Tình trạng chậm tiến độ, đội vốn ở các công trình trọng điểm diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội đang trở thành hội chứng cực kỳ nguy hiểm. Không những gây thiệt hại cho nền kinh tế, tình trạng này còn làm giảm hiệu quả đầu tư, gây hệ lụy xấu cho cả hệ thống cơ chế, chính sách. Rất nhiều bộ, ngành liên quan lẫn các địa phương đang triển khai những công trình trọng điểm đã phải chạy theo vòng xoáy xin-cho hàng loạt cơ chế, chính sách điều chỉnh vốn cho các dự án.
Bên cạnh việc xác định rõ nguyên nhân, đã đến lúc phải quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra tình trạng công trình vừa bị chậm tiến độ, vừa bị đội vốn.
Dẫn chứng cụ thể hơn cả là tình trạng chậm tiến độ, đội vốn trên các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm suy giảm lòng tin của người dân trước sự cam kết của các cơ quan có trách nhiệm.
Người dân Hà Nội sẽ phải chờ thêm ít nhất một năm nữa để có thể di chuyển trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh – Hà Đông sau khi chủ đầu tư xác nhận công trình chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm 2018.
Năm 2009, Cục Đường sắt Việt Nam và Cục 6 đường sắt Trung Quốc đặt bút ký hợp đồng (EPC) dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, mở ra viễn cảnh về các tuyến đường sắt đô thị giảm tải cho giao thông thành phố. Vào lúc đó, người dân Hà Nội đã mơ đến năm 2014 sẽ có đường sắt trên cao. Tuy nhiên, năm 2016, cùng với việc phải chấp nhận tổng mức đầu tư dự án bị đội từ 552 triệu USD, lên 891 triệu USD, mốc thời gian hoàn thành cũng được nới đến… quý I-2018.
Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ được cho là do vướng mắc liên quan đến hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD. Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án, cho biết hiệp định vay vốn bổ sung được Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) ký kết ngày 11-5-2017.
Bộ Tư pháp đã thống nhất và ký văn bản “Ý kiến pháp lý của Hiệp định” cho CEB. Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục và gửi CEB. Tuy nhiên đến nay, phía ngân hàng vẫn đang xem xét và chưa có văn bản chính thức thông báo hiệp định đã có hiệu lực.
Ban Quản lý Dự án đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thúc đẩy CEB sớm thông báo hiệp định có hiệu lực để triển khai công tác giải ngân cho dự án. Theo đại diện Tổng thầu EPC, ông Đường Hồng – Giám đốc điều hành Dự án, về cơ bản hiện nay không có vướng mắc về thi công hiện trường. Về tổ chức sản xuất, mua sắm, lắp đặt thiết bị, hoàn thiện các hạng mục còn lại cũng không có vướng mắc. Tổng thầu đã tự ứng vốn lưu động trong khi chưa giải ngân được nguồn vốn bổ sung.
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án theo tiến độ, ông Đường Hồng kiến nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam tiếp tục phối hợp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho tổng thầu trong công tác đăng kiểm thiết bị; phê duyệt thủ tục hoàn công, thanh quyết toán; lắp đặt hệ thống thiết bị điện… để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm sau theo cam kết.
Trong khi đó, người dân TP. Hồ Chí Minh cũng ở trong trạng thái chờ đợi như vậy khi theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sẽ lăn bánh vào năm 2020, trong khi hiện nay khu vực trung tâm thành phố đang là một công trình ngổn ngang không biết sẽ kéo dài bao lâu.
Thành phố Hồ Chí Minh với hai dự án đường sắt đô thị đã đội vốn hơn 52.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.
Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 20km được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng. Sau đó, dự án được điều chỉnh với tổng mức đầu tư trên 47.000 tỉ đồng. Đến nay, tiến độ chung của dự án đã đạt khoảng 50% khối lượng thực hiện (5/6 gói thầu đã được chủ đầu tư phê duyệt dự toán và ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để triển khai từ năm 2012). Tỷ lệ giải ngân vốn đối ứng đạt 26%, vốn vay ODA đạt 38%.
Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương dài 20km với tổng mức đầu tư là 26.116 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cập nhật, tính toán lại, tại thời điểm tháng 8-2017, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 48.771 tỉ đồng.
Lý giải về nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình thiết kế dự án, đơn vị tư vấn quốc tế phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu, như điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm; kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm kết nối với các dự án metro khác…
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án phải cập nhật đơn giá, định mức áp dụng cho một số hạng mục xây lắp; đơn giá nhân công tăng so với thời điểm duyệt ban đầu của dự án năm 2010; thay đổi tỷ giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng; dự phòng trượt giá tới năm 2024, thay vì trước đây khi dự án được duyệt năm 2010 chỉ tính dự phòng đến năm 2016.
Ngay từ ban đầu các đơn vị liên quan đã chưa tính toán chính xác từng suất đầu tư, thiếu kinh nghiệm trong cách quản lý, khiến cho dự án bị đội lên cao. Đã có những lưu ý rằng cơ quan chức năng cần phải rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra tình trạng đội vốn và thời gian thi công kéo dài như tuyến metro số 1, không những tạo tiền lệ không tốt cho các dự án xây dựng hạ tầng sau này mà còn làm mất lòng tin của các đối tác và nhà tài trợ.
Theo các chuyên gia, việc đội vốn trong các dự án hạ tầng giao thông là điều thông thường, nhưng vượt 50 – 90% so với tổng mức đầu tư ban đầu thật khó chấp nhận. Trên thế giới, theo thông lệ các dự án hạ tầng tương tự chỉ cho phép vượt tối đa khoảng 20% trở lại, trừ khi có những yếu tố tác động đột biến ảnh hưởng chung trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy cần xem lại năng lực quản lý và thực hiện quá kém của các đơn vị liên quan và phải thẩm định lại toàn bộ dự án để xem xét trách nhiệm các bên liên quan.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo liên quan đến việc triển khai và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án trên để tổ chức thẩm định. Giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20-3-2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải và dự thảo Báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30-3-2018.
Tư nhân nghiên cứu làm đường sắt đô thị Hà Nội
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các bộ ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ý kiến về việc giao hai tập đoàn Vingroup và T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Theo UBND TP. Hà Nội, từ giữa năm 2016, sau khi công khai quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư.
Có năm nhà đầu tư trong nước và hai nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký gồm Vingroup, Xuân Thành, Lũng Lô 5, Tân Hoàng Minh, Mosmetrotroy (Nga), liên danh Licogi – MIK, Lotte (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, đến nay chỉ có Vingroup và T&T đăng ký xin triển khai thủ tục đề xuất dự án. Cả hai nhà đầu tư này đều đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT.
Cụ thể, Vingroup đề xuất hai đoạn tuyến: tuyến số 5 (đoạn Văn Cao – Hòa Lạc) dài 38,4km và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình) dài 5,9km.
Còn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà, dài 54km).
Cả hai nhà đầu tư này đều cam kết khi được giao nghiên cứu đề xuất dự án sẽ tự nguyện ứng vốn để triển khai; không yêu cầu được bồi hoàn lại kinh phí và sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cho UBND TP. Hà Nội và đơn vị được lựa chọn để tiếp tục triển khai đầu tư.
Trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư chính thức, họ được hạch toán chi phí vào chi phí của dự án.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 – tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8km, trong đó 342,2km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5km đi ngầm.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỉ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017-2020 là 7,55 tỉ USD; từ 2021-2025 là 7,6 tỉ USD; từ 2026-2030 là 3,56 tỉ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỉ USD.
- Ảnh Hữu Khoa