Đạt tốc độ tăng trưởng ổn định quanh mức 15% liên tục trong gần chục năm nay, ngành vận chuyển hàng không Việt Nam đang thực sự chuyển mình và tạo được nhiều ảnh hưởng quan trọng trên bản đồ thị trường hàng không quốc tế. Sự đầu tư mạnh mẽ để có thêm những máy bay hiện đại, mở rộng đường bay nội địa lẫn quốc tế và những đổi mới về đào tạo nhân sự, cải thiện cơ sở hạ tầng đã giúp cho ngành này có được năm 2017 thành công mỹ mãn và tiếp tục tràn đầy khí thế để vươn xa hơn trong năm 2018.
Đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN về lượng vận chuyển hành khách, trong năm 2017, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã vận chuyển hơn 94 triệu hành khách, tăng 16% so với năm 2016. Số chuyến bay được điều hành bởi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đạt con số ấn tượng: hơn 800 ngàn chuyến, tăng 10% so với năm 2016. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng hành khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường hàng không trong năm 2017 đạt gần 11 triệu lượt, tăng 29,1% so với năm trước, trong đó lượng khách đến từ châu Á chiếm đa số với gần 9,8 triệu lượt. Cùng với sự tăng tốc của ngành vận chuyển hàng không trong nhiều năm qua, đề án “Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm” cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Với các điểm đến được đề cập là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp và Mỹ, đề án này đã chi tiết hóa những mục tiêu, hoạt động cần tiến hành một cách rõ ràng và theo một kế hoạch cụ thể.
Nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng dành cho các cảng hàng không cũng đang được Chính phủ tập trung đầu tư và phát triển, điển hình là dự án sân bay Long Thành, đẩy mạnh xã hội hóa tại các cảng hàng không quy mô nhỏ nhằm đem đến cho hành khách những tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, những tiện nghi, dịch vụ tại cảng các hàng không lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay Đà Nẵng cũng được nâng cấp để rút ngắn khoảng cách với các sân bay lớn khác trong khu vực.
Năm 2017 đã chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không về việc mở đường bay, nâng cấp dịch vụ cũng như tăng cường đội bay. Thị trường hàng không Việt Nam đã từng chứng kiến mức kỷ lục khi chỉ trong vòng hai tuần đầu tháng 7, các hãng hàng không đã mở thêm sáu đường bay quốc tế mới. Trước đó, ngay từ đầu năm, nhiều đường bay mới cũng đã được khai trương như Hà Nội – Sydney của Vietnam Airlines, Đà Nẵng – Hongkong của Jetstar Pacific, Đà Nẵng – Seoul của Vietjet Air hay Đồng Hới – Chaing Mai của Jetstar Pacific. Trong tháng 9, các hãng nội địa cũng tiếp tục tăng tốc trên đường bay quốc tế khi Jetstar Pacific khai trương hai đường bay thẳng từ Đà Nẵng và Hà Nội đến Osaka (Nhật Bản) cùng với sự ra mắt của hai đường bay quốc tế mới do Vietjet khai thác là TP. Hồ Chí Minh – Phnom Penh và TP. Hồ Chí Minh – Jakarta.
Các hãng hàng không nước ngoài cũng tích cực đẩy mạnh việc chiếm giữ thị phần tại Việt Nam trên các đường bay cũ và mở thêm đường bay mới. Sự tăng tốc rõ ràng nhất có lẽ thuộc về AirAsia. Với mục tiêu cạnh tranh bằng độ phủ mạng đường bay, hãng hàng không giá rẻ này tiếp tục mở rộng mạng đường bay đến và đi từ Việt Nam khi khai trương đường bay thẳng từ Kuala Lumpur đến thành phố biển Nha Trang. Kế đó là sự góp mặt của hãng hàng không đến từ Trung Quốc – Lucky Air với đường bay nối liền Hà Nội với Nam Xương – Giang Tây và hãng hàng không đến từ Hàn Quốc – Jeju Air với đường bay mới từ Nha Trang đến Seoul. Ở phân khúc đường bay xa hơn, các hãng hàng không nước ngoài cũng đã có những kế hoạch đầu tư tăng chuyến bay kết nối để khai thác lượng khách hàng tại thị trường Việt Nam như Thai Airways tái khai trương đường bay thẳng Bangkok – Vienna, Hongkong Airlines khai trương đường bay thẳng từ Hongkong đến Los Angeles, Cathay Pacific dự kiến sẽ mở ba đường bay mới, gồm Hongkong – Brussel, Hongkong – Copenhagen và Hongkong – Dublin. Đặc biệt, sau nhiều năm nỗ lực để hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Cơ quan Quản trị hàng không liên bang Mỹ, có khả năng trong năm 2018 này, hàng không Việt Nam sẽ có được giấy phép bay đến Mỹ. Hai hãng hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố kế hoạch khai thác những đường bay đến các thành phố của Mỹ. Trong khi đó, lãnh đạo của Vietjet Air cũng đã loan báo sẽ sử dụng những dòng máy bay cỡ lớn để bay thẳng đến Mỹ và khẳng định sân bay được chọn cho đường bay đầu tiên sẽ là Norman Y. Mineta San Jose. Hiện Vietnam Airlines đang cân nhắc việc mở đường bay tới Los Angeles sau khi được cấp phép. Trong năm 2017, theo phân tích từ Trung tâm Hàng không CAPA, Vietjet Air đã tăng trưởng đến 150%, vận chuyển được 15 triệu hành khách. Hãng hàng không giá rẻ này cũng tích cực mở rộng hơn các đường bay quốc tế và đặt ra mục tiêu sẽ nâng tổng lượng hành khách vận chuyển trong năm 2018 lên con số 17 triệu.
Đón mùa cao điểm là dịp Tết Nguyên đán, các hãng hàng không tại Việt Nam đã có những kế hoạch phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách với tỷ lệ tăng dự kiến đến 20% so với năm trước. Đã có thêm gần 3.000 chuyến bay và 582 ngàn ghế tăng cường sẽ được triển khai phục vụ ngay trong thời gian tới.
Có thể nhận thấy rằng ngành vận chuyển hàng không Việt Nam đã có bước phát triển đáng mừng trong năm 2017 và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở vật chất của các hãng hàng không và các sân bay tạo một niềm tin là ngành hàng không dân dụng nước ta đã có năng lực kinh doanh đủ mạnh để có thể cạnh tranh ngang tầm với nhiều thương hiệu hàng không tầm cỡ quốc tế, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu bay ngày một lớn của đông đảo khách hàng.