Việc những người thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood – MB) và các đồng minh Hồi giáo của họ không tìm được tiếng nói chung với phe đối lập đã làm cho vấn đề thêm trầm trọng, trong khi vai trò của giới quân sự Ai Cập còn khá mơ hồ, chưa có gì dứt khoát. Nhà phân tích chính trị Gamal Nkrumah, biên tập viên các vấn đề quốc tế của tờ tuần báo Al-Ahram (Ai Cập) cho rằng tình hình đang rất bấp bênh, nguy cơ dẫn đến nội chiến là điều có thật. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là bản dự thảo hiến pháp quy định đất nước Ai Cập phải được cai trị theo những nguyên tắc của luật Hồi giáo, được soạn ra dưới ảnh hưởng gần như hoàn toàn của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và đồng minh của họ là tổ chức Hồi giáo cực đoan Salafist. Phản đối bản dự thảo hiến pháp gồm phần lớn thành phần thế tục và giới trên trung lưu, họ muốn đi xa hơn việc đối thoại về bản hiến pháp, tố cáo tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi là một kẻ độc tài và đòi hỏi ông phải rời khỏi chính trường. Ngay cả các cố vấn của ông Mursi cũng đã có bốn người không phải Hồi giáo từ chức vì sự thuyết phục của họ đối với ông không có kết quả.
Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 22-12-2012
Nhiều cuộc đụng độ đẫm máu diễn ra giữa hai phe thân và chống chính phủ Mursi khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp. Để làm dịu bớt sự căng thẳng, chính quyền Cairo quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp, nhưng phía đối lập bác bỏ kế hoạch này ngay từ đầu. Dù vậy, cuộc trưng cầu vẫn được tiến hành làm hai đợt, vào các ngày 15-12 và 22-12-2012, với kết quả vừa được chính quyền Mursi công bố là trong đợt bỏ phiếu đầu tiên, số người đồng ý với bản dự thảo hiến pháp đạt 57% và trong đợt 2 đạt trên 70%, tỷ lệ chung khoảng 64%. Tuy nhiên, ngay từ đợt trưng cầu dân ý ngày 15-12, phía chống đối đã lên án về điều mà họ gọi là gian lậu bầu cử, vì thế kết quả này hầu như không có tác dụng gì trong việc làm dịu sự căng thẳng giữa hai phía, và đảng Tự do và Công lý (thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo) đang cầm quyền không dễ gì nhượng bộ. Họ dự kiến sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện thuộc Quốc hội Ai Cập trong vòng hai tháng. Nhưng dù với động thái nào, một khi mà chính quyền Mursi tiếp tục hành xử chỉ trên tinh thần luật Hồi giáo không thôi thì tình hình chính trị và xã hội Ai Cập khó bềổn định.
Minh Chiếm tổng hợp