Nhiều năm qua, TP.HCM đã phát động phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị, làm đẹp hơn bộ mặt thành phố bằng cách kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan. Diện mạo thành phố vì vậy nhìn chung có sự thay đổi tích cực, đường phố có nhiều mảng xanh hơn, vỉa hè được cải tạo khang trang, chăm chút hơn với nhiều hoa kiểng… Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thật sạch đẹp, dễ thấy nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Hành vi xấu này của không ít người lại là thói quen khó thay đổi, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường. Thế nên cần thiết phải có biện pháp xử lý tận gốc hành vi này.
Cuộc chiến với rác
Cùng với các cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, thành phố cũng lắp đặt thêm nhiều thùng rác công cộng trên các tuyến đường chính, khu vực đông dân cư.Nhờ thế, tình trạng xả rác bừa bãi có được cải thiện dù mức độ chuyển biến còn chậm. Do ý thức của người dân chưa cao nên thói quen xả rác bừa bãi chưa khắc phục được hoặc để rác không đúng chỗ. Thùng rác trên đường chỉ dành cho khách vãng lai bỏ rác, vậy mà có khi chứa cả đống mền gối hư cũ cùng nhiều thứ phế liệu khiến rác sinh hoạt bị vứt tràn ra ngoài. Không ít nơi thùng rác cái bị mất nắp, nơi mất luôn cả thùng…
Bê tông cũng thành rác thải ra đường
Rác có mặt trên từng cây số, từ lề đường xuống lòng đường, chỉ sau giờ công nhân vệ sinh thu gom rác xong là rác lại xuất hiện. Con đường vừa được quét sạch liền sau đó đã có vỏ hộp sữa, hộp xốp, bao thuốc lá, ly nhựa… do người đi đường, đi trên xe dùng xong vứt xuống đường. Tại các miệng cống, hố ga thường trở thành điểm tập kết rác của các xe bán hàng rong, các hộ buôn bán gần đó. Ở những nơi vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ buôn bán hàng ăn, người bán và cả khách xem vỉa hè là thùng rác công cộng, tùy tiện xả rác ra xung quanh. Còn ở những nơi công cộng như chợ, cổng trường học, bệnh viện, bến xe… đều có bảng “cấm đổ rác”, “yêu cầu giữ gìn vệ sinh chung”… nhưng như một nghịch lý, nơi nào bảng cấm nhiều thì lại càng tập trung nhiều rác. Trong khi đó vì mưu sinh, một số sinh viên làm thêm, phát tờ rơi quảng cáo ở các ngả ba, ngả tư đường cũng thiếu ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vào giờ cao điểm, mỗi khi đèn đỏ dừng lại, những người phát tờ rơi băng ra đường dúi những tờ quảng cáo vào tay người chạy xe, hầu hết đều xem phớt qua rồi quăng xuống đường. Chỉ khổ cho những công nhân vệ sinh phải quét dọn, trả lại sạch sẽ cho đường phố.
Cảnh thường thấy trên đường phố, vừa quét dọn xong là lại xuất hiện rác
Đáng nói hơn, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng hẻm thì bị lấn chiếm bởi vô số hàng quán, rác vương vãi khắp nơi. Vào dịp cuối năm, nhiều nhà tổng vệ sinh, dọn dẹp, xây sửa nhà mới nên thải ra lượng rác khá lớn, từ gạch đá, phế liệu xây dựng đều có thể thải ra đường. Người ta cũng mang xác súc vật, gia cầm chết quăng xuống hồ, ao, kênh rạch và ra đường. Nhiều người tỏ ý lo ngại cho dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chưa kịp hồi sinh hoàn chỉnh thì lại mắc phải căn bệnh xả rác đang tái diễn.