Theo thống kê của khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, có 8.233 người được đưa đến cấp cứu tại khoa trong tháng 11-2012. Với những người mà thời gian duy trì sự sống chỉ trong vài giờ (ngành y tế thường gọi là “thời gian vàng”) thì chúng ta cần thực hiện ngay một số động tác sơ cứu đúng và đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Tuy nhiên, nhiều người (không phải thân nhân) đưa người bị nạn đi cấp cứu cảm thấy bị phiền hà khi phải làm tường trình tại bệnh viện. Để giải tỏa nỗi lo ngại này đồng thời cung cấp những cách sơ cứu đúng cho mọi người, DNSGCT đã có buổi trò chuyện với BS Chuyên khoa II Trương Thế Hiệp, Thầy thuốc ưu tú, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. BS Hiệp cho biết:
Sơ cứu (cấp cứu ban đầu) là khâu quan trọng nhất trong công tác hồi sức cấp cứu. Biết sơ cứu đúng cách ngoài việc giúp người bị nạn tránh khỏi nguy cơ tử vong mà còn giúp nâng cao chất lượng điều trị, giúp giảm chi phí điều trị và người bị nạn mau chóng bình phục.
Thưa bác sĩ, các phương pháp sơ cứu ban đầu cho người bị nạn có khó thực hiện hay không?
Cấp cứu ban đầu là thực hiện ngay tại chỗ một số động tác cơ bản nhằm duy trì hay thay thế tạm thời các chức năng sống đã bị tổn thương (hoặc bị hạn chế) ở người bị nạn như hô hấp nhân tạo, khai thông đường thở… đồng thời hạn chế sự tiến triển của bệnh tật hay tổn thương ngay từ phút đầu như ga-rô cầm máu, cố định xương gãy…
Việc sơ cứu ban đầu chỉ phức tạp khi nạn nhân bị ngưng tuần hoàn, ngưng hô hấp. Còn các tình huống khác thì việc sơ cứu rất đơn giản, chỉ cần khai thông đường thở, đảm bảo thông khí, đặt nạn nhân nằm đúng tư thế đầu thẳng với thân người, gây nôn cho bệnh nhân mới bị ngộ độc… là có thể giúp cứu sống người bị nạn.
Người đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì nguyên nhân nào là phổ biến nhất?
Thời gian gần đây, đối tượng cấp cứu nhiều nhất là do tai nạn giao thông. Thống kê cho thấy, trong tháng 11-2012, có hơn 3.000 người bị tai nạn giao thông cấp cứu tại khoa. Tỷ lệ người bị tai nạn sinh hoạt và đả thương đâm chém cũng khá đông.
Chúng ta cần lưu ý điều gì khi sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông?
Việc sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông khá phức tạp. Nếu không biết cách sơ cứu đúng sẽ làm nặng thêm thương tổn nạn nhân. Cách đây không lâu, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một nạn nhân bị gãy xương cẳng chân do tai nạn giao thông. Đoạn đường từ nơi xảy ra tai nạn đến bệnh viện chỉ dài khoảng 5km nhưng do xương gãy chưa được cố định mà được chở đến bệnh viện trên xe máy nên người bị nạn phải cắt đoạn chi gãy gần đến gối. Nếu thương tổn có liên quan đến tính mạng mà không được sơ cứu ban đầu thì hậu quả hẳn sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Với người bị tai nạn giao thông, chúng ta cần khai thông đường thở bằng cách lấy các dị vật ở trong miệng như: đất, cát, răng giả… Tiếp theo, kiểm tra xem bệnh nhân có ngưng tuần hoàn, hô hấp không bằng cách kiểm tra mạch ở cổ hay nhịp tim trong lồng ngực. Tiến hành cấp cứu ngừng nhịp tim, ngừng hô hấp bằng cách nhấn tim trước ngực hoặc hà hơi thổi ngạt. Sau đó, cần ngăn chảy máu bên ngoài bằng băng hay vải từ quần áo và cố định các xương gãy bằng các vật dụng sẵn có rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong trường hợp quanh người bị nạn không có nẹp thì chúng ta làm thế nào để cố định xương gãy cho nạn nhân?
Trường hợp gãy chân nếu không có nẹp thì có thể băng hoặc cột cố định chân bị gãy vào chân còn lại. Còn gãy tay thì băng cố định tay vào thân người.
Đối với người bị đả thương, đâm chém thì cách sơ cứu không đúng là gì?
Đó là cố gắng rút vật nhọn ra khỏi cơ thể người bị nạn trước khi đưa đến bệnh viện. Việc rút vật nhọn ra có thể làm thương tổn nặng hơn và nạn nhân sẽ bị chảy máu nhiều hơn. Cách làm đúng là dùng băng keo hoặc vải băng cố định dị vật, tuyệt đối tránh cho dị vật chuyển động sẽ làm nặng thêm thương tổn sẵn có và đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện.
Khi gặp người bị tai nạn mà một phần cơ thể bị đứt lìa thì chúng ta nên xử lý như thế nào để tăng tỵ lệ sống cho phần cơ thể bị đứt?
Trường hợp một phần cơ thể bị đứt lìa thì trước hết cần rửa sạch phần bị đứt bằng nước, dùng gạc sạch bao bọc cẩn thận, nếu không có gạc thì cho vào túi nylon rồi cho vào thùng chứa nước đá. Tuyệt đối không để phần chi bị đứt lìa trực tiếp vào đá lạnh khiến mô bị phá hủy, rất khó khăn để cứu sống mô. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất sơ cứu và cầm máu, rồi đưa đến bệnh viện chuyên khoa để được chữa trị. Thời gian cứu sống được phần chi bị đứt lìa là sáu giờ, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.
Những tai nạn sinh hoạt hay gặp dẫn đến cấp cứu là gì?
Đó là ngạt nước, bỏng, tự tử bằng thuốc hoặc thắt cổ…
Xin bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu đối với những nạn nhân bị tai nạn sinh hoạt trên?
Với người tự tử bằng thuốc, nguyên tắc sơ cứu là phải đảm bảo đường thở thông khí. Đầu tiên chúng ta cần loại bỏ chất độc càng nhanh càng tốt bằng cách: làm sạch da, tóc, quần áo (nếu chất độc dây vào) bằng nước ấm, rửa mắt nếu bị văng vào mắt bằng nước sạch.
Chúng ta chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh (không áp dụng cho bệnh nhân hôn mê co giật hay bị ngộ độc các chất có acid) rồi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đi cấp cứu nhớ mang theo lọ, chai thuốc, bao bì, vỉ thuốc nghi ngờ bệnh nhân đã uống phải.
Với người thắt cổ thì cần cấp cứu ngừng tim, ngừng hô hấp và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Xin bác sĩ tiếp tục hướng dẫn phương pháp sơ cứu đối với người ngạt nước và bị bỏng.
Với người ngạt nước, việc sơ cứu tại chỗ rất quan trọng, quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Nếu có thể thì nên cấp cứu bệnh nhân ngay khi còn ở dưới nước bằng cách đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước và tìm cách lấy hết dị vật trong miệng. Sau khi đưa nạn nhân lên bờ thì đặt nằm ngửa, tiến hành sơ cứu ngừng tim, ngừng hô hấp ngay.
Động tác dốc ngược chỉ có tác dụng khai thông đường họng – miệng, không giúp nước từ dạ dày chảy ra ngoài được nên thường không áp dụng cho người bị ngạt nước. Lau khô, ủ ấm nạn nhân rồi chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Về bỏng thì có nhiều nguyên nhân như bỏng do lửa, do hơi nóng, hóa chất… Vết thương bỏng có thể làm chết người hoặc để lại những di chứng nặng nề nên cần sơ cứu đúng cách.
Với người bị bỏng thì ngay lập tức dội nước vào vùng bỏng hoặc để nước chảy thành dòng liên tục khoảng năm phút. Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, ủng, vòng nhẫn để vết bỏng không bị sưng nề. Che phủ vùng bỏng bằng gạc hoặc vải sạch rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Dân gian vẫn thường sử dụng mỡ trăn hoặc thuốc mỡ để sơ cứu vùng da bỏng. Bác sĩ có khuyến khích phương pháp này?
Không bôi chất dầu (mỡ trăn, vaseline, thuốc mỡ…) lên vết bỏng vì sẽ làm vết thương nghiêm trọng hơn. Cũng không ngâm vết bỏng vào nước đá quá lâu vì có thể gây nguy cơ hoại tử.
Người bị bệnh về tim mạch như đột quỷ do tai biến mạch máu não thì cần sơ cứu như thế nào?
Đối với những người bị đột quỵ do tai biến mạch máu não hay các bệnh tim mạch, về nguyên tắc sơ cấp cứu cũng tương tự như các tai nạn khác theo các bước: Khai thông đường thở lấy răng giả, đàm giải, chất ói… Tiến hành cấp cứu ngừng tim, hô hấp rồi đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Tuyệt đối không nên cho bệnh nhân dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Nhỏ nước chanh hay tự ý đổ thuốc vào miệng bệnh nhân sẽ làm cản trở đường thở, càng làm tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều người rất muốn đưa nạn nhân trong cơn nguy kịch đến phòng cấp cứu nhưng ngại chuyện tường trình ở khoa cấp cứu. Có cách nào để tránh hoặc giảm bớt sự phiền hà này không?
Việc cung cấp một số thông tin cơ bản gồm: người đưa đến có mối quan hệ như thế nào với nạn nhân? Những thông tin liên quan người bị nạn (Tai nạn gì? Xảy ra ở đâu? Mấy người bị nạn? Xe của nạn nhân ai giữ? Công an đã lập biên bản sự việc chưa?) và thông tin về tài sản của nạn nhân là việc làm cần thiết để bệnh viện cung cấp lại cho thân nhân hoặc các cơ quan chức năng. Đây là thủ tục đơn giản và nhanh chóng.
Tôi cho rằng điều gây phiền hà có lẽ là thái độ hoặc cách giao tiếp của nhân viên y tế. Nhân viên y tế cần thay đổi cách làm việc để mọi người không có cảm giác đang bị chất vấn.
Báo chí gần đây đã phản ánh tình trạng nhân viên y tế buộc người đưa nạn nhân đến cấp cứu phải trả viện phí trước thì phục vụ. Đây là một lo ngại lớn đối với những người có lòng tốt muốn giúp người bị nạn. Hiện đã có những quy định nào về việc cấp cứu miễn phí khi không có thân nhân hay không?
Đây hoàn toàn là một việc làm sai quy định, không hề có ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như các bệnh viện khác ở TP. Hồ Chí Minh. Tất cả những bệnh nhân cấp cứu dù có thân nhân hay không đều được phục vụ chuyên môn y tế như nhau. Khi nạn nhân đã qua cơn nguy kịch thì bệnh viện mới tính viện phí.
Người có bảo hiểm y tế giải quyết theo chế độ chi trả của bảo hiểm đã quy định. Đối tượng không có khả năng chi trả viện phí được xem xét và giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.
Tóm lại, vì tính chất cấp bách của việc sơ cấp cứu nên tôi mong mọi người nhiệt tình hơn trong việc thực hiện sơ cứu và đưa người bị nạn đến bệnh viện.
Trong mọi trường hợp gặp người bị nạn chúng ta nên gọi ngay số điện thoại cấp cứu là 115. Ngoài ra, mọi người nên lưu vào điện thoại số của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy là (08) 38554137, (số nội bộ: 102-103-104) để chúng tôi kịp thời giúp nạn nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.