…Một làng gốm Chăm với những hàng cọc nhấp nhô như bóng dáng thiếu nữ đội nước về làng mỗi buổi chiều tà. Ánh sáng hắt lên từ mặt nước, những phiến đá xù xì kể cho bạn nghe câu chuyện của đất, nước và lửa, để tạo nên những bình gốm nâu…
Sĩ Hoàng ẩn hiện đâu đó, trong chiếc cầu đá cũ xưa, chiếc bàn gỗ đỏ với bao vết rạn như nứt ra từ nỗi đau. Một màu ngói đỏ và những cột kèo bằng gỗ đen. Một giọng hát chầu văn lảnh lót từ đâu đó làm huyễn hoặc cả không gian. Người con gái ngồi quay tơ trong tiếng hát ả đào… Chìm ngập trong thế giới của nhung lụa, bạn dần hiểu vì sao áo dài đẹp đến thế, vì sao kiến trúc xưa cảm động đến thế. “Còn gì tuyệt vời hơn?” – Một người bạn nước ngoài đã thốt lên và anh nói anh sẽ trở lại nơi này mỗi ngày…
… Vậy mà Sĩ Hoàng đang đau. Nỗi đau trần tục đến mức anh muốn kêu thét lên. Kiếm tiền để tồn tại, để nuôi nghệ thuật, để làm văn hóa, cay đắng biết nhường nào…
Mẹ ơi, hôm nay có khách không?
Có sáu khách thôi con ạ! Mẹ là người thứ bảy và nghệ sĩ Quang Thắng tình nguyện là người khách thứ tám. Mẹ định bảo các em nghỉ đi, nhưng không ai chịu, họ nói dù có một khách thôi cũng hát… – Giọng bà nghẹn lại – Thôi con đi ngủ sớm đi, ngày nào cũng thức một, hai giờ sáng, ba bốn giờ lại thấy con bật đèn thức dậy, mẹ làm sao yên… Sức khỏe là quý nhất con ạ, có sức khỏe mới làm việc được chứ! – Rồi bà quay sang nói với tôi – Hơn 40 năm kinh doanh, tôi tưởng mình đã sắt đá lắm rồi, nhưng vẫn không thấm gì so với những khó khăn mà Sĩ Hoàng con tôi đang phải gánh vác… Mỗi lần nhìn cơ ngơi này, tôi vừa hãnh diện vì con, vừa thương con đứt ruột.
____
Tại sao một quán trà văn hóa hấp dẫn như thế lại vắng khách nhỉ? Anh không đầu tư cho marketing sao?
Đụng đến quảng cáo, tiền nào cho xuể, làm văn hóa lại càng khó. Không có đầu ra làm sao có đầu vào, không có đầu vào làm sao duy trì. Cũng có một số nhãn hiệu muốn tài trợ cho quán trà, nhưng kèm theo là những điều kiện. Đụng đến tâm linh, ông bà, di sản, đâu có thể nào chấp nhận được. Chiến đấu ngày nào biết ngày ấy thôi… Tôi đang khủng hoảng với chính bản thân mình.
Là người thiết kế, vừa lo quản lý, nhân sự, ánh sáng, âm thanh… làm sao có thể làm hết mọi việc? Kinh doanh trong thời buổi thị trường là một cái gì đó thách đố vô cùng, ngay cả người được đào tạo chuyên nghiệp cũng chưa chắc thành công.
Mới đây, anh Minh Long có thổ lộ với tôi: “Từ một nhà sản xuất, khi có người lo đầu ra là Qi Home, Minh Long mới có tiền, có thị trường ổn định, để rảnh tay làm cái gì đó đóng góp vào dòng gốm Việt Nam”. Tôi đang cầu cứu một công ty nào đó làm cho tôi giống như Qi Home đang làm cho Minh Long. Đó cũng là lời rao, lời than, lời khóc của tôi đấy!
Kinh doanh thời buổi thị trường là một cái gì đó thách đố vô cùng, ngay cả đối với người được đào tạo chuyên nghiệp.
____
Khó khăn thế, tại sao anh không dừng lại, làm việc khác? Anh có thấy phía trước của mình sáng sủa hơn không?
Thà chết tôi cũng làm, chứ không bao giờ bỏ cuộc. Có những lúc tưởng như phá sản, muốn điên lên… Hiện thời kinh doanh của công ty vẫn phải lấy cái này bù cái kia, đầy lo âu. Để có được một không gian thế này phải chịu đựng thôi, làm văn hóa ngoài việc có tiền, cũng gần như đi giảng đạo, nghĩa là phải thuyết phục. Có khi “giảng đạo” trên giảng đường, có khi trên cỏ, mà trên cỏ thì nhiều, nhưng cái tâm thì lúc nào cũng phải sáng, phải trong.
Gần 6 tháng nay, mỗi tháng phải bù lỗ từ tám đến mười bảy triệu đồng. Tuy khó khăn nhưng đã được những đoàn ngoại giao đánh giá cao. Đại sứ ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh động viên: “Hoàng phải giữ, phải duy trì, để còn có chỗ dẫn du khách tới”. Một câu nói ấm áp như thế cũng làm cho tâm hồn mình được đền bù, tiếp sức, giống như gặp được tri kỷ vậy…
Trên thế giới, tất cả những thương hiệu mạnh đều trở thành một tập đoàn, để cùng nhau hỗ trợ phát triển, đó là xu hướng tất yếu. Thương nhân mình đâu có bề dày kinh nghiệm như người ta, chỉ biết tự mình chòi đạp nên rất dễ va vấp. Tôi mong muốn doanh nhân mình cùng chung sức mới may ra thay đổi được vận hạn đất nước.
Nói đến đây, Hoàng lặng lẽ lại bàn lấy cho tôi xem cuốn nhật ký anh viết từ năm 19 tuổi đến nay. Anh nói: “Khi cháy nhà, thì đây là tài sản quý nhất mà tôi phải mang theo”. Anh ghi nhật ký theo từng năm, từng sự kiện lớn trong đời. Có khi chỉ từ tháng trước, nét chữ còn ngay ngắn, tháng sau thần thái đã thay đổi hẳn, bấp bênh, đầy tâm trạng. Những dòng dưới đây bộc lộ rõ nhất những thôi thúc tự thân, những khủng hoảng triền miên trong tâm hồn của một người đầy ý chí để theo đuổi đến cùng sự nghiệp.
1988
Ngày làm thầy đầu tiên trong trường đại học. Một chiếc xe đạp không vè, không bửng, phải đợi học trò tan hết mới dám ra về. Gia đình khó khăn quá. Phải lấy lại tinh thần thôi. Ba chỉ vàng, 5 ống chỉ màu và 20 xấp vải là vốn khởi nghiệp. Vốn đập vốn, cũng đủ lo cho gia đình. Sức khỏe quá tệ, 46kg, ho, run tay, tim và tinh thần không vững lắm.
1989
Kinh tế bắt đầu phát triển. Dành dụm được 5 lượng vàng sắm giường, radio, vật dụng tối cần thiết cho gia đình…
1994
Trở thành Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình, học cao học Mỹ thuật. Đi Bỉ, Thái Lan: mở mắt, mở đầu. Lại một cơn khủng hoảng nữa đến với mình. Cái thời mọi thứ đều vi tính, mọi giá trị đều bị lẫn lộn. Đã có một căn nhà riêng, hai cửa tiệm to đùng, nhưng tận cùng là sự cô đơn đến cùng cực. Một đám cưới đang chuẩn bị thì… hồi hôn. Mình đang tập tiêu hóa dần nỗi buồn của chính mình, để hiểu rằng làm văn hóa mới chính là cái mình theo đuổi, lúc nào cũng ở bên trong mình, không bao giờ có thể mất…
____
Sau sự kiện kỷ niệm 10 năm sự nghiệp thời trang và triển lãm gốm của mình, một quyết định của anh đã khiến cho bao nhiêu người bàng hoàng: Nghỉ dạy, cạo đầu và nằm liệt giường suốt cả tuần lễ… sau đó Công ty Sĩ Hoàng ra đời. Vì sao vậy?
Tôi muốn dành quỹ thời gian cho từng giai đoạn sống của mình có được kết quả cao nhất. Một cuộc chấp nhận “đi” lại từ đầu, bởi tôi muốn được làm việc nhiều hơn trong khả năng của mình. Chọn làm áo dài, gốm Chăm, quán trà, chính là chọn làm văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ của người Việt mình. Công việc có một ý nghĩa lớn hơn, đẹp hơn. Luôn phủ định cái đã khẳng định là tìm ra cái mới. Nếu dừng lại, tức là đứng yên, phải có gan bò xuống để leo lên một đỉnh khác, có thể thấp hơn nhưng có đóng góp cho nghệ thuật. Suy cho cùng cũng chỉ để cho mình cảm thấy hạnh phúc, dù với phần việc nhỏ nhất…
____
Anh đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình, và mỗi năm đều sơ kết lại một cách thẳng thắn như thế suốt 40 năm nay?
Kế hoạch cho công ty và kế hoạch cho cuộc đời tôi là một. Tôi chia cuộc đời mình ra năm giai đoạn. Mười hai năm khởi nghiệp và định hình thương hiệu với vai trò nhà giáo, thiết kế. Chín năm phát triển và tạo dấu ấn thương hiệu, đi nhiều để học nhiều, biết, hiểu, với vai trò nhà buôn, “lực sĩ”, vì làm nhà buôn phải có thần kinh thép và một cơ thể khỏe mạnh.
Mười năm tạo dấu ấn thương hiệu ra nước ngoài, đi nhiều để “cảm” và “ngộ”. Mười năm giảng dạy và đào tạo đội ngũ chuyên môn giỏi, phát hiện người kế thừa để chuyển giao nhiệm vụ. Nếu trời thương cho sống tiếp, sẽ là 10 năm cố vấn chuyên môn, viết sách và nghiên cứu…Mình là người sống cảm tính, tình cảm, nhưng khi đã là doanh nhân, chịu trách nhiệm trước bao con người gắn bó với mình, không thể tắc trách được.
Kinh doanh chỉ là một phương tiện giúp tôi làm văn hóa một cách khách quan, bằng chính cuộc đời mình, không vụ lợi.
____
Bí quyết nào giúp anh tạo được cái hồn rất hấp dẫn cho quán trà? Anh nghĩ gì về những sản phẩm văn hóa của mình, về thương hiệu?
Tôi thích cái đẹp đơn giản, tinh tế, cầu kỳ hết mức để đi tới sự tối giản. Làm văn hóa cũng như hội họa, không phải vẽ da, vẽ xương, mà là vẽ được cái thần. Những câu kết mở là cái kết có giá trị nhất, giúp cho người ta suy nghĩ theo cách riêng, chứ không phải là một cái gì quá hoàn mỹ. Sản phẩm văn hóa của tôi luôn mở, luôn tạo cơ hội cho người thưởng thức bù đắp thêm, để người ta được vận động, được hy vọng…
Chữ Sĩ mang ý nghĩa của tri thức còn chữ Hoàng là sáng, rạng, chứ không mang ý nghĩa quyền lực. Những cái tôi làm cũng không quá lộng lẫy, xa hoa, mà bình dị, dễ thở, hài hòa với xung quanh, bay bổng nhưng không làm người ta choáng ngợp, sợ hãi. Sự tự nhiên, mới mẻ phải xuất phát từ tình yêu trong chính mình sâu đến mức nào. Khi đã yêu, mọi thứ mới đến. Phải có thời gian nhất định, giống như uống thuốc bắc vậy đó, để cho nó ngấm từ từ.
Tại sao tôi lại dọn cho mỗi người một khay trà riêng? Để họ được là chính mình trong lúc uống trà. Đó chính là tư duy hiện đại về văn hóa… Tôi đang tham gia khóa học Hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nhân. Phải tu thân, tề gia, mới mong bình thiên hạ.
Kinh doanh chỉ là một phương tiện giúp tôi làm văn hóa một cách khách quan, bằng chính cuộc đời mình, không vụ lợi. Nói như vậy nghĩa là không còn cái tên Sĩ Hoàng riêng lẻ nữa, mà là một thương hiệu đi xa, đi lâu. Bản thân mình chỉ là một đoạn nào đó thôi…
Nhiều người hiện đang kinh doanh văn hóa theo nhiều hình thái, từ ẩm thực, kiến trúc, tinh thần. Khổ nỗi vì đời sống, cứ làm vội, nhanh, muốn có được ngay, dẫn đến dễ dãi, việc thưởng thức vì thế mất ý nghĩa, không đóng góp được tới nơi tới chốn, mà trái lại còn làm cho văn hóa nghèo đi, hèn đi, khiến người ta càng quay lưng, càng “ngán ngược”…
____
Vậy ra anh cũng là người rất quyết liệt? Điều gì theo anh là đáng quý nhất trong cuộc đời?
Nhìn tôi ai cũng nghĩ thư sinh, sung sướng, nhưng tôi là người quyết liệt lắm đấy, sẵn sàng chấp nhận mọi cực khổ để làm được điều mình muốn. Mọi con đường kinh doanh đều cần sự liều lĩnh, quên mình.
Ngày xưa học môn sinh vật, tôi chỉ nhớ nhất một điều, những tế bào thần kinh là tế bào duy nhất không tái tạo, buồn bực chính là điều đốt cháy thần kinh nhiều nhất. Biết thế để đừng tự đốt cháy chính mình, mà hãy dùng thời gian làm chuyện có ích hơn. Điều đáng quý nhất tựu trung lại vẫn là lòng nhân, cái tâm. Văn hóa có được là nhờ cái tâm, cái nhân mà nâng dần lên. Văn minh có được là từ văn hóa.
____
Vì sao một người thành đạt như anh lại sống như một người tu hành vậy? Xem chương trình nghệ thuật trong quán trà, thấy hiện diện đủ 54 dân tộc Việt Nam, đó có phải là kết quả của những chuyến phiêu lưu bất tận?
Ừ, lạ thế. Ở nhà ăn rau dưa không sao, cứ mỗi lần đi ăn tiệc về là cái bụng ấm ách khó thở không chịu được. Món tôi mê nhất là cà pháo chan nước rau luộc, xì dầu dầm ớt thật cay ăn với bún, canh cua rau mồng tơi. Nhu cầu cá nhân của tôi cực kỳ đơn giản, quần áo cũng thế, toàn đồ Việt Nam cả thôi. Áo sơ mi Việt Tiến, giày VINA, cả đến chiếc đồng hồ dây da đơn giản này cũng đeo từ tám năm nay rồi.
Có những chiếc sơ mi rộp cả cổ, tháo ra, lại thành thời trang. Xe hơi thì cổ lỗ sĩ, mua 5 triệu đồng, sửa hết mấy chục triệu (cười), ban ngày mà leo lên thì giống như lò nướng bánh, đôi vớ này giá… tám ngàn đồng. Tôi chỉ mới xài điện thoại di động từ mấy tháng nay…
Nhưng học trò của tôi lúc nào cũng thấy thầy sạch sẽ, tươm tất. Mình khéo phối hợp là sang trọng thôi. Tôi hay nói với các em: “Giá trị là cái mình làm ra, không phải là cái mình máng trên người”. Ngay như căn bệnh viêm họng kinh niên, tôi cũng không bao giờ mua thuốc, chỉ có ngậm gừng suốt bao năm nay. Tiện thì đi ô tô, không tiện thì nhảy xe ôm… Nhiều người nghĩ: “Ông này chắc giả đò!”.
Bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn hết vào những chuyến đi, không dám ăn, không dám xài… Tôi đi thực tế còn bụi đời hơn cả bụi đời. Dằn túi khoảng vài ba triệu là tối lại nhảy lên tàu, sáng vô lò gốm, buổi chiều lại nhảy xe lửa về, bảy giờ sáng đi dạy tiếp với một gói xôi lót dạ.
Gặp được một người là biết thêm một thế giới. Tôi học được nhiều hơn từ những thất bại, những điều dở của người khác.
____
Điều gì giúp anh có thể đương đầu với những khó khăn mỗi ngày?
Vì không còn con đường nào khác. Tôi sống gần như không có bạn, sức khỏe lại yếu, một điều duy nhất giúp tôi tồn tại chính là tinh thần. Phải khắc nghiệt với chính mình.
____
Anh quan niệm thế nào về kinh doanh?
Tôi thấy mình “được” nhiều nhất từ những chuyến đi. Hở ra lúc nào là tôi đi, lâu lâu không đi thấy đầu mình không phải chất xám, mà là gỗ đá hay sao ấy. Gặp được một người là biết thêm một thế giới. Tôi học được nhiều hơn từ những thất bại, những điều dở của người khác. Cái gì mình cũng để ý, không thờ ơ.
Cảm xúc đẹp không chỉ là tiếng cười, mà tận cùng của hạnh phúc là tiếng khóc. Muốn thế, phải thật với chính mình, không vay mượn của ai cả. Cái đẹp mãi là một ẩn số, làm sao có thể định nghĩa, có thể đi hết được. Kinh doanh thuộc về lý tính, mà nghệ thuật là cảm tính. Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả, mà không làm mất đi con người nghệ sĩ của mình quả là rất khó.