Năm nào cũng vậy, sáng mồng 1 Tết, nghệ nhân Lê Văn Kinh, người thợ thêu khéo léo bậc nhất Việt Nam năm nay đã chạm ngưỡng cửu tuần đều mở cửa căn nhà của ông ở đường Phan Đăng Lưu – Huế đón chào những vị khách quý cùng ông thưởng trà ngày đầu xuân bên chiếc bàn nhỏ có một cây hoàng mai kiểng theo thế long giáng.
Trong không khí trong lành và thiêng liêng của ngày đầu năm mới, bên chén trà tỏa hương thơm thanh khiết, những người bạn tri âm cùng nói về nghệ thuật uống trà của người Việt. Chén trà chính là chiếc cầu nối tâm giao cho những người bạn. Qua thời gian, thói quen uống trà đã được nâng tầm thành một nét văn hóa.
Khác với trà đạo của Nhật Bản hay nghệ thuật ẩm trà của người Trung Hoa, nghệ thuật uống trà của người Việt có những nét đặc trưng riêng. Nghệ nhân Lê Văn Kinh kể: “Tôi sống với ông ngoại tôi (là một vị quan triều Nguyễn) từ nhỏ nên được uống trà từ rất sớm. Khác với người Trung Hoa khi uống trà phải dùng một tay che miệng, ông ngoại tôi dạy tôi rằng người Việt khi uống trà ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ hai bên miệng chén trà, ngón tay giữa đặt dưới đáy chén, khi uống chỉ cần xoay tay lại là có thể che luôn được miệng. Tôi thấy rất thú vị…”.
Bác sĩ Dương Đình Châu, một người bạn của ông Kinh cũng đồng tình với cách uống trà ấy và thêm rằng: “Khi uống trà phải uống từng ngụm nhỏ và ngậm thật lâu ở miệng để hương vị của trà đi lên đường mũi. Cách uống đó được gọi là tiên ẩm…”.
Cũng theo bác sĩ Dương Đình Châu, cha đẻ của trà là ông Thần Nông, người mà theo truyền thuyết chuyên làm công việc nếm cỏ cây và tình cờ phát hiện ra trà. “Một hôm Thần Nông uống rượu say quá và nằm luôn ở rừng, tỉnh dậy ông hái một ngọn lá ở cây bên cạnh và thấy một hương vị thật dễ chịu, trà ra đời từ đó…”.
Trà với người Việt là bạn thâm tình từ khi mới sinh ra, lớn lên và khi mất đi thì con cháu cũng có tục “cúng trà” cho ông bà cha mẹ đã khuất. Ở Việt Nam, người viết về trà đầu tiên là ông Dương Thiện Tích đời vua Lý Huệ Tông. Nhưng tác phẩm viết về trà kỹ nhất là Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm Chén trà trong sương sớm cũng nói về nghệ thuật thưởng trà của người Việt qua câu chuyện của cụ Ấm. Chẳng hạn, cụ Ấm bao giờ cũng có ít nhất là hai ấm đồng đun nước, ấm nước sôi nhấc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt trên đấy rồi. Như thế lúc nào người ta cũng có một thứ nước sôi đủ nóng để pha một ấm trà ngon. Hay nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trên lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ một ấm… Còn theo dịch giả Bửu Ý, một người Huế gốc Hoàng tộc thì cùng với người Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, người Việt đã uống trà từ xa xưa. Nếu như người Nhật nâng chuyện uống trà thành trà đạo, người Trung Hoa có những loại trà quý hiếm thì chén trà đã trở thành người bạn tâm tình của đa số gia đình người Việt. Trà đã đỡ đần cho con người về tình cảm, tư duy. Uống trà để định tâm và từ hay nhất để nói về nghệ thuật uống trà là: Thưởng trà.
Cũng theo lời dịch giả Bửu Ý, ở thế kỷ XVI, trong một tác phẩm của mình, Dương Văn An có nhắc đến một loại trà gọi là trà lưỡi sẻ trên đồi núi An Cựu phía tây kinh thành Huế. Đây là loại trà mọc nhiều ở các vùng núi miền Trung trước đây. Ngày nay thì vùng đồi núi phía Bắc có rất nhiều loại trà ngon, nổi tiếng nhất là trà Thái Nguyên. Chính vì có nhiều loại trà ngon như vậy nên người Việt đã hình thành nên thói quen nghệ thuật thưởng trà.
Có mặt trong câu chuyện về trà của người Việt có một người bạn Pháp sống và làm việc ở Huế lâu năm là ông Christophe. Ông cho biết đã uống trà Việt từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên nghe câu chuyện về nghệ thuật thưởng trà của người Việt, thật hay và lạ. Christophe mong muốn sẽ được hiểu biết thêm về nghệ thuật ẩm thực gần gũi và văn hóa này của Việt Nam từ những người bạn Huế…
Cùng với thưởng trà, chưng mai, ngắm mai vàng nở cũng là một nét đặc trưng đón tết của người dân miền Trung. Mai vàng là một loài hoa bình dân, ở quê tôi ngày trước nhà nào cũng trồng mai. Trước sân, trong vườn, ngoài ngõ… Có nhà phải đến mấy chục gốc hoàng mai trồng quanh nhà. Hồi ấy tết thì bánh mứt đơn sơ nhưng năm nào nhà tôi cũng có một cành mai để trong chiếc bình to giữa nhà để đón tết. Có khi là mai nhà, nở đúng độ, cha tôi cưa một cành đẹp nhất cắm bình; có khi là cành mai của một nhà người quen tặng. Năm nào mai không nở đúng ngày tết, bí lắm thì đến sáng 29, 30 Tết, cha tôi ra chợ mua một cành mai, giá cũng rất dễ chịu. Tết nào nhà tôi cũng có một cành mai trong nhà, kể cả trong những năm khó khăn nhất… Sáng mồng 1, cành mai khải thị sắc vàng ấm áp đủ để biết rằng mùa xuân đã đến. Mai là sứ giả của mùa xuân, mang lại nhiều niềm vui và ước vọng cho mọi người…
Cách đây 15 năm, gia đình nhỏ của tôi đón cái tết đầu tiên ở thành phố Huế. Câu chuyện mà tôi nhớ nhất là bác Hà hàng xóm đã chào đón cư dân mới của hẻm phố là vợ chồng tôi bằng một cành mai rất đẹp. Cành mai đó được bác cắt ra từ cây mai cổ thụ trước sân nhà. Cầm cành mai mà tay tôi run run vì xúc động trước cái tình của người hàng xóm mới. Tuyệt vời hơn là cành mai đón tết năm đó của nhà tôi có cả những bông hoa nở sáu cánh, tám cánh; hương thơm vấn vít quanh nhà trong đêm Giao thừa. Sau đó ít lâu, cây mai cổ thụ bị chặt đi khi bác Hà xây lại nhà, tôi nhìn mà cứ tiếc ngẩn ngơ…
Xã hội càng phát triển thì thú chơi cây cảnh càng thịnh. Hoàng mai đã trở thành loài hoa quý phái trong chậu cho dù đó vốn không phải là bản tính của loài hoa này. Trên những con đường xuân xứ Huế rất khó gặp những cành mai đẹp một cách tự nhiên, dân dã; nếu có thì cái giá để có được cành mai cắm bình đón tết không còn bình dân chút nào…
- Ảnh Đình Văn Huy