Có một điều khiến tôi vô cùng nhớ cuộc sống ở Anh, đó là xem bóng đá trực tiếp. Bóng đá vốn nằm trong máu của người Anh. Vì vậy tôi cần tìm cho mình một phương án thay thế chứ không thể từ bỏ sự say mê này. Khi chuyển đến sống ở Sài Gòn, tôi đi tìm một đội bóng mới để dõi theo bởi đội bóng yêu quý Motherwell nay đã cách xa tôi 10.000km. Mà tôi thì chẳng có máy bay riêng. Tìm kiếm một đội bóng mới để hâm mộ không dễ như bạn nghĩ. Việc này cũng giống như mua một đôi giày với vô số các tiêu chí như: cần phải phù hợp, thoải mái, đủ bền để chịu được tần suất sử dụng nhiều,…Sau khi đã lựa chọn, bạn cần trung thành với đội bóng của mình dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.Đây là một quyết định quan trọng trong cuộc sống của bạn và sau khi quyết rồi, bạn không thể quay đầu lại.Có ba đội bóng ở Sài Gòn.Tôi phải chọn một. Ban đầu tôi nhắm đội Navibank Sài Gòn trong giải V-League. Nhưng rồi tôi cân nhắc lại và cuối cùng cũng tìm thấy đội bóng phù hợp với sự say mê của mình. Đó là đội Sài Gòn Xuân Thành.Tôi thích họ thậm chí ngay cả khi họ chọn áo màu da cam.Lần đầu tiên tôi cùng hai người bạn Scotland của mình đi xem đội này thi đấu, họ đã chiến thắng 4-2.Mọi việc xem như đã được quyết định.
Những người hâm mộ bóng đá Sài Gòn quả thật may mắn bởi họ có ba đội để chọn, vì vậy mỗi tuần họ đều chắc chắn sẽ có ít nhất một trận đấu để xem ở sân vận động Thống Nhất, với 20.000 chỗ chứa. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là lý do giải thích cho việc mặt sân vận động này quá kinh khủng.
Tôi nhận thấy một điều thú vị ở Việt Nam, đó là người Việt Nam rất thích tập thể dục chứ không lười biếng như người phương Tây. Họ chơi các môn thể thao phù hợp với vóc dáng bé nhỏ của mình. Vào các công viên trong thành phố, bạn sẽ thấy rất nhiều người đến tập thể dục, hoặc họ đến học khiêu vũ, học võ, chơi cầu lông, chạy bộ, đá bóng và đá cầu. Trong đó, bóng đá là môn thể thao sôi nổi và đam mê nhất.Hàng ngàn đứa trẻ trên khắp Việt Nam chơi trò đá bóng ở tất cả mọi nơi có thể biến thành sân bóng.Nhưng điều đáng tiếc là các cầu thủ nhí này chưa được phát hiện và đầu tư đúng mức để trở thành những cầu thủ giỏi chơi cho các giải tầm cỡ thế giới, ví dụ như giải ngoại hạng Anh chẳng hạn.
Ai yêu thích bóng đá đều biết rằng đào tạo cầu thủ từ khi họ còn nhỏ mới mong tạo ra được sự khác biệt. Nếu các tài năng nhỏ này được phát hiện sớm, có chế độ tập luyện hợp lý trong những điều kiện tốt thì mới có thể xuất hiện những ngôi sao và vị trí thấp hạng của Việt Nam trong nền bóng đá thế giới mới có khả năng thay đổi.
Ở Sài Gòn sân bóng đá lớn không nhiều.Tôi chỉ thấy có các sân nhỏ dành cho đội hình năm người.Các sân này đều ổn, nhưng chưa đủ để đào tạo các cầu thủ chuyên nghiệp.Muốn phát triển bóng đá, cơ sở hạ tầng cần được quan tâm hợp lý. Điều này sẽ đòi hỏi người ta phải bỏ ra nhiều tiền để đầu tư. Nhưng ở châu Á vẫn phổ biến một câu thành ngữ: Không có tiền làm sao có mật! Không có tiền đầu tư thì không có cầu thủ giỏi – đó là một thực tế.Ngay cả khi chịu khó đầu tư, thành quả bóng đá vẫn chưa thể gặt hái ngay lập tức mà cần có thời gian. Tuy nhiên, dù thế nào Việt Nam cũng cần chăm lo cho những năng khiếu nhỏ tuổi trong lĩnh vực bóng đá bằng cách mở các trường dạy đá bóng chuyên nghiệp và thuê những huấn luyện viên giỏi nhất. Hy vọng trong thập niên tới, Việt Nam có thể ghi dấu ấn trên sân cỏ thế giới.
Derek Milroy
Lê Tâm dịch