Benno Brada bơi trong bể bình thường như bao bể bơi khác, hân hoan thấy cá heo duyên dáng bơi chầm chậm lướt qua. Chỉ là cá heo ảo, nhưng lại có tác dụng trị liệu thực cho người tàn tật, mắc bệnh mạn tính.
Marijke Sjollema khẳng định: “Cá heo có điều kỳ diệu khiến người ta nghĩ đến niềm vui, hạnh phúc, trong sáng. Những điều này đều có tính năng chữa bệnh”. Lần đầu tiên tiếp xúc với động vật biển có vú năm 1993 khiến Sjollema cùng chồng Brada nảy ra sáng kiến lập Câu lạc bộ bơi với cá heo. Tươi cười với đôi mắt lấp lánh, nữ họa sĩ người Hà Lan kể một lần lặn biển Mexico, cô hốt hoảng thấy một cái bóng khổng lồ, xám xịt, nên buột miệng “Chết rồi, cá mập”. Một giây sau: “May quá, cá heo”!
Kể từ đó, hai vợ chồng dành hết thời gian và tiền bạc cho niềm đam mê mới, quyết tâm cùng mọi người cảm nhận sự kỳ diệu khi thấy cá heo. Dự án phim cá heo đầu tiên của họ ra đời vào năm 2015 với kính thực tế ảo. Nhanh chóng tiến thêm một bước tiếp cận cá heo ảo trong nước bằng kính lặn nối với điện thoại thông minh. Bơi lội trong bể bơi với nước cùng nhiệt độ nước biển Caribbean, thỏa thích ngắm cá heo ảo bơi lội tung tăng xung quanh cứ như thực.
Bác sĩ chăm sóc sức khỏe Johan Elbers xác nhận, hơn 82% người qua trị liệu cá heo ảo thực sự thư giãn, thoát khỏi thế giới ảm đạm đang sống và có suy nghĩ tích cực hơn. Một phụ nữ mắc bệnh mất ngủ triền miên đã có liều thuốc ngủ đặc hiệu qua trị liệu cá heo ảo.
Từ 50.000 euro tài trợ của chính phủ, 150 bệnh viện, viện sức khỏe, trường đại học được phân phối kính hiện thực cá heo ảo của vợ chồng Sjollema với 5 phút phim cá heo ở biển Đỏ.
• Theo HuffPost, TVAnouvelles