Một chủ gallery ở khu Chelsea của New York có thể kiếm được một khoản lời hết sức lớn khi bỏ ra 15.000 USD để mua theo kiểu may rủi một cái kho đã khóa kín từ nhiều năm qua. Bởi khi mở kho ông đã tìm thấy sáu bức tranh mà nhiều hy vọng là tác phẩm của danh họa Mỹ Willem de Kooning, và nếu đúng như thế ông sẽ kiếm được hàng chục triệu USD.
David Killen, 59 tuổi, sở hữu một gallery mang tên ông trên đường thứ 25 ở khu Chelsea – nơi tập trung hàng trăm gallery của thành phố New York – lẽ ra đã chẳng có cơ hội mua một cái kho chứa nhiều bức tranh đã bị chủ nhân bỏ đi. Cuối cùng thì nhờ một nhà đấu giá có tiếng tăm đã coi thường thương vụ này nên cái kho ở Ho-Ho-Kus (một thị xã thuộc quận Bergen, tiểu bang New Jersey) mới đến tay Killen. Thoạt đầu, khi mới ngó qua những gì chứa trong kho, ông chẳng có ấn tượng gì: “Những thứ trong cái kho đó là một mớ tạp nham, tôi không thấy gì coi được hết”. Mặc dù vậy, ông vẫn bỏ ra 15.000 USD hồi năm ngoái để mua cái kho chứa khoảng 200 bức tranh, dự tính có thể đưa mớ tranh đó bán đấu giá hai tháng một phiên tại chính gallery của ông.
Thế rồi, khi Killen bắt đầu dỡ đống tranh pháo trong kho chất lên xe tải để mang về New York ông đã tá hỏa tam tinh: “Trong một cái thùng lớn, tôi nhìn thấy tranh của Willem de Kooning. Sao lại có thể may mắn đến độ tìm thấy tranh de Kooning trong một cái kho? Thật là khó tin nổi!”. Killen đếm được đến sáu bức tranh mà ông tin chắc là tác phẩm của bậc thầy hội họa biểu hiện trừu tượng Hoa Kỳ. Chưa hết, còn một phần thưởng đẹp đẽ nữa dành cho nhà đầu tư mạo hiểm: một bức tranh của họa sĩ lừng danh Paul Klee – theo nhận định của Killen.
Mức giá thị trường tranh của Willem de Kooning hiện nay có thể lên đến hàng chục triệu USD. Ngày 15-10-2016, trong phiên đấu giá các tác phẩm hậu Thế chiến II và đương đại, bức Không đề XXV, tranh sơn dầu khổ lớn (195,7 x 223,5cm) được de Kooning sáng tác năm 1975 đã bán với giá 66,3 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York. Song tác phẩm “giá khủng” của danh họa gốc gác Thụy Sĩ này là bức Giao điểm (Interchange), cũng khổ lớn (200,7 x 175,3cm) được ông vẽ năm 1955: vào tháng 9-2015, tỉ phú Mỹ Kenneth C. Griffin đã mua bức tranh này từ Quỹ David Geffen với giá 300 triệu USD, lúc đó là bức tranh cao giá nhất thế giới không qua đấu giá. Giao điểm được Kenneth Griffin cho Bảo tàng Mỹ thuật Chicago mượn trưng bày từ đó đến nay.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, sáu tác phẩm của Willem de Kooning mà Killen tìm thấy khi mua cái kho tranh cũ từng được cất giữ trong studio của Orrin Riley, một chuyên gia về bảo tồn và phục chế tranh, người đã làm việc trong hơn hai thập niên tại xưởng bảo tồn của Bảo tàng khổng lồ Solomon R. Guggenheim ở New York, sau đó mở dịch vụ bảo tồn tranh tại xưởng của ông, nơi ông đã phục chế một số tranh của de Kooning. Năm 1986, ở tuổi 63 Riley qua đời vì viêm phổi.
Bà Susanne Schnitzer, cộng sự của ông, tiếp tục điều hành xưởng bảo tồn nhưng đến năm 2009 thì mất vì tai nạn giao thông. Các bạn thân của bà Schnitzer ở New Jersey, những người thực hiện di chúc của người quá cố, đã tìm cách giải quyết tài sản bà để lại, trong đó có cái kho chứa tranh cũ. Họ tìm mọi cách để liên hệ với chủ nhân các bức tranh được đưa tới xưởng phục chế, song vẫn còn lại hơn trăm bức không ai nhận, theo lời ông Killen.
Cũng không biết trong studio của ông Riley và bà Schnitzer có những gì, họa chăng nếu có gì đáng kể là những bản in tranh của Kooning không đáng giá bao nhiêu, và bởi gánh nặng chi phí hằng tháng phải trả cho kho tranh cũ đó nên những người thực hiện di chúc quyết định phải gọi các nhà đấu giá để tìm người mua cái kho đã khóa kín từ lâu.
Thật ra, lúc đầu Killen cũng không dám chắc 100% mình đã sở hữu một kho báu. Những bức tranh mà ông tin là tác phẩm của de Kooning đều không có chữ ký của tác giả. Thế rồi ông liên lạc được với một chuyên gia từng cộng tác với Orrin Riley cũng như từng làm trợ lý cho họa sĩ Willem de Kooning. Đó là ông Lawrence Castagna, chuyên gia phục chế tranh sống ở East Hampton, New York. Sau khi xem tranh, ông Castagna khẳng định: “Theo tôi, không có gì đáng ngờ về những bức tranh này” và tin chắc rằng de Kooning đã vẽ chúng vào những năm 1970 trong xưởng vẽ của ông ở New Hampton: “Vào thập niên 1970, những bức tranh đó chẳng có giá là bao”, ông cho biết.
Trong khi đó, những người phụ trách Quỹ Willem de Kooning Foundation ở Manhattan đã không đưa ra xác nhận về các tác phẩm được tìm thấy. Họ cũng không trả lời điện thoại khi được gọi để hỏi về các bức tranh. Còn nhà buôn cũng là nhà sưu tập tranh David Killen, người mà từ bé đã rảo khắp các chợ trời để mong tìm được báu vật, cho biết sẽ sớm công bố sáu tác phẩm nói trên trong một bữa tiệc tổ chức tại gallery của ông, sau đó sẽ lên kế hoạch bán số tranh này vào mùa thu tới. “Cuộc sống đầy những phát hiện kỳ diệu.
Tôi xứng đáng được hưởng những gì mà mình đã trả. Tôi đã sẵn sàng trở thành hội viên câu lạc bộ triệu USD”, Killen sung sướng bày tỏ. Khi được hỏi sẽ làm gì ngay với khoản tiền “khủng” có thể sẽ kiếm được, Killen cho biết sẽ làm những cánh cửa mới toanh cho gallery của ông và mua “một căn hộ thật đẹp”.
Chưa hết, còn bức tranh mà Killen tin rằng là tác phẩm của Paul Klee, nếu điều đó là chính xác thì ông chủ gallery sẽ có thêm bạc triệu. Tranh của danh họa người Đức này thường có khổ nhỏ và trung bình, giá không cao ngất như nhiều tên tuổi lớn khác, tuy nhiên cũng cán mức vài triệu USD. Chẳng hạn, bức Dáng vườn (Gartenfigur) – tranh sơn dầu, khổ 81,5 x 61,3cm, vẽ năm 1932 được bán với giá 5,1 triệu USD tại nhà Christie’s Paris năm 2009; bức Vũ công (Tanzerin) tranh sơn dầu, khổ 66 x 56cm, vẽ năm 1932 được bán với giá gần 6,8 triệu USD tại nhà Christie’s London năm 2011.
Willem de Kooning (1904-1997) là người Thụy Sĩ nhưng sinh tại Rotterdam (Hà Lan), sang Mỹ từ năm 1926, đến năm 1962 nhập quốc tịch Mỹ. Những năm sau Thế chiến II, de Kooning phát triển một phong cách tạo hình sau này được gọi là biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism) hay còn gọi là “tranh hành động” (action painting) và là thành viên của một nhóm họa sĩ cũng vẽ theo khuynh hướng này: Jackson Pollock, Lee Krasner, Franz Kline, Arshile Gorky, Mark Rothko, Hans Hofmann, Adolph Gottlieb, Anne Ryan, Robert Motherwell, Philip Guston…
Cuối thập niên 1930, tranh của de Kooning còn chịu ảnh hưởng của Picasso và họa sĩ cùng thời với ông là Arshile Gorky nhưng sau khi ông gặp gỡ họa sĩ trẻ Franz Kline thì phong cách tạo hình của ông hoàn toàn thay đổi. Kline trở thành bạn thân nhất của de Kooning nhưng sớm qua đời khi còn rất trẻ. Cuối thập niên 1980, de Kooning bị chứng bệnh Alzheimer nên mất trí nhớ, thế nhưng ông vẫn còn vẽ được tác phẩm cuối cùng vào năm 1991 và mất ở tuổi 93.