Nếu lạm phát được kiểm soát thấp hơn mức năm 2012, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục điều hành theo hướng giảm. Điểm đặc biệt và cũng là nét tích cực của việc điều hành linh hoạt ở chỗ dù vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi để ổn định mặt bằng lãi suất, nhưng Ngân hàng Nhà nước để ngỏ việc bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện một cách vững chắc. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý cho các mục đích hỗ trợ thanh khoản, phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình giải quyết nợ xấu và thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về mức tăng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng, đã có một sự tăng tốc bất ngờ vào cuối năm 2012, giúp tỷ lệ này đạt khoảng 8,91% (ước tính trước đó chỉ khoảng dưới 7%). Dù vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó mức tăng ở một số lĩnh vực, nhóm đối tượng ưu tiên không cao, chẳng hạn nông nghiệp nông thôn chỉ tăng khoảng 8%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%, chỉ có khu vực xuất khẩu tăng khá (khoảng 14%). Nếu tính cả hai kênh tín dụng và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, hệ thống các tổ chức tín dụng đã cung ứng vào nền kinh tế tương đương mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13,91% trong năm 2012.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng ở khoảng 12% nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích, đồng thời tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm.
Điểm thuận lợi trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước là tiền nhàn rỗi trong khu vực dân cư được dự báo vẫn sẽ đổ vào hệ thống ngân hàng cho dù lãi suất huy động tiền gửi đã giảm gần một nửa trong năm 2012 (từ 14%/năm xuống còn 8%/năm). Đây là tiền đề để các ngân hàng thương mại có thể mạnh tay cung cấp vốn vay giá rẻ cho nền kinh tế. Không những thế, điều này còn giúp Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay mà không sợ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản do lượng tiền gửi giảm sút. Trong tình huống xấu nhất, khi tiền từ khu vực dân cư không chảy vào ngân hàng nữa do lãi suất tiền gửi không đủ sức hút mà đổ trực tiếp vào khu vực sản xuất kinh doanh, thì nền kinh tế vẫn được lợi, do mặc nhiên được tiếp nhận thêm nguồn vốn giá rẻ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, lãi vốn càng thấp chừng nào càng tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh chừng ấy. Các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung rất khó chịu nổi lãi suất cao như một năm trước đây.
Minh Hằng