Với cấu tạo gồm hơn 200 đảo lớn nhỏ, với những hòn đảo lớn như Phú Lâm, có diện tích xấp xỉ 2km2 hay Trường Sa, đảo Ba Bình, chỉ có diện tích gần 0,5km2 đến những vùng đảo san hô, đảo đá, có diện tích rất nhỏ, việc phân định pháp lý của những khu vực này là một thách thức cho UNCLOS. Đặc biệt khi điều 121, khoản 3 của UNCLOS – điều khoản có liên quan trực tiếp đến quy chế pháp lý về đảo – chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng dẫn tới những giải thích khác nhau về quy chế đảo – đá. Ý kiến của các chuyên gia quốc tế về luật biển quốc tế cũng không đồng thuận trong việc đánh giá tư cách quy chế pháp lý các đảo tại Biển Đông.Một số tác giả cho rằng trong quần đảo Trường Sa chỉ có đảo Ba Bình (tên tiếng Anh: Itu Aba) là thỏa mãn điều kiện của điều 121, khoản 3. Một số ý kiến đánh giá thì phần lớn các đảo trong Biển Đông đều chỉ có tiêu chuẩn là đá theo UNCLOS. Trong khi đó, một số học giả khác cho rằng, năm đảo lớn nhất của khu vực bao gồm đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo Hoa Lau, đảo Thị Tứ (Thitu Island), đảo Trường Sa lớn (Spratly) và đảo Ba Bình đều đủ tiêu chuẩn pháp lý của đảo theo điều 121.
Sự khác biệt góc nhìn ảnh hưởng đến lập luận của các bên trong việc xác định các vùng biển có thể được yêu sách. Vì theo quy định điều 121, khoản 3, chỉ có đảo mới được hưởng quy chế pháp lý ngang bằng với đất liền khi tính tới hiệu lực của các vùng biển bao quanh, cụ thể là đầy đủ các vùng biển, bao gồm nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, EEZ và thềm lục địa. Ngược lại, đá chỉ có thể được hưởng quy chế pháp lý vùng lãnh hải trong khoảng 12 hải lý. Đảo nửa chìm nửa nổi không quy chế pháp lý vùng lãnh hải riêng, nhưng có thể được sử dụng làm điểm cơ sở để tính lãnh hải nếu chúng nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền hay một hòn đảo khác. Đảo nhân tạo không có vùng lãnh hải riêng, ngoại trừ việc các nước sở hữu tạo ra một khu vực an toàn xung quanh rộng không quá 500m.
Hai góc nhìn và liên minh pháp lý nội khối ASEAN
Như vậy, việc chưa có một thỏa thuận về bản chất tự nhiên của các đảo trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa cũng đồng nghĩa với việc chưa thể đi đến một thỏa thuận về chủ quyền và quyền tài phán cho việc thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng thềm lục địa và vùng EEZ. Hồ sơ báo cáo chung Việt Nam – Malaysia 2009 trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLSC) cho thấy hai nước đi gần với quan điểm phủ định quy chế pháp lý của đảo dành cho các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, ngay cả những hòn đảo hai nước đang quản lý. Lựa chọn này đồng nghĩa là từ các đảo tại quần đảo này không thể đòi hỏi EEZ, mà chỉ có thể tạo nên một vùng lãnh hải rộng hơn 12 hải lý như khu vực nội thủy. Còn trong hồ sơ của Philippines thì không đưa ra một nhận định bao quát về kết cấu tự nhiên của Trường Sa, nhưng Manila xác định nhóm đảo Kalayaan và bãi cạn Scarborough có đầy đủ điều kiện được nhận quy chế pháp lý đảo, từ đó có thể thụ hưởng EEZ vượt quá 200 hải lý.
Ngược lại, việc khẳng định lại tấm bản đồ yêu sách trên Biển Đông theo đường “chữ U đứt đoạn” cho thấy phía Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền không những với hầu hết các hòn đảo ở Biển Đông, mà còn quyền tài phán tại các vùng biển lân cận, vùng nước liên quan, cũng như vùng đáy biển và dưới lòng đất. Bất chấp những điểm mập mờ pháp lý của tấm bản đồ “lưỡi bò” từ phía Trung Quốc, một trong những diễn giải khả dĩ về các yêu sách 80% diện tích Biển Đông dựa trên việc công nhận tư cách pháp lý đảo của các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với việc chấp nhận quy chế pháp lý của đảo, Trung Quốc nhắm tới việc mở rộng vùng chồng lấn giữa EEZ của các đảo sở hữu với EEZ của các quốc gia ven biển, qua đó biến vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp.
Trung Quốc hiện là quốc gia có bằng chứng pháp lý yếu nhất trong các nước đang tranh chấp ở Biển Đông và nhiều khả năng sẽ thất bại nếu các tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết bằng công cụ pháp lý. Vì vậy, việc Trung Quốc kêu gọi các nước trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình chỉ là để xây dựng niềm tin trong dư luận quốc tế và có thể kéo dài thời gian chờ cơ hội thích hợp, trong khi vẫn âm thầm triển khai chính sách “gặm nhấm” các vùng chủ quyền của các nước xung quanh. Vì lẽ đó, khi chiêu bài “luật pháp quốc tế” được đưa ra sẽ khiến Trung Quốc (ít nhất) phải trình bày quan điểm chính thức của mình.Quan trọng hơn, Việt Nam có thể thiết lập một liên minh pháp lý với Philippines trong bối cảnh lý lẽ của cả hai nước là vững vàng và thuyết phục hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Một khi Manila đã đưa ra được cách diễn giải về điều 121 khoản 3 về quan điểm đảo – đá để bác lại đường “9 đoạn của Trung Quốc”, nước này hoặc phải đi vào chi tiết địa lý từng đặc điểm tự nhiên của các đảo mình sở hữu để “đôi công” với phía Bắc Kinh, hoặc là tương đồng với Việt Nam và Malaysia – phải phủ định hoàn toàn về khả năng xem khu vực Trường Sa thỏa mãn điều kiện đảo theo UNCLOS.
Từ đồng thuận dựa trên quan điểm pháp lý, liên minh pháp lý Việt Nam – Malaysia – Philippines có thể bắt đầu kế hoạch “chờ thời” của riêng mình. Khác với Trung Quốc “chờ thời” vì không đủ lý lẽ, để mua thời gian, để mạnh về lực, về hải quân hay về khả năng chèn ép; Việt Nam và ASEAN cần “chờ thời” vì hoàn toàn có đủ những chứng cứ pháp lý thuyết phục cho các lập luận, tuy nhiên lại không muốn giải quyết vấn đề bằng cơ chế vũ trang. Thông qua các cơ chế đồng thuận từ nội khối ASEAN đến tìm kiếm sựủng hộ của cộng đồng thế giới bên ngoài, thông điệp của chúng ta hết sức rõ ràng: dùng luật chứ không xài nắm đấm; sức mạnh mà không có lý lẽ chỉ còn là bá đạo.
Nguyễn Chính Tâm