Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA, hàng không Việt Nam hiện là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất toàn cầu và được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cho đến năm 2035.
Tuy nhiên, một rào cản lớn đối với sự bùng nổ này chính là điều kiện cơ sở hạ tầng của ngành vận chuyển hàng không nước ta đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, khó có khả năng đáp ứng sự tăng trưởng mạnh nếu không nhanh chóng có những giải pháp kịp thời.
Việt Nam là một thị trường hàng không thực sự tiềm năng trong những năm gần đây, bằng chứng là sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp du lịch. Trong chín tháng đầu năm 2018, có 11,62 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017 theo số liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công bố.
Theo ước tính của OAG Schedules Analyser, các sân bay Việt Nam sẽ đón tiếp khoảng 121,07 triệu lượt khách đến và đi trong năm 2018, tăng 9,9% so với năm 2017, trong đó đường bay nội địa đạt 78,89 triệu khách, chiếm 65%.
Vietnam Airlines tiếp tục là hãng hàng không dẫn đầu thị phần với số lượt hành khách phục vụ đạt 22.718.640 lượt. Theo sát là Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air với con số 18.168.000 lượt khách. Hãng hàng không Trung Quốc China Southern dẫn đầu thị phần các hãng hàng không nước ngoài với 847.106 lượt hành khách. Tiếp theo là Korean Airlines, Air Asia và Asiana Airlines.
Mặc dù vẫn còn chiếm thị phần cao gần 25% so với VietJet Air nhưng so với con số 52% vào năm 2017, Vietnam Airlines đang phải “share” thị phần mạnh mẽ với hãng hàng không giá rẻ nội địa này.
Sự bùng nổ tăng trưởng của ngành vận chuyển hàng không có được nhờ mức tăng trưởng hai con số của năm sân bay dẫn đầu về số lượt khách phục vụ trong chín tháng của năm 2018. Sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đầu với 46,22 triệu lượt hành khách, trong khi Nội Bài xếp thứ hai với 32,08 triệu lượt. Các vị trí kế tiếp lần lượt thuộc về sân bay Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Nổi bật là sự tăng trưởng ấn tượng của sân bay Cam ranh (Nha Trang) trong năm 2018 với mức tăng lên đến 29% so với năm 2017, phần lớn là lượng khách đến từ nước Nga. Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2017 đã có 574.164 lượt khách Nga đã chọn du lịch đến Nha Trang.
Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra, khi mạng lưới đường bay ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng thì mối lo về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ của các sân bay càng hiện hữu. Theo Bộ giao thông Vận tải, sân bay Tân Sơn Nhất tại TP. Hồ Chí Minh cần phải được sửa chữa nhiều sau hàng loạt những sự cố xảy ra như tần suất cất/hạ cánh dày đặc, tình trạng ngập lụt bến đỗ, những vết nứt lớn xuất hiện trên đường băng 07L/25R gần đây…
Giải pháp khắc phục những vấn đề trên đang rất cần thiết. Nổi trội nhất trong thời điểm hiện tại là một dự án có tổng giá trị lên đến 191 triệu USD, bao gồm cả nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư và ngân sách nhà nước dùng cho mục tiêu phát triển ngành hàng không đến năm 2022. Mục đích của dự án là để mở rộng sân bay, nâng cấp nhà ga T1 và T2, tăng khả năng phục vụ số lượng hành khách lên đến 30 triệu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng ý cho dự án xây dựng nhà ga T3 với công suất đạt 20 triệu lượt khách mỗi năm; nâng cấp các đường băng cất/hạ cánh, đường lăn và các công trình phụ trợ khác như hệ thống thoát nước để chống bị ngập lụt…
Hiện tại Chính phủ đang triển khai các dự án mang tính khả thi để mở rộng các hạng mục tại sân bay Long Thành, Cát Bi, Vinh và Phú Bài.
Với VietJet, mọi chuyện dường như vẫn êm đẹp, thậm chí có chiều hướng phát triển hơn. VietJet vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới với ba đường bay mới đến Nhật Bản (Osaka – Hà Nội, Osaka – TP. Hồ Chí Minh và Tokyo – Hà Nội) cùng với sự kiện ký một thỏa thuận tài chính trị giá 614 triệu USD với Công ty cho thuê tài chính Mitsubishi UFJ và Ngân hàng Pháp BNP Parisbas để mua năm máy bay Airbus.
Cũng trong buổi ký kết, VietJet đã cùng với Tập đoàn Ngân hàng Pháp Natixis và một số hãng bảo hiểm Nhật ký kết một bản ghi nhớ trị giá 625 triệu USD để mua năm chiếc Airbus khác.
Dường như không muốn kém cạnh người trong nhà, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines cũng có kế hoạch đầu tư thêm 20 chiếc A321neo và hai chiếc A350. Theo kế hoạch, chiếc đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 12 năm nay. Chưa hết, hãng này còn đặt mua thêm tám chiếc Boeing 787-10 và dự kiến sẽ nhận hàng vào năm sau. Vietnam Airlines cũng có kế hoạch mở tiếp đường bay thứ 11 từ Việt Nam sang Nhật Bản, bắt đầu từ cuối tháng 10 cung cấp mỗi tuần bảy chuyến bay từ Đà Nẵng đến Osaka với dòng máy bay Airbus 321.
Trong khi đó, hãng hàng không của Tập đoàn bất động sản FLC vừa được cấp phép mang tên Bamboo Airways đi theo hình thức kinh doanh hàng không lai giữa giá rẻ và truyền thống. Hãng này sẽ tập trung khai thác các tuyến đường bay nội địa và quốc tế ít cạnh tranh và xác nhận sẽ cất cánh vào cuối năm. Để hiện thực hóa điều này, những bản thỏa thuận mua số lượng 24 chiếc A321neo và 20 Boeing 787-9 cũng đã được ký kết.
Thực tế trên cho thấy, trong khi các hãng hàng không trong nước đang không ngừng gia tăng tần suất bay, mở đường bay mới và phát triển đội bay để theo kịp tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thì những dịch chuyển trong đầu tư hạ tầng, chất lượng phục vụ của ngành hàng không Việt Nam chưa đem lại nhiều kỳ vọng. Vì vậy, nếu không có những sự đầu tư mạnh mẽ kịp thời thì chắc chắn, sự nghèo nàn, chật hẹp của các sân bay sẽ chính là rào chắn, ngăn cản sự tăng tốc của thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam trong vài năm tới.