Được cả dòng tiền lẫn điểm số
Nằm ngoài mong đợi, dòng tiền đã chảy mạnh trên cả hai sàn giao dịch từ ngày 7 đến 11-1.Trên HoSE giá trị giao dịch không phiên nào dưới 1.000 tỉ đồng, cá biệt có phiên lên đến 1.900 tỉ đồng (bao gồm cả thỏa thuận). Trên HNX, giao dịch cũng khởi sắc với giá trị bình quân hơn 600 tỉ đồng/phiên. Tám phiên tăng liên tiếp từ đầu năm cho đến ngày 11-1 đã kéo dài chuỗi tăng điểm của VN-Index lên 13 phiên.Tính từ đầu năm, VN-Index đã tăng 11,84%; HNX-Index tăng 6%. Khối ngoại cũng đã có 14 phiên liên tiếp mua ròng trên HoSE và 13 phiên liên tiếp mua ròng trên sàn Hà Nội, với tổng giá trị mua ròng sau 14 phiên là gần 2.540 tỉ đồng. Có thể nói góp phần không nhỏ cho sức mạnh của dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong những ngày qua đến từ khối nhà đầu tư ngoại.Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn khá cẩn trọng, điều này thể hiện ở việc mức độ margin tăng khá chậm.
Thị trường chứng khoán khởi sắc bởi nhiều yếu tố, trong đó có tác động từ các chính sách mới được chính thức áp dụng từ tháng 1-2013.Những nỗ lực của cơ quan quản lý đã được thể hiện qua những kết quả cụ thể. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2013, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho biết, Bộ Tài chính đã chấp thuận và ký ban hành một số giải pháp về thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Theo đó, việc nới tỷ lệ margin lên 50-50 sẽ được áp dụng từ 1-2-2013; việc miễn giảm phí lưu ký (khoảng 20%) trong năm 2013 cũng đã được Bộ Tài chính chấp thuận. Quan trọng và tác động mạnh đến “phong vũ biểu của nền kinh tế” là các chính sách của Chính phủ đưa ra từ cuối năm 2012 đến nay đã thể hiện quyết tâm bình ổn và tạo đà tăng trưởng cho kinh tế vĩ mô.
Lại lo điều chỉnh
Đóng cửa phiên giao dịch 11-1, thị trường có dấu hiệu đảo chiều và bị bán mạnh tại nhóm blue-chip khi chỉ số VN30-Index giảm 0,08 điểm sau 12 phiên tăng liên tiếp, trong khi VN-Index tiếp tục tăng. Có 13 trong số 30 cổ phiếu thuộc VN30 giảm giá. Lại có nhà đầu tư phải nếm trải cảm giác “cay đắng” khi mua cổ phiếu BVH tại mức giá 50.500 đồng đầu phiên và mất luôn 7% vào cuối phiên khi BVH đóng cửa giảm 1.700 đồng xuống 47.000 đồng. BVH là cổ phiếu rất được chú ý trong những ngày qua bởi mức tăng trên 100% trong vòng một tháng. Không chỉ có BVH, nhiều blue-chip khác cũng thiếu lực, làm dấy lên sự lo ngại về khả năng điều chỉnh của thị trường.
Đến thời điểm này, nhiều người đã cảm thấy rất khó khăn để đi đến quyết định mua vào bởi nhiều cổ phiếu có mức tăng 30 – 40%, thậm chí có những mã đã tăng cả 100% như BVH. Đánh giá về phiên giao dịch 11-1, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường có đặc điểm của một quá trình phân phối đỉnh và những thông tin tích cực về mặt chính sách đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến thị trường trong nhịp tăng điểm vừa qua.
Sự điều chỉnh của thị trường không phải là hiện tượng xấu.Đây là phép thử độ mạnh của thị trường, của dòng tiền.Thị trường điều chỉnh cũng là cơ hội tốt để nhà đầu tư nhập cuộc.Vả lại, mức tăng có được trong những ngày qua cũng đã vượt quá mọi sự kỳ vọng, thậm chí đến ngưỡng khá nóng.Thị trường cần có nhịp “hồi” để quan sát, đánh giá kết quả kinh doanh quý IV-2012 của doanh nghiệp sẽ được công bố. Những con số về kết quả sản xuất, kinh doanh chính là cơ sở tạo nên sự phân hóa giữa các cổ phiếu, nhóm ngành nghề. Câu hỏi đặt ra là liệu thị trường sẽ điều chỉnh thế nào, giảm nhẹ nhàng để tiếp tục đi lên hay giảm mạnh và tạo nên những pha gay cấn, đau tim cho cả người “lên tàu” và kẻ “xuống tàu”; hay giảm để rồi “lững lờ như cá vàng”, nếu như dòng tiền lại chọn giải pháp đứng ngoài? Về việc điều chỉnh tăng biên độ giao dịch trên cả hai sàn chính thức áp dụng từ ngày 15-1, nhiều công ty chứng khoán cũng như nhà đầu tư đều rất thận trọng bởi tính “hai mặt”, khả năng rủi ro cũng sẽ trở nên lớn hơn với nhà đầu tư.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 14-1, sự lo lắng của nhà đầu tư từ phiên giao dịch cuối tuần trước đã trở thành hiện thực. Mặc dù trên cả hai sàn đều xuất hiện sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn, trên HoSE là GAS và trên HNX là PVX, nhưng thị trường vẫn suy yếu trước áp lực xả hàng. Một số cổ phiếu tăng trần như PVF, cặp đôi ITA và KBC đã không giúp được nhiều khi VNM giảm mạnh.Phiên này sức mua của nhà đầu tư nước ngoài cũng không lớn.Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index giảm xuống còn 458,97 điểm. Khối lượng giao dịch cũng suy giảm so với tuần trước với 69,5 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị giao dịch 986,6 tỉ đồng.
Song Hà