Trong tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines chỉ trích tính phi pháp của yêu sách đường lưỡi bò và quan trọng hơn là khả năng dự đoán mà phía Trung Quốc diễn giải dựa trên nguyên tắc “đất quyết định biển” thông qua việc sở hữu một số đá hay bãi san hô (không thể nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao và đó chỉ được xem là “đá” theo quy định tại Điều 121 khoản 3, UNCLOS), cũng như từ đó có các hoạt động xâm phạm lãnh hải của phía Philippines.
Tàu hải giám đang bảo vệ tàu đánh cá Trung Quốc ở đảo Scarborough
Chưa biết phía Trung Quốc sẽ trả lời vấn đề này ra sao (vì ngay cả yêu sách “đường 9 đoạn” cũng chưa bao giờ được giải thích một cách rõ ràng dựa trên UNCLOS), và cũng chưa biết phán quyết cuối cùng của trọng tài như thế nào, nhưng sự kiện Quy chế pháp lý đảo theo điều 121 khoản 3, UNCLOS được đưa ra bàn luận lần này từ góc nhìn Việt Nam đem lại hai lợi ích chính. Một, nó giúp phần nào làm rõ ràng hơn cách diễn giải của Trung Quốc nếu có sử dụng điều luật này làm cơ sở pháp lý cho yêu sách “đường 9 đoạn”. Hai là tạo khả năng một liên minh pháp lý giữa Việt Nam và Philippines hình thành (như Việt Nam – Malaysia từng phối hợp năm 2009) nếu hai bên “cùng hội – cùng thuyền” trong cách hiểu đảo – đá tại khu vực tranh chấp Trường Sa.
Quy chế pháp lý đảo: Vấn đề của mọi vấn đề?
Sự chấp nhận tương đối của các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) được xem là một trong những “trụ cột pháp lý” để quy phạm và phân xử các hành động của các bên liên quan tại khu vực Biển Đông. UNCLOS tuy vậy đang gặp phải nhiều vấn đề khi sự diễn dịch của nó đặc biệt về quy chế pháp lý về đảo, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Một trong những vấn đề nan giải khác trong việc sử dụng UNCLOS như một khuôn khổ pháp lý cho giải quyết xung đột là sự khác biệt góc nhìn giữa các bên tham gia về bản chất kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ước UNCLOS có sự phân biệt quy chế pháp lý giữa đảo, đá, đảo nửa chìm và đảo nhân tạo như sau: (i) Đảo là vùng đất có kết cấu tự nhiên, nổi lên trên mặt nước khi có mức thủy triều dâng cao, có khả năng duy trì đời sống của con người và đời sống kinh tế riêng; (ii) Đá là vùng đất không có khả năng duy trì đời sống của con người và đời sống kinh tế riêng; (iii) Đảo nửa chìm nửa nổi phải nằm ở trên mặt nước biển khi thủy triều xuống, nhưng chìm dưới mặt nước biển lúc thủy triều dâng và (iv) Đảo nhân tạo là vùng đất do con người tạo nên.