Từ khi được trao trả độc lập vào năm 1965 đến nay, Singapore được đặt dưới sự cai trị của Đảng Hành động của Nhân dân (PAP) và đã chuyển mình từ một thuộc địa của Anh thành một trung tâm thương mại toàn cầu, với những đường sá sạch đẹp, hệ thống dịch vụ hiệu quả và số triệu phú tập trung cao nhất thế giới. Hiện nay, sự bất bình đẳng trong thu nhập của người dân Singapore ngày càng cao, nhiều người phải phấn đấu để có được khoản lương bình quân 3.300 USD/tháng, tức chưa đến 40 ngàn USD/năm, trong lúc tiền thuê nhà tăng gấp đôi so với cách nay một thập niên. Về mặt chính trị, đảng PAP hiện nắm giữ 80 trong tổng số 87 ghế trong nghị viện, nhưng chính quyền Singapore luôn cảnh giác cao trước các biến động xã hội. Năm 2012 vừa qua, một cuộc đình công của các tài xế xe buýt được tuyển dụng từ Trung Quốc đã buộc chính quyền sở tại trục xuất trên 20 người tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, cái khó của chính phủ của ông Lý Hiển Long là nếu Singapore không nhận thêm người nhập cư mới thì số cư dân trong độ tuổi lao động sẽ sụt giảm kể từ năm 2020 và tổng số cư dân Singapore cũng sẽ giảm từ năm 2025. Số người Singapore thuần túy chiếm 75% tổng dân số vào năm 2000, nay tỷ lệ này chỉ còn 62%.
Người dânSingaporebiểu tình phản đối kế hoạch tăng thêm 30% dân số của chính phủ
Tình trạng dân số ngày một giảm sút và già đi là một nguy cơ cho tiến trình phát triển kinh tế củaSingapore. Mục tiêu mà chính quyền nước này muốn đạt được là đến năm 2030, tổng dân số Singapore sẽ từ 5,3 triệu người tăng lên 6,9 triệu người, tức thêm 1,6 triệu người, hay 30% dân số hiện nay. Để đạt được điều đó, mức tăng dân số bình quân phải gần 100 ngàn công dân Singapore mới mỗi năm, nhưng kế hoạch hiện nay của chính quyền Lý Hiển Long cũng chỉ mới toan tính ở mức trao thêm quyền công dân cho từ 15 ngàn đến 25 ngàn người nước ngoài mỗi năm. Những người chỉ trích dự án trên cho rằng Singapore đã quá đông đúc, mật độ dân cư đang vượt quá thành phố “đối thủ” là Hongkong, việc chấp nhận một khối lượng hàng triệu công nhân nước ngoài làm công dân Singapore sẽ dẫn đến nhiều bất ổn về kinh tế và xã hội. Một nhà hoạch định tài chính Singapore là ông Leong Sze Hian cho rằng không thể du nhập người nước ngoài vào Singapore để cạnh tranh với người bản xứ khi mà chính quyền vẫn chưa dành cho họ sự chăm sóc đúng mức, còn ông Tan Kin Lian, nguyên Giám đốc điều hành hãng bảo hiểm lớn nhất Singapore, thì cho rằng người Singapore cần “đồng lương tương xứng, một chân giá trị trong công việc ở mọi lĩnh vực lao động. Đồng lương của họ phải đủ để nuôi sống gia đình”. Đó không phải là những quan điểm đơn lẻ, báo hiệu những khó khăn mà Singapore sẽ phải đối mặt để giải quyết những vấn đề gay gắt do cuộc sống đặt ra.
Lê Nguyễn tổng hợp