Ban tổ chức Giải thưởng Future for Nature Award vừa công bố danh sách ba nhà bảo tồn trẻ tuổi đến từ Mỹ, Thụy Sĩ và Việt Nam sẽ được trao giải thưởng Future for Nature Award 2018, cùng số tiền 50.000 euro. Trang Nguyễn, nhà bảo tồn trẻ tuổi người Việt Nam, vinh dự được trao giải thưởng năm nay.
Vinh danh những nhà bảo tồn thiên nhiên bền bỉ
Dự kiến ngày 20.4 tới, lễ trao giải cho ba nhà hoạt động trẻ sẽ được tổ chức tại vườn thú Royal Burger (Royal Burgers’ Zoo) tại Arnhem, Hà Lan.
Đây là năm thứ 11 giải thưởng được trao. Từ năm 2008, Giải thưởng Future for Nature đã hỗ trợ 30 nhà bảo tồn trên toàn thế giới hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bởi đạt những thành quả nhất định. Ngoài hỗ trợ tài chính, tổ chức còn tạo nền tảng để giới thiệu các công việc và nghiên cứu của người nhận giải cũng như giúp họ kết nối công việc với mạng lưới quốc tế.
Những nhà tài trợ chính cho giải thưởng này gồm các tổ chức, như: Nationale Postcode Loterij, Africa’s Eden, Neele-Vat Logistics và Royal Burgers’ Zoo.
Theo thông tin từ ban tổ chức, 3 người nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn được trao giải năm nay, gồm Adam Miller, 27 tuổi – là một bạn trẻ người Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán chim bất hợp pháp tại đảo Borneo, thuộc Indonesia. Người thứ hai là Trang Nguyễn, 27 tuổi – là một cô gái trẻ đã tạo dựng một phong trào đấu tranh chống lại việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại châu Phi và Châu Á. Đến từ Thụy Sĩ, Geraldine Werhahn, 33 tuổi – là một nhà nghiên cứu đã thực hiện các dự án bảo vệ loài chó sói tại Tibet (Tây Tạng) và Nepal là thành viên thứ 3 được vinh danh năm nay.
“Những cá nhân đặc biệt này hoạt động xuyên biên giới, nhiều khi không ngại những rủi ro tính mạng đối với chính bản thân. Tất cả đều cố gắng thu hút các cộng đồng địa phương tham gia vào dự án của mình, khuyến khích người dân địa phương thay đổi nhận thức (về bảo tồn). Với những cách tiếp cận sáng tạo, họ đã khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động bảo vệ một số khu vực sinh cảnh tự nhiên thành công. Những nơi này này vốn từng bị đe dọa phá hủy”. Đó là nhận định của ban trao giải thưởng năm 2018.
Ngoài vinh danh những thành công của các nhà bảo tồn, ban tổ chức còn dành tặng mỗi người 50.000 euro, ghi nhận những nỗ lực không ngơi nghỉ của trong việc bảo vệ thiên nhiên cho tương lai. Khoản tiền thưởng giúp các bạn trẻ tiếp tục theo đuổi các dự án cũng như các hoạt động bảo tồn của mình.
Trang Nguyễn: “Cây cầu nối Á – Phi”
Trang Nguyễn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990 tại Hà Nội. Lý do quan trọng nhất giúp Trang được Future for Nature Award trao giải thưởng năm nay, chính là nỗ lực xây dựng một cầu nối giữa châu Phi (lục địa cung cấp ngà voi, sừng tê giác và da các loài động vật hoang dã quý hiếm) với Đông Nam Á (thị trường chính của các sản phẩm kể trên).
Từ năm 2014, Trang dành hầu như toàn bộ thời gian vào công việc này. Ngày nay, Đông Nam Á là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với các loài động vật hoang dã quý hiếm từ châu Phi. Điều này khiến loài tê giác và voi bị đe dọa tuyệt chủng.
Mặc dù ban đầu biết không nhiều về thị trường châu Á, nhưng Trang đã thành công trong việc xác định được một chuỗi bất hợp pháp giữa người bán và người săn bắn, từ đó thực hiện “cuộc chiến” chống lại hoạt động thương mại phi pháp này. Công việc này được đánh giá khá nguy hiểm vì các hoạt động tham nhũng đóng vai trò rất lớn trong thị trường. Trang hiểu sự phức tạp của hoạt động buôn bán phi pháp, liên quan đến nhiều người từ nhiều tầng lớp xã hội, và mỗi người lại có những động cơ riêng. Cô thường xuyên tới lui các nước ở châu Phi và châu Á, làm việc khá kín đáo để chống lại các hoạt động bất hợp pháp.
Cô gái sinh ra ở Hà Nội cũng đã thành lập tổ chức phi chính phủ WildAct, nhằm giúp giới trẻ Campuchia và Việt Nam hiểu về các hoạt động mua bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã đang trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
Cô đã phát triển những tài liệu học tập về buôn bán bất hợp pháp giữa châu Phi và châu Á và dùng những tài liệu này giảng dạy người học đấu tranh lại những người săn bắn. Thêm vào đó, Trang cũng thành lập chương trình trao đổi cho các sinh viên Việt Nam, giúp họ thăm Nam Phi và cho họ thấy những hệ lụy của các phương thuốc truyền thống của châu Á mang lại cho người dân tại châu Phi trong thực tế. Đây là việc mà trước đó chưa ai thực hiện, và nó đã tạo được ấn tượng kéo dài đối với sinh viên. Những phương thuốc cổ truyền và những nguyên liệu nhất định đan xen với nhau trong văn hóa châu Á và rất nhiều người trẻ coi điều đó là bình thường. Nhiều thị trường châu Á đang buôn bán các sản phẩm này, nhưng được lấy từ các phần trên cơ thể động vật hoang dã quý hiếm một cách phi pháp.
Trang hiểu thế hệ trẻ sẽ là lực lượng chính giúp thay đổi quan niệm này, và nỗ lực của cô đã mang lại hiệu quả khi ngày càng có nhiều người trẻ tham gia hoạt động, kêu gọi những người xung quanh thay đổi quan niệm trên…
Những ai từng tiếp xúc với Trang thường có chung nhận định, đây là một cô gái trẻ tràn đầy năng lượng và có công phá tan những định kiến và chiến thắng quan điểm truyền thống về sự bất bình đẳng giới. Là một nhà bảo tồn hiện đại, cô gái thuộc thế hệ 9X khá khiêm tốn trong một lĩnh vực phần lớn chỉ dành cho nam giới tham gia. Nhưng, với việc không mệt mỏi và quyết tâm theo đuổi hoạt động, cô đã tự khẳng định và đưa mình vào hàng ngũ các nhà bảo tồn quốc tế.
Trang từng rất sốc khi chứng kiến những con gấu ở Việt Nam phải sống cuộc sống khó khăn thế nào để cho người lấy mật. Điều đó khiến cô quyết tâm làm điều gì đó cho động vật hoang dã. Trang đã làm việc cho nhiều tổ chức khác nhau và rồi những thành tựu, đóng góp của cô đã được công nhận.
Năm nay, Trang cũng được tạp chí Forbes Việt Nam chọn là một trong 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi, và được bình chọn cho giải thưởng Phụ nữ tương lai của Đông Nam Á.
Trang dự tính sử dụng khoản tiền thưởng cho một chương trình về chống buôn bán phi pháp tại Việt Nam. Hiệt cô làm việc với một số tổ chức như Free the Bears (tự do cho gấu) và World Wildlife Fund (Quỹ Động vật hoang dã thế giới) cũng như hợp tác với các giảng viên tại đại học Vinh. Ngoài ra, Trang cũng đang phát triển một chương trình thạc sĩ tập trung vào các loài bị đe dọa tuyệt chủng thường hay bị buôn bán tại Việt Nam, như: linh trưởng, tê giác, hổ, gấu và các sản phẩm từ voi.
Một cuốn sách do Trang viết, tựa đề “Back to the wilderness” (Trở về nơi hoan dã) sẽ sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian tới. Cuốn sách nhằm giúp bạn đọc hiểu về mức độ cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và hi vọng mời gọi thêm nhiền bạn trẻ Việt Nam tham gia vào các hoạt động bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam.
– Theo T.Dũng – N.Hạ / Nguoidothi