Các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Mới đây nhất là Samsung Pay, thâm nhập thị trường hơn một tháng nhưng đã gây sốt trong giới trẻ và dân văn phòng với gần 80.000 lượt tải về. Không chỉ người tiêu dùng mà nhiều ngân hàng cũng đang chạy đua rà soát công nghệ để sớm kết nối với Samsung Pay.
Trào lưu “quẹt điện thoại” đã bắt đầu
Nhanh chóng đưa ra chiếc máy POS khi khách hàng chìa ra chiếc điện thoại ngỏ ý thanh toán, anh Hùng, một nhân viên của Thế Giới Di Động cười tươi cho biết: “Lần đầu tiên khi khách hàng nói đưa điện thoại có tải Samsung Pay để quẹt thẻ, tôi ngạc nhiên lắm, phải quẹt lần thứ hai máy mới nhận. Giờ thì quen rồi, quẹt một phát là được luôn, nhanh chóng tiện lợi vô cùng”.
Anh Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm, khách hàng đang thanh toán tại đây cho biết: “Đây là lần thứ ba trong tuần tôi đi mua sắm mà hoàn toàn không cần đến ví, lần trước là đi xem phim và đưa vợ đi siêu thị, lần này là mua máy tính. Tính tôi hay quên, nhiều khi ra khỏi nhà là quên mang ví. Từ khi tải Samsung Pay là nghiện luôn, khỏi lo quên ví, quên thẻ, yên tâm ra khỏi nhà chỉ với chiếc điện thoại di động này thôi”.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện nay, rất nhiều điểm bán lẻ, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều chấp nhận thanh toán bằng Samsung Pay do hầu hết các máy POS trên thị trường hiện nay đều có thể tích hợp với công nghệ của Samsung Pay. Số người sử dụng điện thoại để “quẹt” thanh toán cũng tăng rất nhanh. Thông tin từ Công ty Samsung Vina cho biết, hiện đã có gần 80.000 lượt đăng ký Samsung Pay.
Hiện tại, bên cạnh bảy ngân hàng tham gia kết nối với Samsung Pay: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Citibank, Shinhan Bank, AB Bank, nhiều ngân hàng khác cho biết cũng đang gấp rút rà soát công nghệ để có thể sớm kết nối với Samsung Pay.
Chị Trần Phương Lan, khách hàng của Ngân hàng Techcombank chia sẻ: “Trước đây xem phim Mỹ, phim Hàn Quốc thấy người ta dùng điện thoại quẹt thẻ, cứ tưởng chỉ có trên phim, ai dè Việt Nam cũng đã có. Thấy bạn bè dùng Samsung Pay mà ghen tỵ quá, hy vọng Techcombank nhanh chóng kết nối để mình sớm được hưởng dịch vụ tiện ích này”.
Ngân hàng “chuộng” vì bảo mật
Không chỉ người tiêu dùng mà các ngân hàng cũng rất hứng thú kết nối với Samsung Pay, không chỉ vì đây là ứng dụng công nghệ đầu tiên tại thị trường Việt Nam cho phép dùng điện thoại để “quẹt” thay thẻ, mà còn vì tính an toàn, bảo mật.
Được biết, trước khi Samsung Pay đổ bộ vào Việt Nam, trên thị trường đã có hơn 20 ví điện tử và nhiều ứng dụng thanh toán mobile payment khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng và cả các ngân hàng đều rất thận trọng khi thanh toán qua các ví điện tử này, chủ yếu do lo ngại về tính bảo mật.
“Một khi đã hợp tác với ví điện tử, chúng tôi buộc phải chia sẻ dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên, bảo mật của nhiều ví điện tử chưa cao, nếu khách hàng rủi ro, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn rất kỹ đối tác để hợp tác, trong đó yếu tố bảo mật được coi trọng hàng đầu”, tổng giám đốc một ngân hàng cho hay.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank – một trong những ngân hàng đầu tiên kết nối Samsung Pay – cũng khẳng định, một trong những lý do mà Vietinbank hợp tác với Samsung Pay chính là yếu tố bảo mật cao.
“Hiện thị trường trong nước có rất nhiều fintech (các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ). Những công ty này năng động nhưng thiếu ổn định, bền vững trong đánh giá chất lượng và đảm bảo an toàn bảo mật. Vì vậy, khi hợp tác với Fintech, ngân hàng bổ sung những tiêu chí khảo sát về chất lượng và bảo mật kỹ lưỡng để đảm bảo khi sử dụng dịch vụ của họ không gặp vấn đề gì. Với Samsung Pay, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về bảo mật”.
Được biết, Samsung Pay có tính năng bảo mật ba tầng, bao gồm: Samsung Knox tiêu chuẩn quốc phòng, Tokenization được cung cấp bởi Tổ chức chuyển mạch thẻ và Phương thức xác thực trước khi thanh toán (bằng mống mắt, vân tay hoặc mã PIN). Trong đó, phương thức xác thực bằng vân tay, mống mắt vừa đảm bảo tính tiện ích, nhanh chóng, vừa đảm bảo độ an toàn rất cao. Với các tính năng bảo mật này, ngay cả khi người dùng mất điện thoại cũng hoàn toàn yên tâm vì toàn bộ thông tin thẻ chứa trong Samsung Pay không hề bị rò rỉ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia an ninh mạng, ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch phụ trách bộ phận An ninh mạng của Bkav nhận xét: “Thanh toán di động đang trở thành một xu thế trên toàn cầu. Tương tự các ứng dụng trên máy tính, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động cũng có những lỗ hổng, có thể lỗ hổng do phần mềm hay lỗ hổng từ lập trình. Điều quan trọng là đơn vị cung cấp ứng dụng, giải pháp công nghệ đó phải kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm kỹ càng trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi. Trên thực tế, đã có khách hàng của một số ngân hàng bị mất tiền do các ứng dụng thanh toán không đảm bảo an toàn bảo mật. Samsung Pay đã thử nghiệm kỹ càng và triển khai ở nhiều nước, phương thức xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, mống mắt) cũng là phương thức bảo mật hiện đại và an toàn nhất hiện nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm”.
Theo các số liệu thống kê, 53% dân số Việt Nam sử dụng internet thường xuyên song tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn thấp. Chính vì vậy, việc xuất hiện những ứng dụng thanh toán di động an toàn, tiện ích như Samsung Pay sẽ giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển bùng nổ, đặc biệt là thanh toán di động.