Một trong những điều mà giới hoạt động tiếp thị nhắc nhở nhau là “Có thể giả sử người tiêu dùng chưa biết gì, nhưng đừng nghĩ rằng họ ngốc nghếch!”.
Từ đó, điều quan trọng là các nhà tiếp thị phải làm cho mọi thông tin trở nên dễ hiểu, thông suốt, liền mạch, truyền đạt được các giá trị mà doanh nghiệp muốn đem lại cho người tiêu dùng.
Muốn vậy, các chuyên gia tiếp thị phải nắm bắt cho được kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng thông qua việc trò chuyện trực tiếp với họ, sau đó nên tiến hành những bước đi dưới đây.
Trò chuyện bằng ngôn ngữ của khách hàng
Cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt từng nói rằng “Nếu tôi bán sản phẩm cho anh, tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ của anh, nhưng nếu tôi đang mua hàng của anh thì anh phải nói tiếng Đức”. Hiện tại, khách hàng miêu tả ra sao về sản phẩm của bạn? Những cụm từ nào họ thường sử dụng?
Nhiệm vụ của bạn là làm sao để các khách hàng đều dùng những từ ngữ thống nhất khi nói về sản phẩm của bạn. Bạn có thể gọi chương trình đào tạo trực tuyến của bạn là “Phát triển dịch vụ chuyên môn” nhưng nếu khách hàng tiềm năng cứ loay hoay tìm kiếm từ “đào tạo” hoặc cụm từ “khóa học trực tuyến” thì tất nhiên họ không thể tìm thấy bạn trên internet.
- Xem thêm: Những điều khách hàng không nói với bạn…
Nếu không thể trực tiếp khảo sát nhóm khách hàng mà bạn đang nỗ lực hướng tới, bạn vẫn có cách hiểu thấu ngôn ngữ họ đang sử dụng thông qua phương tiện trực tuyến bằng cách đọc những bài viết, blog mà họ thường đọc, lắng nghe các cuộc trò chuyện của họ trên Facebook, Twitter hay LinkedIn và sau cùng, sử dụng các công cụ khảo sát từ khóa như Google Adwords hoặc Keyword Discovery để biết chính xác đâu là những từ ngữ mọi người thường sử dụng để tìm kiếm.
Đi vào thực chất của vấn đề
Hãy quan sát thế giới bằng chính quan điểm của khách hàng. Những gì bạn đang bán sẽ cải thiện cuộc sống khách hàng ra sao? Liệu nó có giảm bớt gánh nặng của họ không? Khách hàng không mua những gì bạn mời chào, mà mua giải pháp mà bạn cống hiến. Do đó, đừng mải mê nói về tính năng của sản phẩm, mà nói đến những ích lợi mà khách hàng sẽ được thụ hưởng.
Biến khách hàng trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của bạn
Công thức tiếp thị tuyệt vời nhất cần có yếu tố nhân bản nằm bên trong. Mỗi khách hàng có những mối quan tâm riêng nên trong câu chuyện của bạn, nhất định phải có những yếu tố liên quan đến từng cá nhân.
Càng gắn kết với khách hàng, càng quan tâm đến mong đợi của họ thì khả năng bán được hàng của bạn càng cao. Bất kể bạn đang chào bán những chiếc bánh ngọt hay một phần mềm vi tính, hãy đặt trọng tâm vào cách sản phẩm tương tác với cuộc sống của mọi người, vào lợi ích cụ thể mà nó đem đến cho từng người.
- Xem thêm: Những kinh nghiệm giữ chân khách hàng
Săn sóc nhu cầu của khách hàng
Những món hàng có giá bán cao thường đòi hỏi thời gian thuyết phục khách hàng rất lâu, đôi lúc có thể đến 18 hoặc 24 tháng.
Trong hoàn cảnh ấy, khách hàng có thể đã vượt qua 50%, thậm chí 85% quãng đường đi đến quyết định mua hàng, chỉ còn chờ thêm sự quan tâm của người bán, có nghĩa là nếu nhân viên bán hàng của bạn biết tìm đến họ đúng lúc thì thương vụ sẽ hoàn tất.
Do đó, hãy chủ động xem xét kỹ những mối bận tâm của họ và trả lời ngay mọi thắc mắc thông qua blog, FAQ, e-book… rồi tạo ra nội dung tiếp thị chân thật, đồng cảm với nhu cầu và sở thích của người mua, đảm bảo tính hữu ích rõ ràng. Nên nhớ rằng nội dung tiếp thị đóng vai trò đại sứ bán hàng trong thời đại công nghệ số hiện nay.