Ông bố trừng mắt vì cậu con “nói dại”. “Mày từ thành phố ăn học đại học hẳn hoi, về làng ăn nói thế hả? Cả làng người ta mơ làm nhà. Bác cả mày khóc lên khóc xuống vì đang ở trong… ngôi nhà cổ trăm năm, đẹp nhất làng. Ai đi đâu về cũng đến tham quan, xuýt xoa bảo bác sướng quá.
Nhưng sao bác khóc? Là vì con trai con gái bác đi xuất khẩu lao động gửi đủ tiền để lên nhà ba bốn tầng như thiên hạ. Bác muốn phá nhà cũ đi để xây nhà mới. Họp họ hàng, chi trên chi dưới, ngày thường không rõ họ hàng thế nào, lúc họp có đứa xưng chú xưng anh, phân tích giá trị nhà cổ, bảo tồn di tích. Có đứa còn nhắc lại, cái thời mọi người khốn khó nhà tranh vách đất, thì bác chơi luôn cái nhà cổ năm gian (Khổ, lúc đó đói ăn có ai để ý đến “cổ” với chẳng “đầu”).
- Xem thêm: Cháy ở… cái đầu
Cả họ quyết định bác là con trưởng, giữ nhà thờ xưa nay, đã thành di tích, không được phá. Bác bực lắm. Ngồi trong “nhà cổ” nhìn ra sân, cửa đã trống hoác từng lỗ, nhìn thấy cả đàn gà ngoài sân.
Cánh cửa mở ra đóng vào xoay quanh bản lề kêu lên khùng khục. Muốn sắm bộ salon không được vì bộ tràng kỷ xưa hoa văn đã mòn, trên bàn thờ có những bức họa truyền thần các cụ từ những năm ba mươi của thế kỷ trước…
Đấy, bác muốn xây nhà không được, nhà mình may quá, tha hồ xây!”. Đang xây tưng bừng thì thằng con thành phố phán cho một câu xanh rờn đầy xui xẻo: “Làm nhà xong… là chết”.
Ông bố không nói ra nhưng thừa biết đó là sự thật, ít ra là ở cái làng này. Đã có nhiều người như thế rồi. Trong đám giỗ có ai hỏi cụ nhà mất được mấy năm, có khi con cái trả lời “từ dạo làm xong cái nhà này là ông cháu mất”.
Ông tự nhủ cho đỡ sợ: “Thì đó là ngày xưa, đói ăn, dành dụm từng cây tre ngâm dưới ao. Ăn không dám ăn, đêm đêm thao thức tính toán. Tất cả của cải sức lực đổ hết lên cái nhà.
Thân hình liêu xiêu, không ngã từ trên mái nhà xuống thì cũng lao lực, ốm rồi chết. Còn bây giờ thì khác rồi, thiếu gì thợ trên thành phố thất nghiệp, gọi một tiếng là đến đủ, từ thợ xây thợ mộc giỏi có tiếng Nam Định, mình chỉ coi họ làm thôi, chết sao được.
Nhưng khi xây nhà xong, an toàn mọi sự, tân gia mời làng xóm đến, rượu vào lời ra, ông mới thở phào thấy mình thật may mắn, là vì trong câu chuyện của bà con ở tỉnh về, Hà Nội xuống, trong Nam ra, toàn nói chuyện “xây nhà xong… là chết”.
Nhà nay ở trên mây, không ai với tới được. Không có người ở. Thành những lâu đài ma tráng lệ. Đó, đám ấy mới thực sự “xây nhà xong là chết”. Ông nói với con trai: “Mày đem cái câu của mày về thành phố mà tặng nhé, bố mày không nằm trong diện đó đâu nhé”.
Một ông cán bộ về hưu lè nhè: “Chết đâu mà chết, chỉ có cánh ta khổ thôi, cái đám làm nhà lâu đài ma ấy nghe đâu sẽ được giải cứu mà. Là vì chúng vay vốn của ngân hàng, đưa lâu đài ma cho ngân hàng ôm lấy siết nợ.
- Xem thêm: “Bí ẩn” bất động sản
Tiền chôn vào đấy”. Một ông say bét nhè: “Chuyên gia phán giá nhà còn phải giảm xuống đến đúng mức túi tiền của người mua mới được. Tôi hỏi ông, xây căn hộ cao cấp hoành tráng nay bán bao nhiêu cho đúng mức túi tiền của người nghèo?
Bán nửa tỉ đồng, tôi với ông cũng không mua được… Mà ông bỏ núi tiền đi vay ra làm, bây giờ nói ông hạ giá xuống, có khác gì nói ông thôi đem cho người nghèo?”.
Chẳng biết họ có say thật không, nhưng chàng sinh viên thành phố đâm… sợ. Sợ thứ nhất là vỏ bia vỏ chai rượu cứ quăng ra liên tục. Sợ thứ hai là ông nào ông nấy nói hăng say chuyện chính sách, thời sự trong nước và thế giới. Cậu bật cười: “Giá mà các ông này đi thi hộ cậu cái môn chính trị khó gầm trời, đứa nào cũng sợ!”.