Dù sống ở địa phương đi đầu cả nước trong sản xuất rau củ hữu cơ, người dân Lâm Đồng vẫn không dễ gì mua được dòng sản phẩm này cho bữa ăn hằng ngày. Vào tận các trang trại canh tác hữu cơ, phóng viên được tiếp đón niềm nở nhưng hỏi mua vài kg nông sản thì chỉ nhận được cái… lắc đầu, bởi vì từng cọng rau, từng trái cà chua ở đây đều đã có người đặt mua trước cả tháng.
Trong tám tháng đầu năm 2018 tại Lâm Đồng, rau củ sản xuất hữu cơ luôn được giao dịch với mức giá cao gấp ba lần giá rau củ cùng loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà cung vẫn không đủ cầu. Dù đầu ra hấp dẫn là thế nhưng mở rộng canh tác hữu cơ vẫn là bài toán không dễ với đa số doanh nghiệp.
Thị trường chỉ dành cho doanh nghiệp tính đường dài
Trang trại rau Organik ở thôn Ða Thọ, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt là một trong năm doanh nghiệp tại Lâm Đồng đạt chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, với những đường mã vạch gắn trên nhãn hiệu, người mua có thể soi chiếu toàn bộ “vòng đời” của cây rau từ xuất xứ hạt giống đến quy trình chăm sóc, bón phân, phòng bệnh và thu hoạch. Nhờ đó trang trại liên tục được khách hàng ngoài tỉnh hỏi đặt hàng với số lượng tính bằng tấn, trong khi năng lực sản xuất hiện tại của trang trại mới đạt 100kg một ngày.
Được đầu tư bài bản từ năm 2005, năng suất sản xuất rau hữu cơ của Organik vẫn chỉ bằng một nửa năng suất trồng rau VietGAP trên cùng địa bàn Đà Lạt. Quản lý trang trại Organik cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ không dành cho hộ gia đình nhỏ lẻ vì bên cạnh sản lượng thấp, nhà sản xuất rất dễ gặp rủi ro từ tàn dư sâu bệnh còn hòa lẫn trong đất sản xuất vô cơ trước đó, ngoài ra khách hàng phần lớn là người thu nhập cao, khó tiếp cận.
Thấp hơn Organik, năng suất rau tại trang trại Florama ở xã Ðạ Sar, huyện Lạc Dương còn chưa đạt 40% so với rau VietGAP. Từ đầu năm 2015 – sau 10 năm trồng hoa lan xuất khẩu, Florama chuyển đổi gần 2,5ha hoa lan sang trồng luân canh khoảng 20 giống rau hữu cơ chất lượng cao. Những sản phẩm rau hữu cơ năm đầu tiên của Florama phần lớn phục vụ “tự cung tự cấp” tại chỗ hoặc dùng gửi tặng, quảng bá đến các đối tác trong và ngoài nước. Phần nhỏ sản lượng rau hữu cơ còn lại đưa ra bán thăm dò thông qua hệ thống thương lái trong nước theo hình thức gửi hàng trước, biết giá sau khoảng một tuần lễ.
Vì người tiêu dùng không thể phân biệt bằng mắt thường giữa rau hữu cơ với rau vô cơ, rốt cuộc trang trại Florama nhận được báo giá với mức bằng hoặc thấp hơn giá rau bình thường. Rút kinh nghiệm, ở những lứa rau hữu cơ sau này trang trại Florama vừa sản xuất vừa thuê các đơn vị khoa học quốc tế đến hướng dẫn bổ sung quy trình, kiểm tra nhật ký sản xuất, lấy mẫu đất, nước, mẫu rau sinh trưởng đưa đi kiểm nghiệm chất lượng. Gần hai tháng sau rau hữu cơ của Florama đạt cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ. Mỗi lần chứng nhận có hiệu lực một năm, tổng chi phí từ 6.500-7.000 USD. Ngay sau khi sản phẩm được gắn chứng nhận tiêu chuẩn của Mỹ, các siêu thị, nhà hàng cao cấp trong nước tự tìm đến trang trại để đặt hàng trước với giá cao hơn từ hai đến ba lần rau VietGAP, GlobalGAP.
Sản xuất rau củ cũng cần sáng tạo
Trang trại Tượng Sơn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng mỗi tuần xuất bán theo đơn hàng về khu vực TP. Hồ Chí Minh khoảng 400 đến 600kg rau hữu cơ. Dù sản lượng không lớn, Tượng Sơn vẫn được biết đến nhiều nhờ sở hữu nhiều giống rau mới độc đáo. Đó là rau gia vị chocolate, bạc hà, cải xoăn khủng long, ớt siêu cay, cải hoa tuyết, tiểu mạch thảo… được lai tạo, gieo trồng khá kỳ công.
Từ tháng 1-2018 đến nay, trang trại Jan’S của Công ty TNHH Jan’S ở xã Đạ Sar, Lạc Dương đã đưa ra thị trường trên dưới 20 sản phẩm chế biến khô từ nguyên liệu rau, củ, quả tươi không hóa chất được sản xuất tại chỗ và tại 10 hộ nông dân sản xuất liên kết. Trong đó sản phẩm hạt nêm vừa “trình làng” liền được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng, tiêu thụ khá nhanh. Hạt nêm Jan’S làm từ rau, củ, quả hữu cơ chế biến với đường thốt nốt, cam kết không sử dụng bột ngọt, không chất bảo quản, không hương liệu nhân tạo, gắn nhãn hiệu có in mã vạch hiển thị đầy đủ thông tin trong một chuỗi giá trị gieo trồng, chăm sóc, chế biến tại trang trại Jan’S. Quản lý trang trại này cho biết cứ 20kg rau, củ, quả tươi cho ra được 1kg thành phẩm khô. Sản phẩm bước đầu thâm nhập thị trường với mức khoảng 100kg mỗi tháng, tiêu thụ đều đặn theo hợp đồng đặt hàng với đối tác trong nước.
- Xem thêm: Nông trại organic độc đáo ở Đà Lạt
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, chủ trang trại Thiên Sinh (xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương), người từng sang Nhật Bản để học canh tác rau hữu cơ thì người Nhật canh tác rau hữu cơ quy mô lớn với hàng trăm nông hộ tập trung thành từng vùng rộng hàng trăm hécta. Mỗi vùng phải mất thời gian ít nhất ba mươi năm hình thành rồi sau đó mới đi vào tổ chức phân công sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hữu cơ toàn cầu, tương xứng với quy mô, trình độ và điều kiện về đất đai, nguồn vốn, tổ chức lao động của từng nông hộ.
Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết một trong những trở ngại lớn nhất đối với nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cũng như tỉnh Lâm Đồng là chưa có quy hoạch về sản xuất, chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng mà lồng ghép trong các chương trình, dự án khác. Tại Việt Nam chưa có tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ dân. Các quy trình, tài liệu tập huấn sản xuất hữu cơ còn hạn chế, doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận.
Theo tiến sĩ Phạm S, tổng doanh thu nông nghiệp hữu cơ toàn cầu đạt khoảng 90 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng khoảng 20%. Tuy nhiên tại Việt Nam, người tiêu dùng chưa tin tưởng và ít có điều kiện phân biệt sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác. Do đó nhu cầu thị trường dù cao nhưng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn khó tiêu thụ, chỉ các đơn vị có đầy đủ các chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.