Câu hỏi như một làn hương khơi dẫn tôi trở về với ngoại tôi, với vườn hoa năm ấy ở làng Đức Phổ. Khu vườn đó vốn là đất vua Đồng Khánh ban cho quan Thượng thư Phạm Xứng (1), cũng là cha vợ vua (2) khi ngài về quê hưu trí . Vì ngài không có con trai nên ông ngoại tôi được thừa hưởng mảnh đất đó làm nơi sinh sống và thờ tự.
Ngày ấy, ngoại tôi là người là một người làm vườn cự phách. Từ ngoài cổng vào sân là hai hàng chè tàu xanh ngăn ngắn được cắt xén gọn gàng. Vào chút nữa, thì cơ man nào là hoa: thược dược, lay ơn, đồng tiền, xác pháo, hồng bạch, hồng nhung, cúc trắng, cúc vàng, vạn thọ, quỳnh… được trồng theo ô, theo lối đẹp mắt vô cùng. Tôi không biết mình bắt đầu để ý đến mùi hương từ bao giờ, phải chăng từ nhiều tiền kiếp trước đã là một kẻ lang thang tìm hương. Nhưng kiếp này, có lẽ từ cái mùi trà hoa của ngoại. Người có một thói quen, buổi sớm mai ra vườn thăm nom, trò chuyện với lũ hoa cỏ, cây cảnh. Tôi vẫn nhớ như in, cánh tay người nâng một bông hồng bạch, rồi khe khẽ rung nhè nhẹ, cho sương hay nước mưa đêm qua rơi xuống, để cho hoa được tươi lâu, rồi chòm râu bạc trắng phau của người nghiêng xuống bên đoá hoa, hít hà, khuôn mặt lộ lên vẻ sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Lúc đó, tôi chưa thể hiểu được, có cái gì thú vị trong việc nâng niu từng cành hoa ngọn lá ấy.
Điều khiến tôi ngóng chờ là khi màn thăm hoa của ông ngoại kết thúc, ông sẽ chọn lấy một bông hoa còn đẫm sương lành cho vào ấm trà sáng. Tôi nhớ vô cùng mùi hoa hường bạch dại, mùi hoa nhài, hoa ngâu, rồi hoa sói, hoa cúc… quyện trong hương trà. Uống chén trà mà như nghe được lời thầm thĩ trò chuyện của trà, của hoa, của gió, của sương, của bao la đất trời. Những buổi trà sáng ấy, bằng cái giọng ngâm hơi khàn, người đọc cho tôi nghe những câu thơ Kiều của Nguyễn Du như: “Mành tương phân phất gió đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình/ Vì chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi”. Một đứa trẻ mới mười một, mười hai tuổi thì làm sao hiểu cái gọi là “hương gây mùi nhớ”, “trà khan giọng tình”, “duyên nợ ba sinh”, “thói khuynh thành”, nhưng cái đọng lại là hình ảnh ngoại cầm một cốc trà lên, nhấp từng ngụm nhỏ, rồi đằng hắng, đọc Kiều, ánh mắt người như lạc vào một miền nào đó xa thẳm lắm, khiến cho đứa cháu ngoại lúc đó, sẵn sàng đánh đổi hết mọi đồ chơi yêu thích để được du ngoạn vào thế giới đó một lần.
Ngày ấy, mỗi lần trong vườn hoa quỳnh sắp nở mà lại rơi vào đúng đêm trăng sáng thì nhà như có hội. Thế nào người cũng gọi đám con cháu đến cùng uống trà, ngắm trăng, ngắm hoa. Từ bé, đám con cháu chúng tôi đã được hưởng cái thú xa xỉ phẩm của: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Vì trong những đêm hội chờ trăng, chờ hoa ấy, ngoài các loại trà ướp hương hoa, mỗi đứa cháu còn bé tí nhưng cũng có tửu phần như các người lớn là một chén rượu ngâm cỏ cú. Thường là trong tuần trà đầu tiên ai cũng chăm chăm trông chờ xem hoa nở, nhưng chờ mãi, chờ mãi, chỉ thấy cánh vẫn điềm nhiên khép im lìm, hờ hững với sự háo hức trông chờ của đám trẻ con. Đến tuần trà thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi thứ năm, khi mọi người say chuyện quên mất, lúc nhìn lại thì hoa đã nở tự bao giờ. Tuồng rằng, hoa nở trộm, ngại ngùng khước từ những ánh nhìn như người thiếu nữ thay xiêm y lộng lẫy đi trẩy hội xuân. Chờ đợi giây phút ấy đôi lúc có cảm giác như nín thở chứng kiến sự ra đời của một sinh linh, của cái Đẹp.
Trong các kí ức của con người, kí ức về mùi hương có lẽ là bền lâu và khó quên nhất. Không biết có phải vì thế hay không mà tôi có thói quen lưu giữ mùi hương của kỉ niệm, của thời gian. Nhiều lúc, nâng một chén trà, vị đánh thức kỉ niệm, mùi hương tìm mùi hương. Vẫn biết nên “uống trà đi”, an trú trong hiện tại, nhưng kí ức nhiều lúc vẫn hiện về, rực rỡ, chói sáng, ngát hương, như chưa hề có ngăn cách tàn nhẫn của tháng năm. Tôi biết rằng, tháng ngày ấy đã mãi mãi trôi đi, sẽ chẳng còn hương thơm ngày cũ, ngoại cũng đã vĩnh viễn về cõi thiên thu. Âu đó cũng là lẽ vô thường của cuộc đời. Dẫu vậy, ngoại chưa xa tôi bao giờ, người vẫn ở đây trong mỗi chén trà tôi uống, trong mỗi nụ hoa sớm mai trong vườn, trong những điều lành thiện của cuộc đời. Vì thế, tuy rằng ít ỏi, chút gọi là thôi, nhưng mùa nào thức nấy, dệt hương làm trà hoa: mùa xuân thì hoa bưởi, hạ về thì hoa sen, thu sang tìm hoa cúc, đông tới vui với mộc, là cách để tôi không chỉ giữ mùa hương ấy cho những bằng hữu, tri âm, mà còn là gói giữ mùa hương ấy cho tháng năm, để thanh tẩy và ấp ủ cho tâm hồn mình được tinh khôi, thanh sạch, thiện lương, biết rung động, biết giá trọng, trân quý những vẻ đẹp của cuộc đời.