Trước vụ lạm quyền để cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Đồ Sơn năm 2007, Thái Bình năm 1997 và cả việc cưỡng áp mô hình nông nghiệp miền Bắc vào miền Nam sau 1975 đều được dẫn ra như những trường hợp điển hình cho thấy đã đến lúc phải có cách “tiếp cận mới về đất đai”. Trên các diễn đàn công khai, người dân đặt thẳng câu hỏi, liệu các nhà lập pháp có thể đi đến cùng trong tiến trình cải cách Luật Đất đai đã nằm trong nghị trình làm luật năm nay?
Nông dân đang sản xuất đất đai không phải sở hữu của mình
Trong ký ức của nhiều người, ViệtNamđã từng thực hiện mô hình đa sở hữu đối với ruộng đất ngay khi lập quốc và điều này được thể hiện rất rõ trong các Hiến pháp 1946 và 1959. Cụ thể Hiến pháp 1959 quy định hai hình thức sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân (điều 12) và sở hữu tư nhân (các điều 14, 15, 16, 18, 19). Trong chừng mực, mô hình đã đem lại sức sống mới và lòng tin của dân vào chính sách quốc gia. Đất đai chỉ chính thức xác lập chế độ sở hữu toàn dân từ Hiến pháp 1980 với lập luận đây là quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp quy luật của chủ nghĩa xã hội.
Nhìn lại quá khứ cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã rất sòng phẳng khi bộc bạch: “Tôi giật mình vì nhận thức của mình trước đây không rõ ràng. Lúc bấy giờ không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội. Chúng ta làm cải cách ruộng đất, đưa ruộng về cho người cày rồi thì người làm chủ chính là nông dân. Thế mà chúng ta lại tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Người nông dân tự nhiên bị hẫng”.
Cảm giác hẫng hụt dường như sâu sắc hơn khi sau đó vài năm, trong một cuộc thảo luận trên diễn đàn Quốc hội về Luật Đất đai 1993, đại đa số đại biểu ủng hộ hạn điền 20 năm. Mặc dù trao cho người dân năm quyền: sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất, nhưng theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Luật Đất đai so với các bản Hiến pháp trước đó có một điểm lùi đáng tiếc. Hiến pháp ghi: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”, còn luật chỉ giao đất cho cá nhân và chỉ giao có thời hạn. Như vậy, khái niệm sở hữu toàn dân chỉ là danh nghĩa, thực chất là Nhà nước sở hữu. Ông Võ, một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đất đai tin rằng, cách tiếp cận đất đai như vậy trong nhiều trường hợp đã dẫn đến một hình thức “sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp, “sở hữu nhà nước” trong Luật Đất đai, và “sở hữu vô chủ” trong thực tế.
Cùng chung một mối quan ngại, một đại biểu Quốc hội đã lên tiếng gay gắt tại nghị trường khi nói về quyền sở hữu đất đai rằng chế độ sở hữu này sẽ dẫn đến tình trạng “có rất nhiều Nhà nước trong một Nhà nước” khi xã, huyện, tỉnh, cấp nào cũng là Nhà nước, cũng được quyền giao đất, cho thuê đất dẫn đến việc dân không biết Nhà nước nào giao đất cho mình.
Cứ nhìn vào thực tế thì rõ, tình trạng đó đã trở thành mối lo có thực. Những năm gần đây, tình trạng không rõ ràng về quyền sở hữu đất đai đang góp phần tạo ra những bất ổn kinh tế – xã hội, trong một chừng mực, sự mập mờ đã làm hỏng những thành quả có được từ cuộc đổi mới được khởi xướng hồi năm 1986. Nếu lấy mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (như thể hiện trong Nghị quyết 48/NQ-TW) là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường và bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân để làm căn cứ đánh giá, có thể thấy rằng các quy định về pháp luật đất đai hiện nay đang tiếp tục là các “rào cản” đối với sự phát triển của đất nước nói chung và mỗi người dân nói riêng.