Đôi vợ chồng bạn tôi thật hạnh phúc, họ có niềm vui chung là thích lang thang đó đây, không chỉ trong nước. Từ ngày gác kiếm giao lại cơ ngơi làm ăn thuộc tầm trung trung cho cậu con trai lớn, anh chị thường xuyên đi du lịch nước ngoài ít nhất mỗi năm một lần, có năm đến hai ba lần.
Có thể nói họ là thành viên đáng kể của đội quân “hàng triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 6-7 tỉ đôla Mỹ trong một năm” như thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết. Nhưng cả hai không phải khách du lịch thích shopping mà thuộc loại thích đi bụi, thăm các nhà bảo tàng và tìm cảm xúc từ sinh hoạt đời thường qua văn hóa giao tiếp. Du lịch là để khám phá – như quan niệm của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lâm Ngữ Đường – cặp đôi này nhận ra mục tiêu đích thực của các chuyến đi xa là tìm hiểu những gì chưa biết. Liên tục hơn chục năm nay vợ chồng họ vẫn chưa cảm thấy mỏi gối chùn chân cũng do niềm đam mê ấy.
Trong đôi ba lần trà dư tửu hậu với những người cùng trang lứa, anh chia sẻ nhiều trải nghiệm đi đông đi tây với những dấu ấn ghi lại ở mỗi nơi mỗi khác.
Chẳng hạn khi đi du lịch Trung Quốc là tìm đến một đất nước có bề dày lịch sử năm ngàn năm, đang là điểm đến hấp dẫn bậc nhất do thiên nhiên xinh đẹp, nhiều di sản văn hóa thế giới và nét đặc sắc của văn minh phương Đông. Thông tin gần đây cho thấy chỉ trong nửa năm 2017, du khách thăm Trung Quốc đã lên đến 69 triệu người, hơn hẳn các quốc gia có thế mạnh về du lịch. Thế nhưng lịch sử văn minh năm ngàn năm vẫn chưa thấy thể hiện rõ nét trong văn hóa giao tiếp với du khách nước ngoài. Có điều gì đó thiếu thân thiện nếu không nói là xa cách.
Anh kể: Có lần đứng dưới chân Vạn Lý Trường Thành, vô tình rít một hơi thuốc lá, bị cậu cảnh vệ còn rất trẻ nạt nộ với nét mặt dữ dằn khiến anh cảm thấy xấu hổ với người chung quanh. Tại sao người ta lại không thể nhắc nhở nhẹ nhàng mà lại quá gay gắt đối với một hành vi vô tình? Cũng có thể cậu cảnh vệ lầm tưởng anh là đồng bào, mà cũng có thể chưa thuộc bài học ứng xử ở một nơi có nhiều khách nước ngoài.
Chuyện tương tự như vậy không hiếm ở những điểm nóng du lịch anh từng đến thăm trên đất nước này. Anh đem băn khoăn này hỏi một vài người bạn am hiểu văn hóa Trung Quốc. Có người nói, xã hội đầy nghi kỵ nên người ta nhìn ai cũng phải cảnh giác. Người thì cho rằng do tâm trạng nặng nề của một trăm năm bị ngoại bang áp bức khiến người dân Hoa lục sống trong một không gian không thoải mái, nay đất nước giàu lên, mặc cảm tự ti thuở nào đang biến thành tự tôn trong cách ứng xử.
Nhưng cũng có người nhắc nhở biết đâu cảm nhận của anh là do vết hằn của “một ngàn năm bắc thuộc” vẫn còn ám ảnh. Đúng đây là điều anh chưa nghĩ ra nhưng cũng đủ để khái quát có phần chủ quan là đi du lịch Trung Quốc sao ít bắt gặp những nụ cười thân thiện, rất khác với nhiều nơi ở châu Âu anh từng đến.
Nhà báo Lưu Trọng Văn nhiều lần chia sẻ với bạn bè về kỳ tích thực hiện một chuyến đi châu Âu với vốn liếng ngoại ngữ chỉ có đôi ba chữ giao tiếp thông thường. Là kỹ sư tốt nghiệp tại Liên Xô cũ, tiếng Nga của anh lưu loát, nhưng khổ nỗi ngôn ngữ ấy không dùng được cho một chuyến du lịch Tây Âu. Vậy mà anh đã vác balô trên vai lang thang ít nhất năm nước trong vòng hơn một tháng.
Anh kể, có hôm đến Ý, gặp một phụ nữ hiền lành, anh cười tươi với tiếng CIAO mà anh hiểu là một lời chào hỏi thân mật. Mỗi người nói một thứ tiếng của riêng mình, vậy mà anh được hướng dẫn qua ngôn ngữ ra dấu bằng tay với thái độ tận tình để có thể tìm một điểm du lịch nổi tiếng ở Rome mà anh muốn đến.
Tương tự như vậy, một lần muốn thăm mộ của đại văn hào Oscar Wilde tại nghĩa trang nổi tiếng Père – Lachaise giữa lòng Paris, nơi yên nghỉ ngàn thu của nhiều danh nhân nhiều lĩnh vực, anh cũng được một người không quen hướng dẫn tận tình. Khi rời nghĩa trang trời đã về chiều lại mất phương hướng, vậy mà anh vẫn tìm được lối ra cũng nhờ một người phụ nữ chỉ đường đi dọc theo bờ tường để đến cổng nghĩa trang.
Đây là những câu chuyện thường ngày ở các thành phố châu Âu, chính sự thân tình đó đã góp phần đáng kể vào số lượng khách nước ngoài không chỉ đến thăm một lần mà rất nhiều lần. Như nước Pháp với 45 triệu dân vậy mà mỗi năm thu hút 85 triệu khách du lịch, riêng Paris chiếm đến 30 triệu.
Văn hóa giao tiếp của người phương Tây vốn thoải mái, lịch sự, biểu lộ cảm xúc rõ ràng, không xoi mói người khác và phát biểu thẳng thắn. Có lần ngồi uống cà phê trên vỉa hè Paris, một doanh nhân cao hứng nói rằng anh rất thích Paris vì giống Sài Gòn. Anh bạn người Pháp cười nhẹ nhàng nói: “nghĩ như anh là không đúng vì Paris có trước và đẻ ra Sài Gòn mà”.
Nói về cảm nhận trong du lịch thì có quá nhiều góc nhìn, tất nhiên tất cả đều nặng về ấn tượng và chủ quan.
Như anh doanh nhân bạn tôi chẳng hạn, mỗi lần đi du lịch Trung Quốc về, anh ví von rằng giống như một chuyến thăm bà con bên nội gia đình anh. Cũng thân quen, cũng hiểu rõ từng con người và mối quan hệ khi đã có chung một nguồn gốc văn hóa từ lâu đời, nhưng sao có điều gì đó hơi nghiêm khắc đủ dễ tạo ra những khoảng cách trong tình cảm. Trong khi đó – cũng là ví von của anh – đi qua Pháp như một chuyến về thăm bên ngoại, tình cảm dạt dào thật lòng và thẳng thắn. Văn hóa của “một trăm năm đô hộ” từng ăn sâu vào nhiều thế hệ có cái được cái mất nhưng dù gì theo xu thế thời đại cũng đã có một sự hài hòa và biết chia sẻ.
Còn đi du lịch Mỹ thì sao? Anh nói như một chuyến qua thăm bạn bè rất thú vị vì xã hội này vốn là một tập hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau nên rất đa dạng. Những người chọn nơi này làm quê hương đa phần không bằng lòng với nơi mình đã ra đi nên người ta sống với nhau cởi mở. Nếu ai đó qua đây như một chuyến vui chơi với bạn bè thì khi về cũng chẳng có gì vương vấn.
Cảm nhận khá thú vị này xuất phát từ tâm thế của một người trưởng thành qua các giai đoạn đổi thay trong xã hội với nhiều kỷ niệm và tầng lớp văn hóa chồng chất. Anh lớn lên trong gia đình trung lưu ở miền Trung, được học hành đến nơi đến chốn, có điều kiện tiếp cận qua sách vở nhiều nền văn minh Đông phương lẫn Tây phương với biết bao tập quán thâm nhập vào đại gia đình anh. Và cảm nhận về thăm bên nội, bên ngoại hay thăm bạn bè, cũng chỉ là những suy nghĩ tản mạn của một người thuộc tầng lớp trung lưu chiếm đa số trong xã hội chúng ta.