Món ăn Việt, đặc biệt là món ăn đường phố, đã được nhiều trang mạng ẩm thực và một số hãng thông tấn quan trọng (như CNN, BBC) đánh giá cao; được các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng như Anthony Bourdain, Martin Yan ca ngợi, tôn vinh, hay gần đây tập sách ẩm thực Việt Nam của Linh Nguyên, một nghiên cứu sinh chương trình Fulbright đã trở thành sách bán chạy nhất trên Amazon. Góp sức không nhỏ vào việc quảng bá ẩm thực Việt Nam còn có các họa sĩ minh họa trong và ngoài nước, những người đã dùng tranh vẽ thể hiện các món ngon trên dải đất hình chữ S.
Lucile Prache được biết đến rộng rãi trong giới vẽ minh họa quốc tế với năng lực sáng tạo và kỹ thuật đồ họa đặc sắc của cô. Sinh ở Paris, Lucile Prache tốt nghiệp Trường Hướng dẫn nghệ thuật và Thiết kế nội thất (ESAG) ở Paris. Thế nhưng trước đó, ở tuổi 15 cô đã tham gia một khóa đào tạo và thực hành về kỹ thuật in ấn, in thủ công trên giấy – một bước đệm quan trọng để cô đến với công việc vẽ minh họa trong lĩnh vực báo chí và quảng cáo. Cô từng làm việc với các tạp chí như Marie Claire, Jeune et Jolie, Phosphore…, các công ty thời trang, may mặc như BIBA, Muze…, thiết kế nhãn hiệu cho Longchamp, ET VOUS… Năm 2004, Lucile Prache minh họa cho bộ sách ẩm thực Pháp Les Petites Toques Lenôtre. Tháng 4-2011, tạp chí thời trang và nghệ thuật Little Thing xuất bản ở Hongkong đã dành bốn trang để giới thiệu các minh họa màu nước tuyệt đẹp của Lucile Prache về hoa và các món ăn.
Trong số hàng trăm món ngon ở nhiều nước trong tranh minh họa màu nước của Lucile Prache, không thiếu các món ăn Việt Nam đã nổi tiếng toàn cầu như phở, bánh mì thịt, bún bò… mà tác giả đã có dịp nếm trải, bởi như Lucile Prache nói: “Cảm hứng sáng tác của tôi xuất phát từ đời thực: từ các chữ in trên nhãn hàng, những mẩu giấy bẩn trên hè phố Paris, những bưu ảnh nhạt nhẽo chụp khu Brooklyn (New York), một mái tóc màu xanh lá sống động của cô gái đang đi trên hè phố, những cuốn sách cổ Trung Hoa, những hình ảnh chợ búa… Tôi mong muốn những minh họa của tôi trông thật thảnh thơi và hạnh phúc…”. Quả là các món ăn Việt được Lucile Prache vẽ minh họa đem đến cho người xem cảm giác thật thân thiện, gần gũi và muốn được thưởng thức ngay.
Một cuốn sách tranh về ẩm thực Việt Nam xuất bản lần đầu vào tháng 5-2017 có tựa Việt Nam miền ngon (NXB Lao Động và Thái Hà Books) in song ngữ Việt – Anh cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực của người đọc và thị trường nên sớm tái bản. Sách dày 129 trang khổ vuông 20 x 20cm, điểm đặc biệt khiến Việt Nam miền ngon khác hẳn với các sách hướng dẫn bếp núc Việt từ trước tới nay là không dùng ảnh chụp, thay vào đó là tranh minh họa 100 món ăn.
Tác giả các minh họa màu nước sống động này có biệt danh là Le Rin, một họa sĩ trẻ sinh trưởng ở Ninh Thuận, đã dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện công trình tâm huyết này của anh. Theo Le Rin, toàn bộ quá trình thực hiện, từ vẽ bằng màu nước các món ăn cho đến việc mô tả các món ăn ấy (giới thiệu xuất xứ, đặc trưng và cách chế biến một cách đơn giản) anh đã mất sáu tháng để hoàn tất. Khá giống với Lucile Prache, Le Rin cũng khởi nghiệp với công việc đồ họa, thiết kế bao bì và thời trang trước khi trở thành một nhà minh họa ẩm thực.
Le Rin cho biết chính niềm tự hào về văn hóa ẩm thực phong phú của đất nước Việt Nam đã là cảm hứng chủ đạo để anh tiến hành dự án Việt Nam miền ngon: “Tôi muốn làm một sách mỹ thuật để vinh danh ẩm thực Việt”. Bắt đầu với các món ngon miền Bắc như chả cá Lã Vọng, bún chả của Hà Nội, nem cua bể (chả giò cua biển) của Hải Phòng, rồi trải dài là các món ăn miền Trung như bún bò, cơm hến, bánh canh Nam Phổ… của xứ Huế, bánh bèo, mì quảng của Quảng Nam… và các món ăn dân dã miền Nam. Tất nhiên không thể thiếu phở và bánh mì thịt đã phổ biến thế giới cùng những món ăn hằng ngày trong gia đình người Việt như canh chua, thịt kho…, những món có xuất xứ nước ngoài như hủ tiếu Nam Vang, mì vịt tiềm… Và cả những món ăn chơi như bò bía, bột chiên, kẹo đậu phộng… Nhờ được xuất bản song ngữ nên khi sách đến tay nhiều độc giả nước ngoài họ đã tìm đến Việt Nam du lịch. Sách đã được Thái Hà Books đem đến triển lãm và giới thiệu với bạn đọc tại Hội chợ sách Frankfurt 2017.
K
- Xem thêm: Tinh hoa nghệ thuật ẩm thực chay xứ Huế
hông phải là ấn phẩm, chỉ được giới thiệu trên mạng nhưng những tranh vẽ vui nhộn kiểu chibi(*) về ẩm thực Việt của Nguyễn Thanh Bình (Bình “lùm”) cũng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới trẻ. Năm nay 23 tuổi, sắp tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Bình từng làm việc tại một công ty tổ chức sự kiện nhưng hiện làm họa sĩ tự do mảng minh họa sách báo. Bình đã thực hiện bộ tranh chibi về nhịp sống Sài Gòn hôm nay với các sinh hoạt phố phường, đặc biệt là các món ăn mà người Sài Gòn nào cũng phải biết đến. Gần đây, dù chỉ mới lần đầu tiên ra Hà Nội nhưng cũng đủ để Bình có cảm xúc thực hiện bộ tranh về đời sống, sinh hoạt của giới trẻ thủ đô.
(*) Chibi là một dạng từ tiếng lóng trong Nhật ngữ, có nghĩa là “người lùn” hay “nhóc”, để chỉ một người hay một đứa trẻ có thân hình thấp bé. Chibi trong hoạt hình Nhật (manga) là phong cách vẽ nhân vật được cách điệu hóa ở mức độ cao, cơ thể ngắn ngủn chỉ bằng kích cỡ của cái đầu. Tranh chibi từng được giới trẻ Nhật Bản say mê và đang là trào lưu gây sốc đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam. Trên mạng xã hội hiện có nhiều nhóm cùng sở thích như “Tôi yêu Chibi”, “Hội mê vẽ tranh Chibi”… thu hút hàng ngàn thành viên. Chính nhờ trào lưu này mà nhiều sinh viên mỹ thuật đã có thêm thu nhập bằng cách nhận vẽ tranh chibi