Quyền đương nhiên của dân
Theo các chuyên gia về pháp luật, quyền “phúc quyết” là một quyền đương nhiên của dân, có nghĩa là dân có quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề trọng đại của đất nước, khác với việc nhà nước thăm dò, lấy ý kiến của dân, người dân chỉ có quyền “góp ý kiến”, nhà nước có quyền nghe hoặc không nghe và sau đó tự mình quyết định. Nói cách khác, dân phải quyết định trực tiếp thể chế quốc gia (Hiến pháp) và những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia, sau đó giao cho các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và các cơ quan khác) thực hiện, đồng thời dân kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện. Đó là sự thể hiện rõ rệt nhất tư tưởng “dân là người chủ đích thực của đất nước”.Hiến pháp phải quy định cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết ấy của dân.
Xem lại Hiến pháp 1946, có thể thấy quyền phúc quyết của dân đã được quy định rất đầy đủ. Điều thứ 21 Hiến pháp 1946 quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70”. Điều thứ 32 quy định “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”. Còn Điều thứ 70 quy định rất rõ về việc sửa đổi Hiến pháp: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Có thể khẳng định: Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo là một mẫu mực về quyền của dân trong tư duy lập hiến rất cần được học tập và kế thừa.
Một số ý kiến cụ thể
Trên cơ sở nhận thức nêu trên, xin góp một số ý kiến cụ thểtheo các nhóm vấn đề liên quan đến quyền phúc quyết của dân, dựa theo bản Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013) được công bố ngày 2-1-2013 (dưới đây, gọi tắt là Dự thảo) như sau.
Về quyền phúc quyết đối với Hiến pháp và các vấn đề trọng đại của quốc gia. Xin hoan nghênh Điều 29 Dự thảo đã quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước; 2.Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Tuy nhiên, tại Điều 74 Dự thảo lại quy định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” và tại Điều 124 Dự thảo cũng quy định “Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp” và “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. Như vậy là Quốc hội là cơ quan thông qua Hiến pháp chứ không phải dân. Xin đề nghị thiết kế lại các điều trên theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định.
Về phân công quyền lực trong bộ máy nhà nước.Theo nguyên lý dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, dân ủy quyền quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước, không phải là giao cho một cơ quan nào mà giao cho ba cơ quan khác nhau: ủy quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Tòa án và Viện Kiểm sát.
Do đó, quy định như Điều 74 Dự thảo “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” là không phù hợp với Điều 2 Dự thảo: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Vì vậy, xin kiến nghị thiết kế lại các điều trên theo hướng quyền lập hiến là của dân, còn Quốc hội chỉ giữ quyền lập pháp.
Về sựphân công quyền lực, các nhà lý luận kinh điển đã khẳng định sự phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, nhằm khắc phục sự chuyên quyền, độc đoán, lạm dụng quyền lực có thể xảy ra, bảo đảm duy trì pháp chế, không thể có tình trạng một cơ quan, một tổ chức nào đó có thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật hoặc cho mình là người có quyền lực cao nhất. Ở nước ta, chúng ta không chủ trương “tam quyền phân lập”, Điều 2 Dự thảo quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” trong đó quy định việc “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước” là một tiến bộ so với Hiến pháp 1992. Song điều quan trọng là thiết kế như thế nào để bảo đảm được sự phân công tách bạch giữa các nhánh quyền lực ấy, nhất là sự kiểm soát để tính “thống nhất” của quyền lực nhà nước không phương hại đến quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, phải bảo đảm tính độc lập của Tòa án, “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” đúng như Điều 107 Dự thảo quy định.
Để giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, Điều 120 Dự thảo đã quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp – một điểm tiến bộ so với Hiến pháp 1992, có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành, từ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, v.v… Đây là một thiết chế bảo vệ Hiến pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Ở nước ta, lâu nay, việc giám sát này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, do đó hiệu lực chưa cao, nay hình thành một tổ chức độc lập, sẽ có tác dụng rất quan trọng bảo vệ tính tối thượng của Hiến pháp.
Về phương thức để thực hiện quyền phúc quyết.Trước hết, là việc giám sát hoạt động của các chức danh trong bộ máy nhà nước. Điều 75 Dự thảo đã quy định việc Quốc hội bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức danh, quy định “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”; có thể coi đây là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện quyền phúc quyết của dân. Trong tình hình hiện nay, khi tham nhũng, quan liêu đã trở thành phổ biến, thì việc đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện sự giám sát của dân đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. Đồng thời, xin đề nghị quy định những người giữ chức vụ mà không được tín nhiệm hoặc tự thấy không hoàn thành được nhiệm vụ thì phải từ chức (tham khảo Điều 54 Hiến pháp 1946: “Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức”) để khởi xướng “văn hóa từ chức” trong bộ máy nhà nước.
Quyền phúc quyết của dân được thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Điều 6 Dự thảo đã quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Đây là điều rất quan trọng vì lâu nay, dân chủ trực tiếp (như trực tiếp thảo luận, đối thoại, biểu quyết, tham gia ý kiến vào các cơ chế, chính sách, các vấn đề trọng đại của đất nước…) chưa được thực hiện có hiệu quả thiết thực. Đồng thời, trong Điều 29 Dự thảo về việc Nhà nước “công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”, xin ghi thêm “trách nhiệm giải trình” của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động của bộ máy (trừ những vấn đề cần giữ bí mật thuộc an ninh, quốc phòng).
Vềvai trò của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện quyền phúc quyết của dân: hoan nghênh Điều 9 Dự thảo đã quy định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Xin đề nghị tại Điều 119 Dự thảo “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghịỦy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan”, cần bổ sung “người đứng đầu các tổ chức xã hội khác” cũng cần được mời dự các cuộc họp nói trên, vì ngoài các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp đang hoạt động trong phạm vi cả nước.
Trên đây là một số bình luận và ý kiến góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tập trung vào chủ đề quyền phúc quyết của dân. Trong khuôn khổ một bài báo, chỉ xin đề cập khía cạnh chính trị của vấn đề, không đề cập kỹ thuật trình bày các quy định, rất mong bạn đọc thông cảm.
Kỳ sau: Về quyền con người, quyền công dân
Vũ Quốc Tuấn