Trên thực tế, CHDCND Triều Tiên đã từng gửi đi mong muốn hòa giải và lần này, các nhà quan sát quốc tế cho rằng bài diễn văn của ông Kim vẫn chưa thật sự nhấn mạnh đến một sự thay đổi quan trọng nào trong thái độ vốn luôn công kích Mỹ và Hàn Quốc.
Chỉ mới cách đây ít tuần, CHDCND Triều Tiên đã làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực bằng việc bắn tên lửa đạn đạo, khiến rất nhiều nước phải lên án, trong đó có cả Nga và Trung Quốc. Trước đó, nước này đã bị cấm sử dụng tên lửa hoặc bất cứ công nghệ hạt nhân nào theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc áp đặt sau đợt kiểm tra vũ khí hạt nhân tại đây trong các năm 2006 và 2009. Trong bài diễn văn đã được ghi hình trước, ông Kim Jong-un phát biểu rằng vấn đề quan trọng là chấm dứt sự phân cách giữa hai quốc gia và đạt đến sự liên minh để xóa bỏ những mẫu thuẫn Bắc – Nam. Theo giới chuyên gia của Học viện Thống nhất quốc gia thuộc Chính phủ Hàn Quốc, lời tuyên bố của ông Kim rõ ràng chứa đựng một thông điệp muốn xóa bỏ cuộc đối đầu trực tiếp hiện nay giữa miền Bắc và miền Nam, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của miền Nam, nhưng điều đó không nhất thiết phải gắn liền với một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bình Nhưỡng.
Theo giới nghiên cứu tại Viện Heritage Foundation của Mỹ, thông điệp năm mới của ông Kim Jong-un có sự khác biệt về hình thức, nhưng không có gì mới về nội dung và càng chứng minh rằng nhà lãnh đạo trẻ ấy đang muốn nối bước ông nội hơn là người cha của mình. Trong khi chính sách ngoại giao giữa miền Bắc và miền Nam có một số tiến bộ thì hình ảnh của ông Kim Jong-un trong cái nhìn của thế giới nói chung vẫn chưa được cải thiện. Giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên từng trải qua nhiều căng thẳng, nặng nề nhất là sự kiện Bình Nhưỡng đánh bom một hòn đảo ở phía nam hồi năm 2010. Tháng trước, Hàn Quốc đã bầu được tân Tổng thống – bà Park Geun-hye, con gái của cựu Tổng thống bị ám sát Park Chung-hee. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, ông Park cũng từng bị ông Kim Il-sung tìm cách ám sát. Bà Park Geun-hye khi nhậm chức đã cam kết sẽ theo đuổi sự hòa hợp với miền Bắc và kêu gọi một cuộc đối thoại để xây dựng niềm tin giữa hai miền, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đòi hỏi đó không được đề cập đến trong bài phát biểu của ông Kim Jong-un.
Lâm Kiên theo Reuters