Nếu đứa trẻ 20 tháng tuổi không bao giờ được nghe cha mẹ nói “Không” thì làm sao có thể nghe nổi từ này khi lên 13 tuổi? “Trẻ hư là những đứa trẻ không bao giờ có cơ hội đối mặt với sự thất vọng từ lúc còn nhỏ” – Claire Lerner, chuyên gia về phát triển trẻ em ở Washington, nói.
Những bài học mà trẻ học được từ khi còn đi lẫm chẫm – như trì hoãn sự ham muốn, quy tắc ứng xử – sẽ theo trẻ cho đến lúc trưởng thành.
Quá nhiều đường, quá nhiều đồ chơi và không đủ nghiêm khắc là vài biểu hiện của việc cha mẹ đang làm hư con. Nhưng tại sao các phụ huynh lại làm như thế?
1. Bạn cảm thấy “có lỗi”. Trong những gia đình mà cả cha mẹ đều đi làm việc, hay mẹ hoặc cha đơn thân – nuôi con một mình, rất dễ xuất hiện cảm giác “Tôi có quá ít thời gian dành cho con nên tôi muốn con được vui”. Những phụ huynh cảm thấy “đầy tội lỗi” này có xu hướng nuông chiều thái quá và không đủ nghiêm khắc với con.
2. Bạn không đủ sức để nhất quán trong cách dạy con. Có hôm bạn không cho con ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhưng ngày khác, do quá mệt mỏi vì phải làm việc khuya, bạn lại tự biện hộ “ăn một vài lần cũng chả chết được”. Hành vi không nhất quán như vậy sẽ dạy con bạn rằng “Nguyên tắc là không có thật”.
3. Lúc nào bạn cũng chìa tay nâng đỡ con. Khi trẻ nản lòng thì lập tức nhiều phụ huynh muốn nhảy vào để giúp con ngay. Những phụ huynh căng thẳng và vội vã cũng thường hành động như vậy. Trẻ hư vì chúng bắt đầu dựa vào mẹ hoặc cha mọi việc – từ chuyện mặc quần áo cho đến giải một bài đố vui. “Mục tiêu của bạn là khuyến khích trẻ tự làm những thứ cần thiết cho bản thân. Vì thế, bạn có thể điều khiển tình huống, nhưng đừng làm thay trẻ”, chuyên gia Claire Lerner nói.
4. Bạn muốn cho con mọi thứ mà bạn không có. Dĩ nhiên, mua cho con thứ này thứ nọ là chuyện vui, đặc biệt là khi con bắt đầu lớn lên. Nhưng cho trẻ quá nhiều có thể mang lại tác dụng ngược, khiến trẻ luôn mong chờ một món đồ mới thay vì hài lòng với thứ mình có.
5. Bạn lý giải đây chỉ là hành động của con nít. Chúng ta thấy nhiều phụ huynh thường mỉm cười khi trẻ nhỏ hỗn xược với người lớn, đẩy những đứa trẻ khác hoặc va đập những đồ vật dễ vỡ. Các phụ huynh này không biết phải làm thế nào để chấm dứt những hành vi như thế và họ lý giải rằng điều này là ngộ nghĩnh, dễ thương. Phản ứng như thế thì dễ hơn là phải đối mặt với vấn đề.
Sự thật thì những đứa trẻ không phải đối diện với những giới hạn do cha mẹ đặt ra sẽ khó tôn trọng người khác và những gì thuộc về mình. Các chuyên gia về nuôi dạy trẻ đều cho rằng phụ huynh nên đặt ra những giới hạn cho trẻ nhỏ. Trẻ mới biết đi nếu có những giới hạn rõ ràng sẽ cảm thấy an toàn hơn và ít có hành động hỗn xược.
Điều quan trọng là cha mẹ cần áp dụng các nguyên tắc này một cách nhất quán. Với trẻ mới biết đi, ba hoặc bốn nguyên tắc là đủ, chẳng hạn như “Không ngắt lời người lớn”, “Thu dọn đồ chơi”, “Không được đánh”. Quá nhiều quy định sẽ làm cho trẻ và người lớn bị quá tải.
Nếu trẻ tỏ ra cáu giận vì không được như ý, hãy cố phớt lờ cho đến lúc trẻ hết khóc hờn. Một khi trẻ học được rằng mình không thể tìm được sự chú ý như mong muốn, trẻ sẽ bớt lặp lại hành vi này. Một “thủ thuật” khác là chuyển hướng sự chú ý đến điều gì đó mà trẻ quan tâm, chẳng hạn như món đồ chơi mà cô cậu thích nhất. Hãy quả quyết và rõ ràng: “Mẹ yêu con nhưng con không được đánh và ném lung tung mọi thứ…”.
Áp dụng nguyên tắc với con có lẽ không là chuyện dễ dàng nhưng lợi ích về sau là to lớn. Trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc, hợp tác, tuân theo nguyên tắc và có khả năng tự kiểm soát. Những bài học này sẽ có ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
– Theo Parents