Vẫn biết đó là một hành trình khó khăn, thế nhưng vượt qua được những khó khăn đó thì kết quả thật ngọt ngào.
Chỉ sau khi ngừng hút, cơ thể người hút thuốc sẽ trải qua những biến đổi cực kỳ tích cực. Chỉ 20 phút sau khi bỏ thuốc, huyết áp và mạch đập sẽ trở về bình thường, nhiệt độ tay chân tăng lên đến mức bình thường. Sau 8 giờ, mức CO và O2 trong máu cũng trở về trạng thái lý tưởng. Sau một năm cai thuốc, nguy cơ tắc động mạch vành sẽ giảm một nửa so với người hút thuốc. Nguy cơ tử vong do ung thư phổi sẽ giảm một nửa sau năm năm. Lúc này, nguy cơ đột quỵ ở người đã cai thuốc chỉ còn tương đương với người không hút.
Những thay đổi tích cực về sức khỏe của việc cai thuốc lá đã cực kỳ rõ ràng. Thế nhưng để có được kết quả đó là cả một quá trình dài đấu tranh của những người hút thuốc lá với những biến đổi của tâm lý cũng như cơ thể mà người ngoài khó có thể hiểu được.
1. Khó tập trung
Đầu tiên đó chính là cảm giác đầu bồng bềnh, khó tập trung,… Do cơ thể bạn đã quen với việc cung cấp một lượng lớn nicotine, thế nên khi bạn ngưng hút thuốc lá cũng đồng nghĩa với việc cắt nguồn cung cấp nicotine. Đó có thể là nguyên nhân cho chuyện này. Chính vì thế khi bạn gặp phải hiện tượng trên cũng đừng quá ép bản thân mình tập trung vào công việc. Hãy thư giãn một chút, nghỉ giải lao, nghe một vài bản nhạc để đầu óc cũng như cơ thể được sảng khoái hơn mới tiếp tục công việc
2. Ho
Sau khi ngừng hút thuốc, bạn sẽ bắt đầu ho. Đừng lo lắng, vì đây chỉ là phản xạ tự làm sạch của phổi. Hệ thống lông mao bắt đầu làm việc trở lại để đẩy đờm từ những phế quản nhỏ lên các phế quản lớn rồi được ho khạc ra ngoài. Để giải quyết việc này, bạn có thể nhấp từng ngụm nước ấm để làm giảm ho. Sau 1-2 tuần, triệu chứng này sẽ tự hết.
3. Dễ cáu kỉnh, nóng giận vô cớ
Vì vừa phải đối mặt với cơn thèm thuốc, vừa phải đấu tranh tâm lý chống lại hàng loạt lời mời mọc. Thêm vào đó lại là sự sụt giảm nicotine trong máu thế nên người thèm thuốc rất dễ bị stress, cáu kỉnh, nóng giận vô cớ. Bạn có thể tham gia thể dục thể thao, các hoạt động ngoài trời, tắm nước ấm, trò chuyện với người khác để lấy lại cân bằng cho tâm trí. Những người có người thân đang cai thuốc lá cũng nên hiểu cho sự thay đổi tâm lý của những người cai thuốc lá để thông cảm với họ. Đừng quá khắt khe, khó tính với họ trong giai đoạn này, tránh tạo thêm áp lực cho những người cai thuốc.
4. Dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực
Hút thuốc lá cung cấp nicotine cho cơ thể. Nicotine kích thích tế bào não khiến bạn có cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Chính vì thế nhiều người nghiện thuốc lá thường hút thuốc vào những lúc buồn rầu, stress để tìm lại cảm xúc vui tươi cho mình. Việc cung cấp nicotine bằng thuốc lá sẽ khiến cho cơ thể bạn quen với việc này và nếu bạn cắt nguồn cung đột ngột, cơ thể sẽ chưa thể thích ứng được với sự thay đổi đó mà sản xuất đủ các chất hưng phấn thay thế nicotine. Chính vì thế trong giai đoạn đầu của việc cai thuốc lá bạn sẽ rất dễ cảm thấy buồn rầu, mệt mỏi, trì trệ. Tình trạng này sẽ được điều chỉnh dần do cơ thể đã có đủ khả năng sản xuất các chất gây hưng phấn.
Để hạn chế các cảm xúc tiêu cực, bạn có thể xem phim hài, tập thể thao, tham gia nhiều các hoạt động xã hội,…
5. Khó ngủ
Khó ngủ cũng là triệu chứng thường gặp, do bộ não của bạn đang học cách làm việc không có nicotine. Nên ngâm mình trong nước ấm, uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ; có thể đọc cái gì đó hoặc nghe nhạc.
6. Tăng cân nhanh
Triệu chứng làm nhiều người lo ngại nhất khi cai thuốc chính là tăng cân. Bạn sẽ nhanh đói bụng hơn vì chuyển hóa trong cơ thể đang trở lại bình thường; nhiều khi còn coi việc ăn uống là giải pháp “lấp chỗ trống” khi có cơn thèm thuốc. Để tránh tăng cân, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ với thực phẩm ít năng lượng như cà rốt, quả mận…, uống thật nhiều nước và tập luyện nhiều hơn.
Thông thường việc bỏ thuốc có thể làm tăng khoảng 2kg, nhưng không phải ai cũng béo lên. Ngay cả khi điều này xảy ra, bạn cũng đừng ngần ngại vì cái lợi mà bạn có khi từ bỏ được thuốc lá sẽ lớn hơn rất nhiều chút phiền toái về cân nặng mà bạn có thể dễ dàng khắc phục.
Nhiều người đã vượt qua tất cả những điều này và cai thuốc lá thành công, còn bạn thì sao?
– Theo Khỏe +