Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến vùng phi quân sự chia cắt hai nước diễn ra ngày 27-4 sau một thời gian căng thẳng với các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là sự kiện lịch sử, là diễn biến tích cực đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù vẫn còn nhiều ẩn số đến nay chưa có lời giải.
Đi ngược dòng thời gian, đây là lần gặp thứ ba giữa lãnh đạo hai nước Nam Bắc Triều Tiên.
Lần đầu tiên vào năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc lúc ấy là Kim Dae-jung đã tới Bình Nhưỡng để hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-il, nhưng ông đi bằng máy bay. Tổng thống Kim Dae-jung là người đã đoạt giải Nobel Hòa bình vì chính sách Ánh Dương có nội dung tái lập mối quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Kể từ sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-il và ông Kim Dae-jung, nhiều đường tàu, đường bộ nối liền hai miền được xây dựng. Các gia đình sống ở hai miền được đoàn tụ.
Tuy nhiên, sau đó nhiều lời hứa giữa hai nhà lãnh đạo bị lãng quên, trong đó có việc cắt giảm quân sự tại khu vực phi quân sự. Vì vậy, khu vực biên giới giữa hai nước vẫn ở trong tình trạng căng thẳng.
Lần thứ hai vào ngày 2-10-2007, bán đảo Triều Tiên chứng kiến giây phút lịch sử đầy cảm xúc khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đi bộ qua biên giới hai nước, rồi đi ôtô tới Bình Nhưỡng gặp lãnh đạo Kim Jong-il trong một Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều.
Đó là giây phút lịch sử đáng nhớ của người dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong bối cảnh ấy, hai bên mong muốn cuộc gặp sẽ mở ra hy vọng thống nhất hai miền Nam Bắc.
Khi Tổng thống Roh đến Bình Nhưỡng, ông được nhà lãnh đạo Kim Jong-il đón tiếp. Tại thời điểm đó, ông Kim hứa sẽ đến Seoul nhưng lời hứa đó không bao giờ trở thành sự thật.
Chúng ta đều biết chiến tranh nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào năm 1950, làm nhiều người dân ở cả hai phía thiệt mạng. Cuộc chiến chấm dứt vào ngày 27-7-1953 bằng thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là hiệp ước hòa bình. Từ đó đến nay, hai bên luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều cuộc đụng độ quy mô nhỏ đã xảy ra tại khu vực phi quân sự chia cắt hai nước.
Trở lại cuộc gặp lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên, đó là những hình ảnh thắm tình anh em với những trao đổi vượt ra ngoài ngôn ngữ ngoại giao, những nụ cười cởi mở, những gắn bó của hai đệ nhất phu nhân… Và cuối cùng là một Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều.
Phần mở đầu của tuyên bố này nói rõ: Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân Triều Tiên, Tổng thống Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) Kim Jong-un đã họp thượng đỉnh Liên Triều tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Ðiếm ngày 27-4-2018.
Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.
Lãnh đạo hai nước cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời chiến tranh lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ Liên Triều.
Một vài nội dung cụ thể như Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất bằng việc tạo dựng mối quan hệ Liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ Liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – những nguyên nhân đã gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý biến Khu phi quân sự (DMZ) thành Khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự, bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch.
Theo Reuters, sau khi đọc xong tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon đã bật khóc vì vui mừng.
Ít ai biết rằng người đàn ông 64 tuổi lau những giọt nước mắt hạnh phúc đã có quá trình dài cố gắng thúc đẩy đàm phán giữa hai miền và cũng là người thiết kế tất cả ba cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều từ trước đến nay.
Gần 18 năm sau khi quan chức tình báo này đến Bình Nhưỡng để thuyết phục cố lãnh đạo Kim Jong-il tổ chức hội nghị Liên Triều đầu tiên vào năm 2000, giờ đây ông lại chứng kiến ông Kim Jong-un, con trai cố lãnh đạo Kim, cam kết hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai miền hôm 27-4 diễn ra chưa đầy một năm sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức và lập tức bổ nhiệm ông Suh làm giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, chức vụ ông từng giữ trước năm 2008.
Khi đó, ông Moon nói rằng ông Suh chính là người có thể khôi phục lại quan hệ Liên Triều đang căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân.
Ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc từng đến Bình Nhưỡng vào năm 2003 trong vai trò đặc phái viên của Tổng thống Roh Moo-hyun, nhận định rằng ông Suh là “nhà đàm phán số một”.
Ông Suh từng có thời gian sống hai năm ở Triều Tiên khi tham gia xây một lò phản ứng hạt nhân theo thỏa thuận quốc tế năm 1994 về việc đình chỉ các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên thỏa thuận này sau đó bị đổ vỡ.
“Ông ấy biết rõ mọi đường đi nước bước và được ông Moon chỉ đạo đường lối rất rõ ràng”, chuyên gia về Triều Tiên John Delury tại Đại học Yonsei ở Seoul nhận xét như vậy.
Trong lần gần đây nhất, ông Suh cùng chín quan chức đến Bình Nhưỡng và là một trong những quan chức Hàn Quốc đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2011.
Tại cuộc gặp này, ông Kim không chỉ đồng ý gặp ông Moon mà còn khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Suh cũng chính là người sắp xếp chuyến đi của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Mike Pompeo đến gặp ông Kim từ ngày 3-3 đến 2-4 nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Về mặt không khí và hình ảnh trong mắt công chúng thì cuộc gặp thượng đỉnh này được nhìn nhận là thành công – cả ông Victor Cha, Giám đốc Chương trình Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington – Hoa Kỳ, và ông Harry Sa, nhà phân tích cao cấp thuộc Chương trình Hoa Kỳ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, đều có cùng nhận định.
Trong bài viết trên tạp chí Diplomat với tiêu đề: “Sau cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim: đã đến lúc hy vọng?”, ông Harry Sa nhận định rằng sự thân thiện và mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo của hai quốc gia thù địch đã “vượt quá sự mong đợi”, cuộc gặp đã có nhiều khoảnh khắc khó quên và những bức ảnh lịch sử. Điều này đã làm cho cả thế giới phấn khởi với tinh thần tích cực và lạc quan.
Còn ông Victor Cha, trong bài viết trên CSIS cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới “làm nguội căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên một cách đáng kể”, giúp cho Washington và Bình Nhưỡng tránh được viễn cảnh xung đột mà hai nước đã hướng đến cho tới cuối năm 2017, sau 20 lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Triều Tiên nếm mùi “hỏa thịnh nộ”.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần này có ba ý nghĩa quan trọng.
Trước tiên, hai nhà lãnh đạo đã chuyển đi thông điệp hòa giải và hòa bình. Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng lên thời gian gần đây, cuộc gặp này chính thức khẳng định tình hình đã hạ nhiệt.
Thứ hai, cuộc gặp đã mở ra một chương mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Dù chưa có cơ sở đánh giá trang sử mới này sẽ như thế nào, nhưng thượng đỉnh Liên Triều lần này thực sự đã mở ra một bước ngoặt trong quan hệ hai miền và điều này tốt cho hòa bình khu vực.
Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo đã chuyển đi thông điệp cho các nước lớn rằng vấn đề Triều Tiên trước hết phải do người Triều Tiên giải quyết.
Cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump lẽ ra phải diễn ra trước cuộc gặp giữa lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên nhưng điều đó đã không xảy ra bởi dù Mỹ là một đồng minh và có sự hiện diện chính trị lẫn quân sự lâu dài ở Hàn Quốc, họ vẫn là một nước bên ngoài.
Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng góp phần xoa dịu căng thẳng mối quan hệ ba bên Triều – Mỹ – Hàn, qua đó giúp xây dựng lòng tin, đối thoại và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc để tiến tới hòa bình lâu dài.
Ngoài ra, cuộc gặp lần này có một bước tiến mới so với hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên là có thể mang đến một nền hòa bình lâu dài.
Tuyên bố chung chiều 27-4 của lãnh đạo Hàn – Triều khẳng định nhất trí chấm dứt tình trạng chiến tranh ngay trong năm 2018, đây là bước tiến mới vô cùng ý nghĩa, bởi trong hơn 65 năm qua trên bán đảo Triều Tiên chỉ có hiệp định đình chiến – chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
– Tổng hợp