Thành phố Vũng Tàu nay là một điểm đến được người Sài Gòn ưa thích bởi đường đi thuận lợi, chỉ trong khoảng hai giờ ngồi xe đã đến với một vùng biển đẹp và sạch, lại có nhiều món ăn ngon. Ngoài hải sản các loại rất phong phú, Vũng Tàu còn nổi tiếng với đặc sản bánh khọt mà hầu như du khách nào cũng từng thưởng thức.
Không khó để tìm một quán bánh khọt ở Vũng Tàu nhưng được du khách biết đến nhiều nhất là quán Gốc Vú Sữa trên đường Nguyễn Trường Tộ và Cô Ba Vũng Tàu trên đường Hoàng Hoa Thám; cũng trên đường Hoàng Hoa Thám còn có quán Cô Hai, quán Cây Sung, rồi quán Cây Tre trên đường Lương Văn Can, quán Miền Đông trên đường Bà Triệu, quán Cây Đa trên đường Lý Thường Kiệt, quán Linh trong khu ẩm thực chợ Vũng Tàu… cùng nhiều quán nhỏ không tên mà các bác tài taxi hay xe ôm luôn sẵn lòng giới thiệu với khách phương xa.
Đông đúc nhất là bánh khọt Gốc Vú Sữa: những ngày cuối tuần đẹp trời, điểm đến này luôn tấp nập thực khách, nhiều người phải xếp hàng chờ đợi mới có chỗ trong khi quán có cả chục người đứng bếp luôn tay đổ bánh trong những chảo gang lớn, dầu sôi sùng sục…
Chẳng hiểu tự bao giờ, như một quy định bất thành văn, hễ nói tới món bánh khọt ở Vũng Tàu thì cái tên Gốc Vú Sữa luôn được nhắc đến đầu tiên để rồi trở thành một thương hiệu. Tất nhiên chất lượng bánh khọt ở đây phải làm hài lòng thực khách dù bánh chỉ có một loại nhân tôm tươi, trong khi ở nhiều quán khác nhân bánh còn được làm với mực sữa, cồi sò điệp.
Do quán luôn đông khách, phải chờ đợi dài cổ mới được ăn nên nhiều người, nhất là các bạn trẻ đi “phượt” đã tìm đến những địa chỉ khác mà theo họ chất lượng bánh cũng không thua kém Gốc Vú Sữa là bao, giá lại “mềm” hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn… Đổ bánh khọt với nhân loại gì thì điều quan trọng là bánh phải giòn, thơm, nhân phải thật tươi (hải sản bỏ tủ lạnh lâu ăn biết ngay vì mềm, nhão, không thơm) đi kèm nhiều loại rau xanh, đồ chua và nước mắm pha vừa miệng, đúng điệu.
Trong quy trình làm bánh khọt, theo tiết lộ của một đầu bếp nhiều năm kinh nghiệm thì công đoạn quan trọng nhất là làm bột bánh với ba thành phần: bột ướt từ gạo xay nhuyễn, cơm và bún xay đặc và trộn với nhau; tỷ lệ của ba thành phần này bao nhiêu là bí quyết của đầu bếp.
Bánh khọt được cho là có nguồn gốc từ bánh căn vốn phổ biến ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa và là món ăn đã có lâu đời của người Chăm vùng Nam Trung bộ. Theo hành trình Nam tiến, bánh căn dần dà được địa phương hóa để trở thành bánh khọt. Khác biệt căn bản giữa hai loại bánh là cách đổ bánh trên khuôn và trong chảo.
Khuôn đổ bánh căn thường bằng đất nung, bột bánh được rót vào khuôn, đậy nắp kín và bánh chín nhờ được nướng trên bếp than. Còn bánh khọt được đổ trong khuôn của chảo gang hay chảo nhôm ngập dầu hoặc mỡ nên nhiều chất béo, ăn mau ngán hơn. Nếu bánh khọt chỉ ăn với nước mắm pha thì bánh căn còn được ăn với mắm nêm đặc trưng của miền Trung hay nước mắm cá kho, nước mắm đậu phộng.
Các nước láng giềng với Việt Nam là Thái Lan, Lào, Campuchia đều có bánh chế biến tương tự như bánh căn, bánh khọt và tên gọi gần giống nhau. Ở xứ Thái là bánh khanom krok, Lào là nom kok, Campuchia là num krok. Các loại bánh này đều là bánh ngọt, được chế biến với bột gạo, nước cốt dừa, đường, có thể thêm mứt trái cây, chỉ để ăn chơi, ăn tráng miệng.