Ngày 2-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh cắt giảm 85 tỉ USD ngân sách tài khóa 2013. Việc cắt giảm ngân sách 85 tỉ USD thực hiện theo thủ tục “bảo lưu ngân sách” (sequestration) đã bắt đầu có hiệu lực thi hành trên toàn bộ các chương trình chi tiêu của Hành pháp, kể từ ngày 1-3-2013. Sự kiện này là một điều đã được cả hai ngành hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ dự liệu từ hồi năm 2011 khi Quốc hội thông qua đạo luật “Budget Control Act” và sau đó Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Điều khoản về “bảo lưu ngân sách” lúc đó được ghi vào đạo luật này chỉ chủ yếu là nhằm vào mục đích dự phòng. Dự phòng rằng trong trường hợp các nhà lập pháp không đạt được mục tiêu cắt giảm 1,5% tỷ lệ lạm phát thì ngân sách sẽ tự động bị cắt giảm tổng cộng 1.200 tỉ USD trong suốt 10 năm sau đó. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, số tiền này được chia đều 10 năm, nhưng vì riêng năm 2013 chỉ còn bảy tháng nữa là hết tài khóa 2013 (năm tài khóa của Mỹ kết thúc vào ngày 30-9-2013) nên số tiền cắt giảm là 85,4 tỉ USD. Như vậy từ năm 2014 trở đi thì số tiền bị cưỡng bách cắt giảm sẽ lên đến 109,3 tỉ USD/năm.
Tổng thống Obama trong cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội hôm 1-3
Việc cắt giảm này sẽ tác động không chỉ đến đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng Mỹ mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, nhất là châu Âu.
Nguyên nhân và hệ quả
Nguyên nhân dẫn tới việc ngân sách liên bang bị cắt giảm theo tổng thống Obama, là do phe Cộng hòa coi trọng việc bảo vệ chính sách ưu đãi thuế khóa cho thiểu số những người giàu có và những người nhiều quyền lực hơn việc bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu và các gia đình có thu nhập thấp.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói rằng việc họ đồng ý tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập từ 450.000 USD/năm trở lên để giúp Mỹ tránh va đầu vào “vách đá tài chính” mấy tuần trước đó đã là sự nhượng bộ duy nhất và cũng là nhượng bộ cuối cùng, bây giờ đến lượt Nhà Trắng phải nhượng bộ.
Quyết định này ra đời chưa đầy tuần lễ thì một số cơ quan của chính phủ liên bang đã bắt đầu ngưng tuyển dụng nhân viên và cắt giảm chi tiêu của nhiều chương trình và dự án để không phải yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi các khoản cắt giảm được thực hiện đầy đủ, những gia đình nghèo và những người thất nghiệp sẽ không còn nhận được các khoản phúc lợi xã hội như trước. Các cửa hàng có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực vì số nhân viên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bị cắt giảm. Việc vận chuyển hàng hóa có thể bị chậm lại và mức cầu hàng nhập khẩu sẽ giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo chương trình cắt giảm chi tiêu sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm ít nhất 0,5%, còn hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó.
Người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm
Việc cắt giảm ngân sách 85 tỉ USD chỉ là bước đầu tiên trong hàng loạt cuộc khủng hoảng ngân sách mà Quốc hội và Nhà Trắng sẽ phải đương đầu trong thời gian tới.
Năm ngoái, do không thông qua được dự luật chi tiêu cho các cơ quan của chính phủ trong năm 2013, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết cấp ngân sách để giữ cho hoạt động của chính phủ năm 2012 có thể tiếp tục đến ngày 27-3-2013. Do đó, Washington phải hành động trước thời hạn này nhằm ngăn chặn việc bộ máy chính phủ phải ngừng hoạt động từng phần.
Đến tháng 5-2013 tới đây, Quốc hội Mỹ sẽ lại một lần nữa phải tiếp tục đối phó với vấn đề tăng mức giới hạn vay của chính phủ. Đây cũng chính là vấn đề mà Quốc hội từng phải giải quyết hai năm trước, dẫn tới việc đưa ra điều luật buộc phải cắt giảm ngân sách chi tiêu hiện nay. Nếu không thể nâng mức giới hạn vay, Mỹ sẽ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Trên thực tế, Nhà Trắng cùng các nghị sĩ đảng Dân chủ và phe Cộng hòa tại Quốc hội đều ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu ngân sách, nhưng hai bên lại có những bất đồng lớn về phương thức thực hiện.
Đảng Dân chủ chủ trương người giàu cũng nên đóng góp thêm vào ngân sách đã đề xuất cắt giảm ngân sách kết hợp với việc tăng thuế đối với các cá nhân và công ty giàu. Trong khi đảng Cộng hòa chủ trương chính phủ can thiệp tối thiểu vào đời sống kinh tế của người dân nên dù đòi cắt giảm chi tiêu, nhưng phản đối chủ trương tăng thuế với người giàu.
Trong cuộc điện đàm với các nghị sĩ đảng Cộng hòa cuối tuần qua, ông Obama cũng đã nêu lên vấn đề ngân sách bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến chương trình chăm sóc y tế dành cho người già và người tàn tật Medicare và chương trình an sinh xã hội dành cho người nghỉ hưu.
Người dân phản đối việc cắt giảm ngân sách, ảnh hưởng đến chương trình chăm sóc y tế
Việc cắt giảm ngân sách có ảnh hưởng bất lợi ít nhiều đến các chương trình cấp dưỡng hiện nay (như Medicaid, Social Security…) và một số chương trình dành cho người có lợi tức thấp (welfare, phiếu thực phẩm…) còn trong cả hai lĩnh vực quốc phòng và phi quốc phòng, mức độ giảm thiểu chi tiêu được xem là ngang bằng nhau. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng trong năm 2013 này, các chi tiêu thuộc lĩnh vực quốc phòng sẽ bị cắt giảm 42,7 tỉ USD.
Việc cắt giảm này sẽ được thực hiện qua các biện pháp hành chính thông thường. Vì luật lệ về bảo lưu ngân sách cấm tuyệt đối việc hạ mức lương hoặc “ngâm” tiền lương của nhân viên nên trước mắt sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy một số cơ quan chính phủ sẽ sa thải bớt nhân viên, giảm giờ làm hoặc điều chỉnh lại các quyền lợi phụ của nhân viên như nghỉ bệnh, nghỉ phép…
Một khi việc cắt giảm ngân sách đã được cưỡng chế thi hành thì không thể ngưng lại được, trừ khi các nhà lập pháp đạt được một thỏa hiệp chung, bằng cách tu chính lại Đạo luật Budget Control Act 2011, đặc biệt là về các điều khoản giảm chi và tăng thu. Ngoài ra cũng cần phải quy định rõ ràng những khoản tiền bị cắt là thuộc về kinh phí hoạt động trong lĩnh vực nào, cũng như lưu ý đến các khoản trợ cấp của chính phủ ngày càng có khuynh hướng gia tăng và nhiều yếu tố khác nữa.
Các chuyên gia tài chính nghĩ rằng hệ quả của việc cắt giảm ngân sách trước mắt sẽ làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế quốc gia trong ngắn hạn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng tổng sản lượng quốc gia trong năm 2013 sẽ giảm 0,6% mặc dù không đến nỗi đưa tới tình trạng suy thoái kinh tế.
Trong ngắn hạn, có thể tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng đối với những thành phần làm việc cho cơ quan chính phủ hoặc làm cho các công ty có ký kết hợp đồng làm việc với chính phủ, vì họ sẽ sa thải bớt nhân viên.
Một số chuyên gia ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng thêm từ 0,5% đến 1,5% trong hai năm 2013 và 2014. Những người mất việc làm này đa số thuộc lĩnh vực quốc phòng và hầu hết đều thuộc vào những bang chuyên cung cấp các sản phẩm quốc phòng như California, Virginia, Maryland và Texas.
Ảnh hưởng đến châu Âu
Cắt giảm ngân sách chính là hệ quả tất yếu của những gì mà Quốc hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng đã không muốn hoặc không có khả năng làm.
Việc ngân sách của Mỹ bị tự động cắt giảm 85 tỉ USD kể từ ngày 1-3 sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn tác động đến thế giới, nhất là châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Và như vậy, châu Âu sẽ là nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng chính trị – ngân sách tại Mỹ.
Với kim ngạch trao đổi thương mại lên tới 645 tỉ USD năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, vượt xa Trung Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn suy thoái, nếu tăng trưởng của Mỹ chậm lại, châu Âu sẽ càng khó vượt qua khủng hoảng. Vào cuối năm 2012, ngay giữa lúc chính trường Mỹ đang vật lộn với “vách đá tài chính”, ủy viên châu Âu đặc trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn đã từng thúc giục Washington giải quyết kịp thời các vấn đề ngân sách, tránh để ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và đặc biệt là đến châu Âu.
Bên cạnh đó, Tim Reif, người đứng đầu bộ phận pháp lý của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thừa nhận chương trình cắt giảm ngân sách có thể sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ trong nỗ lực mở cửa thị trường.
Thời gian gần đây, Mỹ đã khởi động các cuộc thương lượng về một Hiệp định Tự do Thương mại với châu Âu. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với các nước Nam Mỹ và châu Á dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Quan chức trên cảnh báo việc ngân sách liên bang bị cắt giảm có thể cản trở các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ TPP và các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu mà Mỹ đang chuẩn bị thực hiện.
Viết Đỉnh