>Giám đốc điều hành BCG, bà Vaishali Rastogi, nói tại một cuộc họp báo ở Jakarta tuần trước rằng với nhịp độ tăng trưởng cao trên 6%, tầng lớp trung lưu ở Indonesia sẽ tăng gần gấp đôi, lên 141 triệu người vào năm 2020, cùng lúc sức mua của quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này cũng tăng nhanh chóng.
Các xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển từ các sản phẩm cần thiết cho đời sống thường ngày sang các sản phẩm lâu bền và tiện nghi hơn, chẳng hạn như các thiết bị gia dụng, điện tử, xe hơi và các dịch vụ tài chính.
Bà Vaishali Rastogi cho biết, từ tháng 9-2012 BCG đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát tại bảy hòn đảo lớn, toàn bộ 33 tỉnh (hiện là 34 tỉnh do mới thành lập thêm một tỉnh mới), 99 thành phố và 393 huyện của Indonesia, phân tích các dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng trong một số hạng mục chính, bao gồm thực phẩm và các thiết bị.
Trong 4.000 gia đình được phỏng vấn, 66% trong số họ thấy rằng cuộc sống của họ được cải thiện hơn rất nhiều so với thế hệ cha mẹ họ, 71% đánh giá rằng khuynh hướng này sẽ còn tăng hơn trong các thế hệ sau, 91% cảm thấy ổn định về mặt tài chính. Số liệu nêu trên còn cao hơn cả người dân Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến người nước ngoài ồ ạt đến Indonesia. Chỉ số PIB (tổng thu nhập quốc nội) trên quần đảo này chiếm 32%, tăng 22% so với năm ngoái.
Để thể hiện sự phồn thịnh của đất nước mình, đảo quốc này đã không ngừng liên kết với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để xây dựng những công trình tầm cỡ như tàu điện ngầm tại Jakarta, dự án cầu nối liền hai đảo Java và Sumatra. Ngược lại, Mỹ và châu Âu, mỗi bên chỉ chiếm một phần nhỏ, 10% thị trường xây dựng. Nếu như số lượng công ty Pháp tại quần đảo này lên đến 450 vào năm 1998 thì nay chỉ còn lại 150, theo như nhận định của một doanh nhân tại đây.
Tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng sẽ đưa Indonesia trở thành một thị trường lớn hàng đầu và đầy cơ hội ở châu Á, củng cố thêm vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của tiêu dùng trong nước.
N. Nam