Lâu đài Tiểu vương
Từ lâu, bang Karnataka nằm ở phía tây nam Ấn Độ hầu như chỉ được biết đến với thủ phủ Bangalore, một trong những thành phố phát triển nhất đất nước này. Có đi thăm thú những thị trấn cổ cách Bangalore chừng một, hai trăm cây số mới thấy Karnataka vô cùng phong phú về văn hóa và tôn giáo: từ những đền thờ đạo Hồi có kiến trúc ấn tượng, những công trình đạo Jain vĩ đại, nhà thờ Thiên Chúa giáo thanh lịch cho đến các đền đài Hindu thâm nghiệm, cổ kính.
Rừng biển bao la và phố cổ êm đềm
Bangalore vốn được mệnh danh là thung lũng Silicon của Ấn Độ bởi thành phố này chiếm quá nửa sản lượng phần mềm xuất khẩu toàn quốc. Trong thành phố có rất nhiều công viên kỹ thuật, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các trung tâm mua sắm, giải trí hiện đại dành cho đời sống của một bộ phận lớn dân chúng đã thích nghi với văn minh phương Tây. Tuy nhiên, chỉ cách Bangalore vài giờ xe là người ta đã đến với những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp hoặc những đồn điền xanh mướt trên đồi núi chập chùng. Karnataka nổi tiếng trù phú với nghề trồng cà phê, cau, các cây gia vị và làm ra khoảng 60% sản lượng lụa của Ấn Độ.
Cách Bangalore khoảng hơn một trăm cây số về phía bắc là Mysore, thành phố hương thơm. Vì đây là vùng sản xuất lụa, trồng gỗ đàn hương, hoa nhài, sản xuất hương trầm… nên không gian lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm như đang trong lễ hội. Cung đường đến Mysore khá nên thơ với khung cảnh núi đồi xen lẫn những vùng trồng trà bạt ngàn, thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng nhiều thác nước tuyệt đẹp. Trước khi Ấn Độ giành độc lập, thành phố cổ kính này là nơi đóng đô của các vị tiểu vương. Chẳng thế mà vẻ vương giả vẫn in dấu trên mỗi đường phố nhờ những đền đài, dinh thự đẹp đẽ. Trong đó lộng lẫy nhất là lâu đài Tiểu vương (Maharaja’s Palace) với kiến trúc đồ sộ mà tinh tế. Những tác phẩm nghệ thuật, nhất là các tác phẩm điêu khắc ở đây đều đậm chất mỹ thuật và được bài trí trong không gian vô cùng sang trọng.
Cảnh trên đường đi
Từ Mysore đi thêm hơn hai giờ xe nữa, chúng tôi đến với thị trấn cổ Belur. Thị trấn nằm dọc theo bờ sông Yagachi, giữa một vùng cây cối xanh tươi đầy sức sống. Từ thế kỷ XI đến XIII, vùng đất này là kinh đô của triều đại Hoysala. Trong suốt 300 năm trị vì, triều đại Hoysala đã xây dựng 1.500 ngôi đền tại 958 địa điểm, tiếc là chỉ còn 100 ngôi đền tồn tại đến ngày nay. Trong đó, khu đền ở Belur, nơi thờ phụng chính của những người theo đạo Hindu thời đó được coi là tráng lệ nhất. Nghệ thuật điêu khắc ở khu đền được xây toàn bằng đá này có thể nói là đã đạt đến đỉnh cao. Các mặt của đời sống con người, muông thú, đời sống vua chúa, thần linh… được thể hiện sống động trên khắp bề mặt đền. Dường như những khối đá khổng lồ khi ở trong tay các nghệ nhân thời xưa bỗng trở thành khối đất sét mịn màng.
Việc xây dựng đền ở Belur được bắt đầu vào năm 1116 và phải mất 103 năm để hoàn thành. Quần thể đền thờ phức tạp này được bao bọc bởi những bức tường cao và có một cổng thành lộng lẫy. Công trình cao khoảng 30 mét, bao gồm một thánh điện, nhiều đền thờ nhỏ, nhiều hành lang và các kiến trúc trang trí khác. Trên các bức tường được chạm khắc tỉ mỉ bên trong đền là những câu chuyện bằng hình ảnh kể lại nhiều truyền thuyết của Ấn Độ và cả sử thi Ramayana, Mahabharata. Một trong những điểm tham quan chính là bức tường có tác phẩm điêu khắc Darpana Sundari, bức tượng người phụ nữ quyền quý đang soi gương với dáng vẻ rất biểu cảm. Quanh đó là vô số tượng và phù điêu mô tả các tiên nữ, vũ công, nhạc công, hay còn gọi chung là các Madanikas đang ca hát và nhảy múa. Tất cả những nhân vật này đều được lấy cảm hứng từ nhan sắc tuyệt trần của hoàng hậu đầu tiên trong triều đại.
Cổng vào đền Hoysalaswara
Nghệ thuật điêu khắc của người xưa
Kinh đô xưa cùng dấu tích của những vị vua
Cách di tích Belur 16km là Halebidu, thủ đô phồn thịnh một thời và là cái nôi của nền kiến trúc Hoysala. Điều này được thể hiện rõ nét bởi lối trang trí công phu tại hai ngôi đền Hindu là Hoysalaswara và Kedareshwara và hai ngôi đền đạo Jain, nơi thờ phụng của người Kỳ Na giáo. Ở phía trước của những ngôi đền này có một hồ nước lớn mang tên Dwarasamudhra, nghĩa là “Lối vào từ đại dương”. Đền thờ Hoysalaswara được xây dựng từ năm 1121 và là một quần thể tác phẩm điêu khắc trên đá tuyệt vời. Các bức tường trong ngôi đền đều được chạm khắc tỉ mỉ những hình ảnh mô tả lại thần thoại Hindu. Ngoài ra còn vô số tượng động vật, chim muông và Shilabalikas (còn gọi là những nhân vật nhảy múa). Đặc sắc hơn là không có tác phẩm nào trong đền thờ giống với tác phẩm nào. Ngôi đền hoa lệ được canh gác bởi hai bức tượng Nandi (bò đực) làm bằng đá nguyên khối. Tuy một số tác phẩm điêu khắc giá trị đã bị phá hủy bởi chiến tranh nhưng qua bảo tàng khảo cổ trong ngôi đền, du khách ai nấy không khỏi trầm trồ trước sự thịnh vượng và trình độ thẩm mỹ của người xưa.
Đền ở Belur
Hệ thống đền thờ của người theo đạo Jain ở gần Halebidu cũng có rất nhiều công trình đáng chiêm ngưỡng. Nổi tiếng nhất phải kể đến ngôi đền ở Sravana Belagola, nơi có pho tượng Bahubali, một giáo sĩ đạo Jain thuộc phái Digambara cao 18 mét, là pho tượng bằng đá nguyên khối cao nhất thế giới. Phái Diagambara chủ trương trung thành với Kỳ Na giáo nguyên thủy nên vẫn giữ quan niệm rằng tu sĩ phải khước từ tất cả những gì gọi là của cải, kể cả quần áo. Vì vậy, đây là pho tượng giáo sĩ lõa thể dựng trên ngọn đồi cao khoảng 200m. Đi từ xa du khách đã nhìn thấy rõ mồn một bức tượng khổng lồ này, nhưng muốn lên đến nơi thì phải leo 614 bậc đá cao và dốc. Lịch sử kể lại rằng hơn một ngàn năm trước có hai vị hoàng tử cùng tranh giành ngai vàng do vua cha để lại. Cuối cùng người em tên là Bahubali chiến thắng và giành được ngôi báu. Sau đó không lâu khi thấy cảnh người anh trai tên Bharat bị xiềng trong ngục tối, vị vua trẻ cảm thấy day dứt khôn nguôi. Cuối cùng, chàng ăn năn sám hối rồi trả lại ngai vàng cho Bharat, còn mình thì lui vào rừng sâu sống cuộc đời khổ hạnh của một giáo sĩ đạo Jain. Người anh trai sau khi lên ngôi liền cho xây đền và dựng tượng Bahubali trên đỉnh đồi này vào năm 981 để tưởng nhớ đến em. Từ đó, ngôi đền trở thành điểm hành hương nổi tiếng của người Kỳ Na giáo và một lễ hội rất lớn cứ 12 năm lại được tổ chức một lần. Nghe nói lễ hội năm 1993 và năm 2005 đã thu hút hàng trăm ngàn người hành hương và du khách nước ngoài đổ về đây. Đến giờ làm lễ, pho tượng được tắm trong sữa và được dội từ trên đầu xuống bằng sữa cùng với nước dừa, bơ tinh khiết, hạnh nhân, chà là, tiền xu bằng vàng, bột gỗ đàn hương, hàng tấn cánh hoa hồng… tức là những gì thanh khiết và quý giá theo quan niệm của tín đồ đạo Jain.
Đường phố Mysore
Tượng Bahubali
Sau những giờ phút mắt chìm đắm trong đền đài cổ xưa, tai đã lắng nghe đủ truyền thuyết, huyền sử bi tráng, chúng tôi vẫn không thể chợp mắt khi ngồi trên xe trở về Bangalore bởi phong cảnh Karnataka trong chiều tà vô cùng quyến rũ. Giữa những rặng đồi núi điệp trùng, dưới ánh nắng, ruộng đồng xanh bạt ngàn và những rặng dừa trong thung lũng như được dát một lớp vàng óng ánh…