Tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU” do Bộ Công thương tổ chức ngày 6-12 vừa qua, chủ đề thương mại nông sản đã gây nhiều chú ý với các thảo luận xoay quanh cách thức đưa nông sản Việt thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường EU.
Theo thông tin từ bà Miriam Garcia Ferrer, thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam thì thị trường rau quả tươi ở châu Âu bị chi phối chủ yếu bởi các siêu thị. Tùy vào từng mặt hàng và từng quốc gia mà EU nhập khẩu, có khoảng 60 – 90% sản phẩm được bán thông qua các siêu thị.
Song song với các nhà nhập khẩu và các nhà sản xuất địa phương, một số siêu thị lớn có các nhà cung cấp dịch vụ đặc biệt để tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm. Các sản phẩm thường được giao dịch bởi các thương nhân chuyên ngành. Vì vậy, theo bà Ferrer điều quan trọng là phải phân biệt và chọn nhà nhập khẩu phù hợp với nguồn sản phẩm cung cấp.
Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho biết rất nhiều sản phẩm được Hà Lan nhập khẩu (thông qua cảng Rotterdam) chỉ để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu khác như Đức và Anh. Điểm mạnh nhất của Rotterdam là quy trình xử lý hồ sơ nhanh chóng đối với các dịch vụ theo nhóm (như kết hợp một số lô hàng nhỏ vào một container duy nhất). Bên cạnh đó, Bỉ và Anh cũng là những nhà nhập khẩu lớn rau quả tươi từ các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại diễn đàn cũng cho biết có sự khác biệt trong các kênh phân phối tại thị trường châu Âu. Bởi thị trường này gần như có thể được phân đoạn thành ba khu vực địa lý với các mô hình tiêu thụ và hành vi mua khác nhau.
Theo đó, người tiêu dùng ở Tây Bắc Âu có sức mua trung bình cao nhất. Toàn thị trường này có nhu cầu cao nhất về trái cây nhiệt đới, trái cây lạ và rau trái vụ. Người tiêu dùng Tây Bắc Âu mua sắm hầu hết trong siêu thị. Trong phân khúc này, hầu như tất cả các sản phẩm được bán là loại I (chất lượng cao nhất).
Còn ở Nam Âu, trái cây và rau quả chiếm tỷ lệ cao trong chế độ ăn uống. Người tiêu dùng thích các hương vị và sản phẩm truyền thống địa phương, mặc dù nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu quanh năm. Kênh siêu thị cũng là kênh đang trở nên quan trọng ở những khu vực này.
Ở Đông Âu, yêu cầu chất lượng sản phẩm thấp hơn một chút so với ở Tây Bắc Âu và các siêu thị thường có thị phần thấp hơn. Tuy nhiên về lâu dài, sự tăng trưởng của thị trường ở Đông Âu được cho là tiềm năng, kèm theo đó là sự tăng lên của các tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm bền vững.
Chính vì vậy, bà Ferrer khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận các thị trường mới và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau ở châu Âu để hiểu về nhu cầu của từng thị trường địa phương. Đồng thời, cần chọn kênh phân phối phù hợp; chú trọng sở thích hương vị địa phương, chất lượng và cấu trúc thị trường…
Ngoài ra, một chuyên gia đến từ EU cho rằng doanh nghiệp Việt nên tăng cường tham quan các hội chợ thương mại như Fruit Logistica ở Berlin (Đức) hoặc Fruit Attraction ở Madrid (Tây Ban Nha). Tại các hội chợ này, doanh nghiệp “có thể tìm thấy hầu hết các nhà giao dịch quan trọng”.