Theo công bố mới nhất, trong nửa đầu năm 2018, tất cả các hãng hàng không trong nước đều đạt mức lợi nhuận cao trong kinh doanh.
Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là một trong mười thị trường phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2013-2017 và được dự đoán sẽ thuộc Top 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất nếu nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, sự tăng tốc ấn tượng này lại đang tạo nên những mối lo không nhỏ khi cơ sở hạ tầng bị quá tải, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay cần được nâng cấp, chưa kể việc giám sát sự minh bạch thông tin thị trường gặp nhiều khó khăn do quy định pháp luật chưa đủ mạnh.
Trong năm 2017, tổng lượng khách chuyên chở của ngành vận chuyển hàng không nước ta đã đạt mốc 90 triệu lượt, tăng 16,5% so với năm 2016. Theo đà tăng trưởng trên hai con số trong hơn mười năm qua, chỉ trong quý I năm nay, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã đạt hơn 34 triệu lượt khách, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường quốc tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (hơn 20%), chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của phân khúc hàng không giá rẻ trên các mạng đường bay đến các quốc gia đang bùng nổ khách du lịch như Hàn Quốc và Trung Quốc.
- Xem thêm: Việt Nam có thêm hãng hàng không
Trong khi đó, thị trường nội địa lại có xu hướng hơi chậm lại so với dự báo khi chỉ đạt hơn 16,8 triệu lượt hành khách (tăng chỉ 7,7%). Sự tăng trưởng tất nhiên kéo theo doanh thu đáng mừng của các hãng hàng không. Vietnam Airlines mới đây đã công bố doanh thu lũy kế sáu tháng đầu năm đạt 47.943 tỉ đồng, hoàn thành 49,38% kế hoạch năm, còn lợi nhuận vượt hơn 62% chỉ tiêu.
Hãng hàng không Jetstar Pacific sau nhiều năm liên tục báo lỗ trong kinh doanh cũng lần đầu tiên công bố kết quả ấn tượng trong bảy tháng đầu năm với tổng lợi nhuận cao hơn 523 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về lợi nhuận vẫn là Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air với doanh thu trong quý II của năm vượt 8.637 tỉ đồng, tăng 3.100 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2017 (tương đương 52%). Chỉ trong sáu tháng đầu năm, Vietjet Air đã thu về hơn 21.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỉ đồng.
Năm nay cũng chứng kiến nhiều bước phát triển mới của ngành vận chuyển hàng không tại Việt Nam. Sự kiện Hãng hàng không Bamboo Airways công bố sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 10-10 tới đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau trong công luận. Dù sao thì trong bối cảnh khan hiếm chuyến bay vào các mùa cao điểm du lịch ở vài năm gần đây, sự xuất hiện thêm một hãng hàng không mới sẽ góp phần giảm nhiệt cho du khách. Nối tiếp sự thành công của Vietjet Air với chính sách giá vé rẻ để mọi người dân đều có thể bay và góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc cho thị trường hàng không Việt Nam, nỗ lực tham gia của Tập đoàn FLC vào thị trường hàng không hứa hẹn sẽ tạo nên những sự tăng trưởng và sôi động cho thị trường hàng không trong những năm tới.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở hạ tầng của ngành vẫn chưa có nhiều thay đổi để tăng khả năng đáp ứng số lượng chuyến bay ngày một dày, vì vậy sự “cất cánh” quá nhanh của ngành vận chuyển hàng không Việt Nam xem ra đáng lo hơn là mừng. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tốc độ tăng trưởng của loại hình hàng không giá rẻ nếu không được kiểm soát tốt bằng một tầm nhìn xa thì có thể sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển của các sân bay. Bên cạnh đó, xét về lượng, thị trường hàng không Việt Nam chưa chứng kiến sự bùng nổ về số các hãng hàng không tham gia khai thác nhưng đã có thêm những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó, theo kiến nghị của một vài chuyên gia, cần phải tạo ra khung pháp lý để ngành hàng không nước ta có được “sân chơi” lành mạnh hơn trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận định về sức cạnh tranh trong xu thế hình thức hàng không giá rẻ có phần lấn át hiện nay, ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong giai đoạn năm 2015-2016 là điều kiện lý tưởng giúp hàng không giá rẻ phát triển mạnh mẽ trên thế giới, nhưng sự tăng giá trở lại của dầu thô trong thời gian gần đây đang tạo nên áp lực mới cho các hãng hàng không.
Để có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu dài hạn trong tương lai, Vietnam Airlines luôn kiên định với chiến lược phát triển và tự kiềm chế mức tăng trưởng trong kế hoạch hằng tháng, hằng quý. Ngược lại, dường như không quá lo lắng về sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường, Vietjet Air tiếp tục công bố kế hoạch phát triển đội bay trong hai năm 2018-2019, đang tiếp nhận thêm 17 máy bay Airbus để nâng đội bay lên 66 chiếc. Trong năm tới, hãng hàng không giá rẻ này sẽ bổ sung thêm 12 máy bay nữa cùng với sự mở rộng thêm 21 đường bay mới trong mạng lưới của họ.
Cho dù có nhiều nỗi lo từ giới chuyên gia về tốc độ tăng trưởng quá nhanh của thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam hiện nay, nhưng nếu xét về mặt cạnh tranh và lợi ích dành cho người tiêu dùng thì đó vẫn là tín hiệu đáng mừng. Sự xuất hiện thêm nhiều hãng hàng không, đặc biệt là hình thức hàng không giá rẻ, sẽ tạo cơ hội giảm giá vé hơn nữa vì giá vé máy bay nói chung, nhất là vé bay nội địa ở nước ta đang ở mức khá cao so với các nước khác. Tính cạnh tranh cao cũng giúp cho chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng của các hãng sẽ tốt hơn vì dần loại bỏ được tính độc quyền, áp đặt từ phía nhà vận chuyển, nhờ đó các hành khách sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.