chân trời mà chúng tôi đã ra hiệu cảnh báo khoảng 6 tháng trước đang ngày càng trở nên u ám hơn”, hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, Đức.
Lời cảnh báo trên của người đứng đầu IMF được đưa ra sau cuộc họp đầy chia rẽ của khối 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích tất cả các đồng minh trong khối về vấn đề thương mại. Sau khi rời hội nghị sớm, ông Trump thậm chí tuyên bố không ủng hộ tuyên bố chung của hội nghị, và còn chê Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau là “yếu đuối và thiếu trung thực”.
Các nước khác trong G7 đã nỗ lực vận động hành lang để Mỹ từ bỏ kế hoạch áp thuế lên thép và nhôm từ các nước này, nhưng bất thành. Thậm chí, ông Trump đòi các nước này xóa bỏ tất cả hàng rào thương mại, thuế quan và trợ cấp, đồng thời dọa sẽ chấm dứt thương mại với tất cả các đồng minh trong khối.
Mối lo ngại của bà Lagarde tương tự như cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo – người cũng nói rằng mâu thuẫn thương mại gia tăng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu.
“Căng thẳng thương mại gia tăng mà chúng ta đang chứng kiến có khả năng gây ảnh hưởng lớn về kinh tế, xói mòn thời kỳ tăng trưởng thương mại bền vững mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính”, ông Azevedo phát biểu tại Berlin. “Chúng ta phải dừng ngay sự leo thang căng thẳng này. Ăn miếng trả miếng không giúp ích gì, chẳng mang lại lợi ích cho ai”.
Bà Lagarde, người cũng dự thượng đỉnh G7 ở Quebec, không đề cập trực tiếp đến tên ông Trump. Lời cảnh báo của bà về rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng trở nên cụ thể hơn trong những tuần gần đây, khi chính quyền Trump áp thuế quan và dọa áp thuế quan lên hàng hóa từ nhiều nước bao gồm Trung Quốc.
Ngày 11-6, bà Lagarde nói “đám mây lớn nhất và u ám nhất” che phủ kinh tế toàn cầu chính là rủi ro về sự suy giảm niềm tin “do những nỗ lực nhằm thách thức cách mà thương mại thế giới vốn đang vận hành và các mối quan hệ vốn đang được xử lý, cũng như cách mà các tổ chức đa phương đang hoạt động”.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,9% trong năm nay và năm 2019, mạnh nhất từ năm 2011. Đối với những năm sau, IMF tỏ ra bi quan hơn, cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, các biện pháp kích cầu của Mỹ giảm dần, và kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.
–Theo VnEconomy