Áp lực về nợ xấu có phần nào giảm bớt khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, Chính phủ tin tưởng rằng đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay”.
Trong một văn bản trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc hội (Đà Nẵng) ông cho biết, đối với nợ công, trước thực trạng cơ cấu ngân sách và nợ công và yêu cầu bảo đảm an ninh tài chính trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị ban hành chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đồng thời đã trình Quốc hội về kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu giới hạn về nợ công, bội chi trong trung hạn với mức bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn không quá 3,9% GDP, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP; nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Để triển khai các mục tiêu này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.
Cụ thể, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên 26,2% năm 2018, kế hoạch giai đoạn 2018-2020 trên 26%; tỷ trọng dự toán chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% năm 2017 xuống 64,1% năm 2018, đến năm 2020 dự kiến xuống dưới 64%; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phải tập trung kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát thu hẹp diện miễn, giảm thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước.
Về xử lý nợ xấu, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”; đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện nêu trên, Chính phủ tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay.
Được biết, từ 15-8-2017 đến 30-9-2017, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 14,3 nghìn tỉ đồng, trong đó nợ xấu được các tổ chức tín dụng tự xử lý thông qua vận dụng các quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản pháp quy hiện hành chiếm 99,94%, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) chỉ chiếm 0,06%.
Về xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng, Thủ tướng có ý kiến: trong quá trình xây dựng đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mặc dù đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn khá lớn – khoảng 10 nghìn tỉ đồng đến thời điểm 31-12-2015 và 9,3 nghìn tỉ đồng đến thời điểm 30-9-2017.
Một thông tin lạc quan khác là đến thời điểm này, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên tới 54,5 tỉ USD.
Vừa mới tuần trước, tại hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước cập nhật con số hơn 53 tỉ USD, vậy mà chỉ trong khoảng một tuần làm việc đầu năm 2018, lượng ngoại tệ mua ròng lên đến khoảng 1,5 tỉ USD.
Trong hai năm 2016 và 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được khoảng 22 tỉ USD và đến thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối trên 54,5 tỉ USD là con số kỷ lục, củng cố niềm tin quốc gia, tăng cường lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị này, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết, ứng với lượng mua vào nói trên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với bộ chức năng, cũng như sử dụng các công cụ để ổn định thị trường và trung hòa nguồn tiền.
Cụ thể, trước dòng chảy ngoại tệ lớn gắn với hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp của Nhà nước, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Tài chính để điều tiết nguồn tiền đưa ra mua ngoại tệ. Công cụ tín phiếu liên tục được sử dụng để hút bớt tiền về.
Hoạt động trên diễn ra liên tục và ráo riết, tập trung mạnh ở hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, để trung hòa tác động nguồn tiền đến cân đối lãi suất, đặc biệt là đối với lạm phát.
Từ tháng 6-2017, thời điểm thị trường bắt đầu ghi nhận Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ, cung tín phiếu bắt đầu phát hành trở lại để thấm hút tiền về. Hoạt động này ròng rã từ đó đến nay, ráo riết hơn khi quy mô phát hành hằng ngày ban đầu chỉ 8.000 tỉ đồng với kỳ hạn bảy ngày, từ cuối 2017 đã xuất hiện dày hơn những phiên phát hành quy mô 14.000 tỉ đồng với kỳ hạn “nhốt tiền” giãn ra lên 14 ngày…
Về tổng thể, khác biệt trong hoạt động cân đối tiền này thể hiện rất rõ khi so sánh với cùng kỳ năm trước, cũng như đặt trong bối cảnh thị trường chuẩn bị bước vào mùa cao điểm chi trả cuối năm.
Cụ thể, cùng thời điểm này năm 2017, Ngân hàng Nhà nước giảm hẳn hoạt động hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, khi số dư lượng tín phiếu lưu hành đầu tháng 1-2017 chỉ còn vỏn vẹn 8.000 tỉ đồng, xuống còn 3.000 tỉ đồng ngày 5-1-2017 và từ ngày 6-1-2017 số dư hút về ở kênh này về 0.
Vào đầu năm 2018, với lượng ngoại tệ mua vào liên tục với khối lượng lớn, nhà điều hành đã phải ráo riết hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, dù thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần – thời điểm nhu cầu tiền và thanh toán tăng cao. Và tính đến ngày 11-1, khối lượng lưu hành tín phiếu đã lên tới 50.000 tỉ đồng.
Ở một diễn biến liên quan khác, lãi suất VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong khoảng hai tuần trở lại đây đã tăng rất mạnh.
Trước đó, cuối 2017 thị trường liên ngân hàng ghi nhận lãi suất VND ở mức thấp, như qua đêm duy trì dưới mốc 1%/năm, phổ biến trong khoảng 0,82 – 0,85%/năm. Nhưng hai tuần qua đã nhanh chóng tăng mạnh, như lãi suất VND chào qua đêm đã lên tới 2,23%/năm vào cuối tuần này.
Bên cạnh hoạt động hút bớt tiền về ráo riết nói trên của Ngân hàng Nhà nước, thông thường vào cuối năm Âm lịch và sát Tết Nguyên đán, nhu cầu VND cho thanh toán và chi trả tăng mạnh lên và phản ánh rõ ở lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.