Những ngày 14 đến 16-11 vừa qua, một hội nghị toàn cầu về xóa bỏ lâu dài tệ nạn lao động trẻ em đã diễn ra tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, với gần 2.000 đại biểu tham dự đến từ 190 nước và vùng lãnh thổ. Sau ba ngày thảo luận, hội nghị công bố bản “Tuyên bố Buenos Aires về cưỡng bức lao động trẻ em và việc làm cho tuổi trẻ”. Theo đó, tệ nạn lao động trẻ em giảm rất chậm do sự gia tăng của làn sóng người di cư và tỵ nạn vốn là hậu quả của các cuộc xung đột quân sự và biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu không có những thay đổi quan trọng, thế giới sẽ không xóa bỏ được tệ nạn trên vào năm 2025 như đã định trong Các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 2015-2030 do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Lần đầu tiên, hội nghị xác định lao động trẻ em tập trung phần lớn trong nông nghiệp, và ngày càng gia tăng. Từ năm 2013 đến nay, trong khi số lao động trẻ em tính chung giảm từ 162 triệu xuống còn 152 triệu thì số lao động trẻ em ở nông thôn đã tăng từ 98 triệu lên 108 triệu. Là khách mời danh dự của hội nghị, ông Kailash Satyarthi, giải Nobel Hòa bình 2014 do những nỗ lực chống lại tệ nạn lao động trẻ em, cứu vãn cuộc sống hàng ngàn nạn nhân của các chủ doanh nghiệp, cho rằng trẻ em bị lạm dụng do chúng là lực lượng lao động rẻ tiền nhất. Bà Junko Sasaki, Giám đốc Sở Chính sách xã hội và Định chế nông thôn thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thì cho rằng sự gia tăng lao động trẻ em tại nông thôn xuất phát từ việc sử dụng người không chính thức, phần lớn trẻ em làm trong các nông trại gia đình, không được trả lương, ở những địa phương xa tầm tay kiểm soát của chính quyền.
Về phần mình, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng hiện nay, 71% lao động trẻ em tập trung ở ngành nông nghiệp, trong đó 42% làm việc trong môi trường nguy hiểm. Không những thế, còn có bất bình đẳng giới trong lao động, trong gia đình trẻ em gái lao động nhiều hơn nhưng được ít thực phẩm hơn các em trai. Một kết quả điều tra do các tổ chức xã hội dân sự thực hiện được công bố dưới cái tên “It’s Time to Talk” (tạm dịch: Đã đến lúc nói ra), với 1.822 trẻ em tuổi từ 5-18 ở 30 quốc gia cho thấy đa số trẻ em lao động ở tuổi còn rất nhỏ là để phụ giúp gia đình và điều kiện lao động của chúng rất đáng lo ngại. Những việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là cơ hội được hưởng chế độ giáo dục phù hợp với nhu cầu phát triển tâm sinh lý.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cảnh báo rằng chính những cuộc xung đột quân sự ảnh hưởng đến đời sống của 250 triệu trẻ em đã làm cho tệ nạn lao động trẻ em thêm nghiêm trọng. Một trong những hướng giải quyết được nhiều người đồng tình là cải tiến triệt để các công nghệ trong sản xuất và đề ra những thao tác nông nghiệp hoàn hảo nhằm giúp các gia đình nghèo không hoặc ít phải buộc con em họ lao động để phụ giúp gia đình. Về mặt giáo dục, cần cổ xúy và phát triển hình thức học lưu động và giáo dục tại nhà, trong những môi trường dễ tổn thương nhất đối với tâm sinh lý giới trẻ như các trại tỵ nạn hay những vùng nông thôn nghèo khó nhất.
- LHCT tổng hợp