Bây giờ có thể thấy, bất kỳ ai làm nhà mới hay mua nhà mới, nhà chung cư đều quan tâm đến vị trí cái bàn ăn mà không phải quan niệm theo phong thủy hay mê tín…
Nhà chung cư đa phần thiết kế phòng khách và bàn ăn liền kề nhau. Các kiểu nhà mới rộng rãi cũng vậy, có thể thấy cạnh phòng khách to, đẹp là bếp ăn. Dùng từ “bếp ăn” để nói về nơi giữ lửa cho gia đình nghe có vẻ quê mùa, khiến người ta liên tưởng đến một chốn tro than, muội bếp…
Nhưng những gian bếp hiện đại, đẹp, thiết bị thông minh đã khiến là nơi ấm cúng, gần gũi và là điểm nhấn cho căn nhà với những kiểu trang trí sang trọng, tiện ích, hài hòa với phòng khách với quầy bar, bộ sưu tập rượu đắt tiền, những bộ ly tách cầu kỳ…
Điểm nhấn nữa là bộ bàn ăn rộng rãi, đắt tiền với các chất liệu gỗ hay đá cầu kỳ, sang trọng.
Tất nhiên, gia chủ đã tính toán những ngày gia đình tề tựu đông đủ, rôm rả. Lớp người lớn nói chuyện ở phòng khách, lớp bọn trẻ chơi đùa trong phòng và các bà mẹ luôn tay trong bếp. Tiếng là “trong bếp” chứ các bà có thể tham gia câu chuyện đang sôi nổi ở phòng khách cho dù đang trộn gỏi, ướp thịt hay đang bỏ con vịt vào trong lò nướng, chẳng hạn.
Bàn ăn thông với phòng khách không phải là ý tưởng mới nhưng cái hay của người thiết kế là họ biết thế nào giá trị của mái ấm, để từ đó họ luôn làm mới không gian quây quần, gần gũi hai trong một này.
Thế nhưng, nhiều gia đình cho biết quanh cái bàn ăn rộng nhiều khi lạnh tanh. Các bà mẹ có khi chỉ nấu nướng ngày một bữa. Có thể là bữa tối, cũng có thể là nấu trưa ăn luôn bữa chiều. Để rồi, người về nhà lác đác không đầy đủ, mạnh ai nấy làm một tô, ngồi trước tivi hay máy tính hay đem vào phòng…
Cái bàn ăn rộng đôi khi chỉ sử dụng một góc nhỏ vì chỉ một hay hai người ăn. Những bữa ăn đông vui, mẹ và con gái ra sức trình bày món ăn, mang lên bàn ăn như tác phẩm nghệ thuật, cánh đàn ông trầm trồ, xuýt xoa ngày càng hiếm. Đôi khi thành xa xỉ.
Bà mẹ hay ông bố lại nhớ về những bữa ăn ngày xưa, cả nhà túm tụm bên cái mâm tròn, có thể là trải chiếu nhưng cũng có thể chồm hỗm mà lại đông vui, thay phiên nhau gắp, rôm rả, ấm cúng.
Những ngày xưa thân ái bỗng tấp nập trở về. Mâm cơm chỉ có bát canh rau, chén cà pháo, đĩa trứng tráng hay trã cá kho vậy mà ngon, lại thấy thèm một cách day dứt không chỉ bởi món ăn mà còn là khung cảnh xưa. Giờ trên chiếc bàn ăn rộng những món ăn đắt tiền thấy không ngon bằng? Là bởi, có thể do đầy đủ quá, cũng có thể thiếu sự đầm ấm, bởi chỉ một hai người ngồi ăn với nhau, chẳng hạn.
Bởi vậy, mỗi khi có dịp gì đó như bạn bè con cái rủ nhau đến nhà nấu nướng hay có khách đến thăm và mời cơm, ông bố vui lắm. Ông mang máy hình ra chụp từ lúc nguyên liệu tập kết trong bếp cho đến bày ra bàn ăn. Khâu nào ông cũng ghi lại từng chi tiết. Ướp thịt thế nào, trộn gỏi ra sao, cắt tỉa rau củ cầu kỳ, công phu… Không phải ông giữ làm tư liệu cho bài gia chánh đâu, ông ghi lại kỷ niệm hiếm hoi những ngày gian bếp thông với phòng khách nhà ông sống động, vui vẻ.
- Xem thêm: Dành thời gian cho bản thân
Ông chụp thêm vài kiểu hình cảnh tiệc tàn như tiếp nối câu chuyện từ mở đầu cho đến kết thúc. Một lúc nào đó, ngồi một mình, nhớ con cháu ông lại mở máy tính ra xem và nở nụ cười hạnh phúc. Hay, bên bàn ăn hiu quạnh mỗi ngày lại nhớ hôm con gái chuẩn bị đi xa, bạn bè kéo đến, món này, món kia và mơ ngày nó trở về cũng vui như thế.
Mới thấy, ai cũng ao ước một gia đình đông vui, rôm rả bên mâm ăn, hay trải chiếu quây quần, hay ước mơ có được cái bàn ăn rộng, có gian bếp ấm cúng thông với phòng khách, có tiếng dao thớt lao xao gần gũi…
Buổi sáng, mẹ pha cà phê thơm lừng phòng khách. Tivi với kênh YouTube chương trình độc tấu ghi-ta nhẹ nhàng. Mẹ bày ra bàn ăn miếng bánh mì phết bơ hay ốp la, hay tô mì gói cho con trai ngồi vào bàn vừa ăn bánh mì vừa lướt điện thoại. Ông bố nhâm nhi tách trà và con gái thì thưởng thức ly nước trái cây. Bà mẹ vẫn còn loay hoay bên bàn bếp. Hạnh phúc dễ vậy nhưng sao nghe như chuyện chỉ có trên phim?