Một số người dường như có thể rũ bỏ mọi thứ rất dễ dàng, hiếm khi họ cảm thấy buồn bã, trong khi một số người khác dường như rất dễ bị lay động ngay cả với những nghịch cảnh nhỏ nhất.
Tại sao một số người bị trầm cảm, nhưng người khác lại không, dù tình huống là như nhau? Khoa học vẫn chưa biết rõ lý do chính xác vì sao có những người dễ bị trầm cảm hơn người khác nhưng có lẽ sự kết hợp của vài nhân tố sẽ khiến cho bệnh này xảy ra.
Yếu tố di truyền: Một số cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa trầm cảm và gien di truyền, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về tất cả nguy cơ di truyền của bệnh trầm cảm. Cho đến thời điểm này, hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ nghi ngờ rằng, nếu cha mẹ hoặc anh chị em một ai đó bị trầm cảm thì nguy cơ mắc bệnh của người ấy sẽ cao hơn. Tuy nhiên, mối liên hệ này là không quá rõ ràng như trường hợp những bệnh liên quan đến gien di truyền như u xơ nang hay bệnh Huntington.
Các chất dẫn truyền thần kinh bị mất cân bằng: Những chất này giúp cho các vùng trong não giao tiếp với nhau và liên quan đến hoạt động điều chỉnh tâm trạng. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt, thay đổi về chức năng và ảnh hưởng từ các chất dẫn truyền thần kinh có thể đóng vai trò quan trọng gây nên bệnh trầm cảm.
- Xem thêm: Giảm trầm cảm theo cách tự nhiên
Hormone: Những sự thay đổi nhất định trong cân bằng hormone khiến chúng ta dễ bị trầm cảm hơn. Chẳng hạn, phụ nữ đặc biệt dễ bị rối loạn trầm cảm vào những lúc thay đổi hormone, như trong thời kỳ kinh nguyệt, khi sinh con và giai đoạn tiền mãn kinh. Và những người mắc một số bệnh về tuyến giáp cũng có thể trải qua những triệu chứng trầm cảm.
Trải qua biến cố và bị lạm dụng khi còn nhỏ: Người trải qua những bi kịch tuổi thơ dường như dễ bị trầm cảm về sau, dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định.
Thuốc kê đơn: Một số loại thuốc như àccutane, interferon-alpha, thuốc ngủ và corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Lạm dụng chất gây nghiện: Cũng như một số loại thuốc kê đơn có thể gây trầm cảm, các chất gây nghiện bất hợp pháp cũng có thể gây ra những triệu chứng này. Cùng lúc điều trị trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện là một việc khó khăn vì những người này có thể bắt đầu dùng chất gây nghiện như là một cách tự trị bệnh trầm cảm. Rất khó để phân biệt được là họ dùng chất gây nghiện để thoát khỏi trầm cảm hay là họ bị trầm cảm vì ảnh hưởng của chất gây nghiện.
Do các vấn đề sức khỏe thể chất. Tâm trí và cơ thể rõ ràng là có liên quan với nhau. Nếu chúng ta đang gặp vấn đề về sức khỏe thể chất thì sức khỏe tinh thần cũng thay đổi. Căng thẳng do bệnh kinh niên có thể gây ra một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng. Hơn nữa, một số bệnh như rối loạn tuyến giáp, bệnh gan, bệnh Addison (suy thượng thận mạn tính) đều có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Mất mát quá lớn: Đau buồn sau cái chết của người thân yêu hay một mất mát lớn nào khác có thể dẫn đến một giai đoạn trầm cảm đối với những người vốn đã có xu hướng dễ mắc bệnh này.
Do cá tính: Một số dạng cá tính nhất định, chẳng hạn như tự ti, quá phụ thuộc vào người khác, bi quan và tự chỉ trích bản thân đều có liên quan đến khả năng bị trầm cảm cao hơn.
Mâu thuẫn trong quan hệ cá nhân: Những mâu thuẫn với bạn bè hoặc gia đình có thể làm chúng ta rất căng thẳng, khiến một người vốn dễ bị trầm cảm có thể phát triển bệnh trạng.
Stress: Những sự kiện lớn trong đời – có thể là sự kiện “tốt” như kết hôn hay sự kiện “xấu” như mất việc – đều có thể gây ra stress. Khi chúng ta bị stress, nồng độ cortisol tăng lên và có thể ảnh hưởng đến việc truyền dẫn chất điều chỉnh tâm trạng serotonin.