Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), tại Việt Nam, Geminids là cơn mưa sao băng cuối cùng và đáng chờ đợi bậc nhất trong năm.
Mưa sao băng sẽ bắt đầu từ khoảng 22g ngày 13-12 và đạt cực đại vào khoảng 1g sáng ngày 14-12. Thời điểm đạt đỉnh của mưa sao băng sẽ kéo dài trong khoảng 1 giờ, với tần suất cực điểm lên đến 100-120 vệt/giờ.
Do không trùng vào đợt trăng sáng nên người yêu thiên văn Việt Nam hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn mưa sao băng Geminids, với điều kiện không bị mây mù, bụi bặm che khuất.
Về bản chất, mưa sao băng Geminids vốn là các mảnh thiên thạch của sao chổi 3200 Phaethons bay vào khí quyển Trái đất. Điểm thú vị của Geminids đó là sự xuất hiện của các quả cầu lửa Earthgrazer, là các vệt sao băng phát sáng bay ngang, rất chậm và gần như trùng lặp vào đường chân trời.
Để quan sát mưa sao băng này, người xem cần xác định vị trí chòm sao Gemini. Chòm sao Gemini sẽ xuất hiện ở hướng Đông lúc nửa đêm, lên đỉnh cao nhất vào khoảng 1g sáng rồi sau đó lùi dần về bầu trời phía Tây. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể quan sát mưa sao băng trong cả đêm, nhưng Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam đưa ra thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng mưa sao băng là sau nửa đêm.
Việc quan sát mưa sao băng sẽ không cần bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào. Người xem cần chọn vị trí có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo. Thông thường, sẽ mất khoảng 10 phút để làm quen với bóng tối. Tư thế quan sát tốt nhất là ngả lưng để ánh mắt luôn hướng về phía trên.