Thủ thuật nội soi tiêu hóa (tên gọi chung của nội soi dạ dày – tá tràng – ruột non – ruột già), từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn đưa ống soi từ miệng xuống các bộ phận khác của ống tiêu hóa đã để lại nỗi ám ảnh trong đa số bệnh nhân vì đau đớn, buồn nôn.
Mới đây, hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa mới là đưa ống soi qua đường mũi và sử dụng viên nang xuất hiện, rất được hoan nghênh vì có thể giúp giảm thiểu đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Các kỹ thuật mới này có thể thay thế hoàn toàn cho kỹ thuật nội soi cũ hay không? Liệu có thể sử dụng một kỹ thuật nào khác để tìm bệnh thay thế cho việc nội soi? Buổi trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường, hội viên Hội Tiêu hóa – Gan mật Hoa Kỳ, Giám đốc phòng khám Victoria Healthcare, sẽ giúp giải tỏa những thắc mắc trên.
Nhiều người cho rằng thủ thuật nội soi qua đường miệng giống như một sự tra tấn bệnh nhân vậy. Có cách nào giúp nhằm giảm thiểu đau đớn trong quá trình nội soi không, thưa bác sĩ?
Thật ra, bệnh nhân làm nội soi có bị “tra tấn” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người bác sĩ. Thủ thuật nội soi, ngay từ ban đầu, đã được khẳng định sẽ gây khó chịu cho bệnh nhân vì đưa ống soi từ miệng xuống thực quản, dạ dày, ruột khó tránh cảm giác trào ngược. Nhưng cảm giác nhiều hay ít phụ thuộc vào kỹ thuật của bác sĩ nội soi, nếu bác sĩ thao tác không đúng kỹ thuật và mạnh tay, gây va chạm mạnh vào thành ống tiêu hóa sẽ làm tăng khó chịu cho bệnh nhân. Để giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, trước khi thực hiện nội soi, bác sĩ cần có thời gian trò chuyện, giải thích và hướng dẫn họ cách họ làm sạch đường tiêu hóa ở nhà trước khi đến bệnh viện nội soi thay vì phải thụt tháo đối với nội soi đại tràng.
Ở các nước phát triển như Mỹ, Singapore…, bác sĩ đều cho bệnh nhân được ngủ (không nhất thiết phải gây mê) trong khi soi để giảm cảm giác khó chịu, chỉ khi bệnh nhân đồng ý và hợp tác thì mới soi sống (soi khi còn thức). Trong trường hợp cả bác sĩ và bệnh nhân cùng căng thẳng, gồng mình hoặc bác sĩ cầm ống sai tư thế, lắc đẩy ống soi quá mạnh thì chắc chắn bệnh nhân sẽ bị đau đớn.
Những tiến bộ trong kỹ thuật nội soi tiêu hóa mới đây gồm nội soi qua đường mũi và sử dụng viên nang thật sự đã giúp người bệnh an tâm hơn nhiều. Liệu kỹ thuật mới có thể thay thế hoàn toàn kỹ thuật cũ không?
Nội soi tiêu hóa qua đường mũi hoặc dùng viên thuốc chụp hình ống tiêu hóa được xem là kỹ thuật mới ở nước ta nhưng đã áp dụng từ hơn mười năm trước ở các nước phát triển. Để nội soi qua đường mũi thì ống soi phải rất nhỏ. Do đó, khi phát hiện ra thương tổn thì không thể đưa dụng cụ theo đường ống để vào xử lý. Không lẽ lại phải tiếp tục tiến hành nội soi qua đường miệng? Viên nang muốn đi hết đường tiêu hóa cần đến tám giờ, bác sĩ khó có thể dành một ngày làm việc chỉ để kiểm tra cho một bệnh nhân.
Trong hệ tiêu hóa, ruột non thường cuộn lại, lại có thành mỏng, rất khó sử dụng ống soi vì không có điểm tựa để đẩy ống đi. Do đó, nội soi bằng viên nang chỉ sử dụng để khảo sát các vấn đề tiêu hóa (thường là chảy máu tiêu hóa ở ruột non), sau khi nội soi dạ dày và ruột già không tìm ra được nguyên nhân của bệnh. Quá trình nội soi này thường kéo dài khoảng 2-3 tiếng, bỏ qua thời gian viên nang từ miệng xuống dạ dày và đi hết đoạn ruột già. Vả lại, giá viên nang nội soi rất cao, khoảng 11-12 triệu đồng/viên, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân không nên lạm dụng thủ thuật này trong việc tìm kiếm triệu chứng bệnh ngoài ruột non.
Theo tôi, máy móc không phải là yếu tố tiên quyết trong điều trị bệnh. Trên thực tế, sau nhiều năm, máy nội soi không thay đổi nhiều, chỉ tăng cường độ ánh sáng độ phân giải nhằm nhìn rõ hơn tổn thương ở mô và sinh thiết. Điều quan trọng nhất, quyết định đến 90% hiệu quả phục vụ bệnh nhân, là kiến thức, tay nghề và cái tâm của người bác sĩ. Có lẽ, người bác sĩ trước khi được đào tạo về kiến thức y khoa, phải được đào tạo để tôn trọng bệnh nhân.
Trong tình trạng bệnh viện quá tải như hiện nay, số lượng bệnh nhân mà bác sĩ buộc phải phục vụ mỗi ngày quá đông. Vì thế, người bác sĩ thay vì thể hiện sự quan tâm, chia sẻ bằng cách dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu từng bệnh nhân thì họ phải làm việc một cách nhanh chóng để giải quyết nhanh số lượng bệnh nhân đang chờ đợi, trong thủ thuật nội soi cũng không ngoại lệ. Có lẽ quá tải là nguyên nhân của việc nội soi gây đau đớn như hiện nay.
Hẳn tình trạng quá tải cũng sẽ gây ra tình trạng kém vệ sinh trong nội soi?
Đúng vậy. Dụng cụ nội soi gồm một hệ thống máy móc hình tháp và ống soi. Riêng giá một ống soi từ 200-240 triệu đồng (10.000-12.000 USD) nên không thể chỉ dùng một lần. Điều quan trọng nhất là việc vệ sinh ống nội soi như thế nào. Bệnh viện ở các nước tiên tiến đã có máy rửa tự động. Bệnh viện ở nước ta chỉ vệ sinh ống rửa bằng tay và các loại thuốc khử trùng. Theo đúng quy định, chương trình ngâm rửa sát trùng, lau, sấy cần ít nhất 30 phút. Giả sử bác sĩ thực hiện nội soi trong thời gian ngắn nhất là 10 phút thì với một ống soi, bác sĩ chỉ có thể phục vụ tối đa sáu người mỗi buổi sáng. Song rất nhiều bệnh viện chỉ với hai ống soi vẫn có thể phục vụ cho khoảng 30 bệnh nhân trong một buổi sáng. Vấn đề vệ sinh chắc chắn không thể đảm bảo.
Dù vậy, việc nội soi cũng rất cần thiết vì nhờ thủ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương trực tiếp được truyền tải qua camera, đồng thời có thể đưa dụng cụ vào xử lý các tổn thương như điều trị viêm, loét dạ dày, gắp sỏi trong mật – tụy, cắt polyp (u lành) trong ruột già… Một giáo sư bác sĩ ởSingaporecòn sáng tạo ra một dụng cụ như chiếc càng cua, có khả năng kẹp và đốt khối ung thư dạ dày giai đoạn mới. Hiện nay, ở Việt Nam đã có kỹ thuật nội soi siêu âm (EUS), nghĩa là một đầu dò siêu âm gắn kèm vào đầu ống soi giúp siêu âm dạ dày, ruột.
Như vậy, việc nội soi là rất cần thiết để phát hiện sớm các thương tổn trong dạ dày, đường ruột?
Hoàn toàn đúng, đặc biệt là tầm soát ung thư ruột già từ việc tầm soát polyp (u lành trong ruột già) vì tỷ lệ ung thư ruột già phát triển từ polyp khoảng 80 – 90%. Ở nam giới, tỷ lệ ung thư ruột già đứng thứ ba sau ung thư phổi và tuyến tiền liệt. Ở nữ giới, tỷ lệ ung thư này chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung và ung thư ngực. Những người nên đi nội soi để tầm soát ung thư ruột già là người từ 50 trở lên hoặc người 40 tuổi nếu trong gia đình có tiền sử ung thư ruột già.
Việc tầm soát polyp rất quan trọng để tránh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, vậy phải chăng người từ 50 tuổi trở lên nên nội soi mỗi năm một lần?
Nội soi lần đầu không phát hiện polyp thì mười năm mới phải soi lại, nếu phát hiện ra polyp thì tùy kết quả giải phẫu bệnh của polyp việc nội soi kiểm tra lại sẽ thực hiện trung bình sau 2-3 năm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, việc nội soi mỗi năm với nội soi 3 năm/lần sau khi cắt polyp không có sự khác biệt trong việc phát hiện sớm hơn các polyp cũng như sự phát triển của ung thư. Do đó, một số bác sĩ khẳng định nên nội soi một lần/năm, tôi cho là không cần thiết.
Không có chỉ định nào quy định, khám sức khỏe tổng quát nghĩa là phải nội soi tiêu hóa. Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật, cần có chỉ định của bác sĩ chứ không tự ý thực hiện. Soi dạ dày thường được thực hiện đối với bệnh nhân trên 40 tuổi, thời gian bị đau bụng, khó tiêu, sụt cân, ợ chua… kéo dài trên hai tuần. Nội soi dạ dày nhằm chẩn đoán H.Pylori, tầm soát ung thư dạ dày, phát hiện loét dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản và các bệnh lý khác của thực quản dạ dày.
Cũng không cần nội soi dạ dày hằng năm để phát hiện sớm ung thư. Nhân tiện tôi cũng muốn đề cập vấn đề tìm và diệt vi trùng H.Pylori ở dạ dày. Vi trùng H.Pylori là nguyên nhân có thể gây loét, ung thư dạ dày, phải dùng nội soi dạ dày chứ không thể dùng xét nghiệm máu để phát hiện. Tuy nhiên, không phải ai có loại vi trùng này cũng sẽ bị loét và ung thư dạ dày. Việc điều trị H.Pylori rất tốn kém và dễ bị kháng thuốc nên việc tìm và diệt nó chỉ thực hiện đối với những bệnh nhân có các triệu chứng của dạ dày kéo dài trên hai tuần (như đã kể trên).
Tóm lại theo tôi nội soi tiêu hóa là một phương tiện rất tốt để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Để giảm bớt cảm giác khó chịu khi nội soi, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ trước khi nội soi, bác sĩ phải thao tác đúng kỹ thuật, bệnh nhân nên được cho ngủ để giảm bớt căng thẳng và đặc biệt, ống soi phải đảm bảo vệ sinh. Muốn được như thế chúng ta phải giảm tải nội soi bằng việc bác sĩ nên đưa ra chỉ định nội soi đúng đối tượng, đúng thời gian.
Xin cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
_______
Những địa chỉ thực hiện nội soi tiêu hóa:
– Phòng khám Victoria Healthcare, 135A Nguyễn Văn Trỗi, P.12, Q. Phú Nhuận; 79 Điện Biên Phủ, P. Đakao, Q.1, TP.HCM
– Bệnh viện Đại học Y Dược, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM
– Bệnh viên Chợ Rẫy, 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM
– Bệnh viện Bình Dân, 371 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM
_______